Ngay từ khi trò chơi huy động vốn kiểu bán hàng đa cấp này xuất hiện ở Quảng Trị và một số tỉnh miền Trung, tháng 7.2011, Lao Động là tờ báo đầu tiên đăng bài điều tra báo động về tính chất lừa đảo của hoạt động này qua bài viết “Quảng Trị: Nộp tiền thật, chờ giải thưởng trên... mạng”. Khoảng 60 ngày sau đó, Lao Động lại tiếp tục đăng bài “Nam Định: Cảnh báo từ kỳ nghỉ kim cương”. Mặc dù các bài điều tra của Lao Động đã chỉ rõ những cách thức, thủ đoạn và nạn nhân bị lừa đảo nộp tiền cho những chủ đường dây huy động vốn, nhưng “kỳ nghỉ kim cương” không bị ngăn chặn mà trái lại vẫn “liên tục phát triển”...
Những nhà tổ chức hốt tiền dân dưới tên gọi mỹ miều “kỳ nghỉ kim cương” ở miền Trung còn thách thức công luận và pháp luật khi họ đã ngang nhiên tổ chức hội nghị khách hàng và ra mắt chi nhánh Cty khu vực ngay tại thành phố trung tâm tỉnh lỵ của Quảng Trị với sự tham gia của trên một nghìn “khách hàng” (đến bây giờ đã trở thành nạn nhân) có sự hiện diện của nhà chức trách địa phương.
Trong số hàng nghìn nạn nhân ở các tỉnh nghèo miền Trung, có nhiều người là đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi đã bán nương rẫy, ao cá, thế chấp sổ đỏ, sổ lương hưu, sổ chính sách... vay tiền ngân hàng để mua “kỳ nghỉ kim cương chấm com”. Bên cạnh bộ phận nạn nhân đáng thương này, đã xuất hiện những cán bộ công chức, viên chức công tác các lĩnh vực tài chính – ngân hàng cũng tham gia trò chơi này. Ở phương diện tiếp thị và tạo lòng tin, bộ phận người chơi này đã trực tiếp hoặc gián tiếp “đẩy” nhiều người dân thường, lao động phổ thông cùng lao vào trò chơi.
Học phí cho “kỳ nghỉ kim cương chấm com” quả là quá đắt. Nhưng, nó sẽ ít hơn nhiều lần nếu vụ việc được ngăn chặn kịp thời ngay từ khi được cảnh báo. Và số lượng nạn nhân cũng sẽ ít hơn nếu trò huy động vốn lừa đảo này không có sự tham gia và bị sử dụng hình ảnh của những người làm trong ngành... huy động vốn.
Lâm Chí Công
Theo Lao dong