Cần sớm làm rõ nguyên nhân và xử lý quyết liệt hơn trách nhiệm của các cơ quan để xảy ra những dự án thua lỗ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 12 dự án thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng thuộc Bộ Công Thương chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Cùng với 12 dự án này, 72 dự án khác với tổng vốn đầu tư gần 43.000 tỉ đồng cũng đang thua lỗ kéo dài, tạm dừng hoạt động, có nguy cơ “đắp chiếu”, gây thiệt hại lớn cho Ngân sách Nhà nước.
Những con số trên vẫn chưa phản ánh hết thực trạng lãng phí đầu tư công, bởi số này mới chỉ chiếm 31% tổng số dự án cần rà soát. Nếu rà soát hết, con số có thể còn lớn hơn nhiều. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh việc công bố các dự án thua lỗ, cần tìm các giải pháp để sớm xử lý dứt điểm tình trạng này.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2017, có 72 dự án với tổng đầu tư 42.744 tỷ đồng trên cả nước đang có dấu hiệu hoạt động không hiệu quả. Đứng đầu bảng "phong thần" là các dự án nghìn tỷ đồng như Phóng vệ tinh Vinasat 2 của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), tổng vốn 5.462 tỷ đồng, từ năm 2012 - 2016 lỗ hơn 1.200 tỷ đồng; Nhà máy bột giấy Phương Nam tổng vốn đầu tư 1.487 tỷ đồng, sau điều chỉnh tăng 2,2 lần và hiện đã dừng hoạt động; Bột giấy Thanh Hóa gần 1.700 tỷ đồng hiện cũng đang “đắp chiếu”…
Nhà máy bột giấy Phương Nam tổng vốn đầu tư 1.487 tỷ đồng, sau điều chỉnh tăng 2,2 lần và hiện đã dừng hoạt động. (Ảnh: Internet)
Lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng, đầu tư, mở rộng nhà máy có ít dự án (chỉ chiếm 28% trong tổng số 72 dự án) nhưng tổng đầu tư lên tới 29.000 tỷ đồng (chiếm 68% trong tổng mức đầu tư được phê duyệt). Tiếp đến là lĩnh vực nông nghiệp với 33 dự án tạm dừng hoặc sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài.
Ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, từ khâu đề xuất triển khai các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước phải gắn cụ thể với trách nhiệm của người đại diện vốn tại doanh nghiệp nhà nước và ban điều hành (HĐTV, HĐQT) để đảm bảo tính hiệu quả của việc sử dụng vốn đầu tư.
“Mặc dùng cũng có một số hoàn cảnh khách quan, nhưng các dự án không hiệu quả chủ yếu là do việc quản lý của các Bộ, ngành chủ quản và trực tiếp là các đơn vị đầu tư quản lý kém, buông lỏng quản lý. Bên cạnh đó, cũng có vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm, làm không chặt chẽ đã mới nảy sinh ra nhiều vấn đề, từ việc chọn thầu đến quá trình thực hiện, liên tục phát sinh nhiều vấn đề không xử lý được”, ông Lưu Bích Hồ nói.
Những con số trên vẫn chưa phản ánh hết thực trạng lãng phí đầu tư công, bởi mới có 250 doanh nghiệp (thuộc 12 bộ ngành, 37 địa phương, 2 tập đoàn kinh tế, 9 tổng công ty nhà nước) gửi báo cáo. Nếu so với tổng số doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện rà soát, báo cáo mới chỉ chiếm hơn 31%.
GS.TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng, việc công khai thông tin về đầu tư công mà không đi kèm với trách nhiệm giải trình sẽ không mang lại hiệu quả.
Nếu trách nhiệm giải trình chỉ dừng lại đúng quy trình là xong sẽ kéo theo hiện tượng trốn tránh trách nhiệm. Do đó, cần sớm làm rõ nguyên nhân và xử lý quyết liệt hơn trách nhiệm của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương để xảy ra những dự án thua lỗ và có giải pháp quản dòng vốn ngân sách.
“Cần phải tìm cho được nguyên nhân, không thể để 43.000 tỷ và hàng chục tỷ khác trôi xuống sông. Bây giờ không phải là rút kinh nghiệm mà cần xử lý một cách nghiêm khắc, triệt để từ chính các chủ đầu tư các dự án và những người thụ hưởng các dự án đó. Phải chấn chỉnh ngay từ dưới lên trên trong vấn đề quản lý vốn, đầu tư vốn, phê duyệt các dự án. Nếu làm không cương quyết thì người dân mất niềm tin đối với Nhà nước, đối với Đảng”, GS.TS. Đặng Đình Đào chỉ rõ.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, việc lập, phê duyệt tổng mức đầu tư các dự án hiện nay còn bị buông lỏng, nhiều trường hợp xây dựng dự án với tổng mức đầu tư quá lớn, dư thừa công suất, gây lãng phí, thất thoát nguồn lực.
Ông Vũ Đình Ánh cho rằng, thời gian tới, Chính phủ cần làm tốt khâu thẩm định và quyết định đầu tư cũng như xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân để xảy ra thất thoát, tham nhũng trong các dự án đầu tư công.
“Vấn đề lớn nhất là chúng ta phải xử lý không chỉ với trường hợp của các dự án đầu tư công không hiệu quả hay lãng phí, thất thoát khác mà còn tất cả các hoạt động quản lý nhà nước cần phải tăng cường và gắn giữa quyền với trách nhiệm. Chỉ có thế thì mới đảm bảo được sẽ không có những dự án thiếu hiệu quả hay giả định có dự án thiếu hiệu quả thì sẽ có cách xử lý phù hợp”, ông Ánh nêu rõ.
Để xử lý tình trạng lãng phí, thất thoát trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, các chuyên gia kinh tế cho rằng chủ dự án phải tự tìm phương án giải quyết, nhà nước không thể dùng ngân sách để xử lý.
Với các dự án tạm dừng, dở dang cần xử lý theo nguyên tắc thị trường, nếu dự án không hiệu quả thì cho phá sản. Sau đó, xử lý trách nhiệm của người lập dự án, người ký quyết định đầu tư và cơ quan giám sát.
Bên cạnh đó, phải điều tra trách nhiệm cơ quan giám sát xem có dấu hiệu tiếp tay cho dự án để xảy ra nguy cơ thua lỗ. Các cá nhân có trách nhiệm ở dự án nguy cơ thua lỗ phải bỏ tiền đền bù, thậm chí khởi tố hình sự mới đủ sức răn đe./.
Cẩm Tú
Theo VOV