Ngân hàng trung ương Ả Rập Xê út vừa bơm 5,3 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng, nhằm hỗ trợ các nhà băng vốn đang phải vật lộn chịu đựng hậu quả của giá dầu giảm sút.
Cơ quan Tiền tệ Ả Rập Xê út, được biết đến với vai trò là ngân hàng trung ương của quốc gia nay, cho biết đã quyết định trao cho các nhà băng khoảng 20 tỷ riyals (5,3 tỷ USD) thay mặt Chính phủ dưới hình thức các khoản vay. Đồng thời, cơ quan này giới thiệu chương trình mua bán nợ 7 ngày và 28 ngày như là một phần nhằm “hỗ trợ chính sách tiền tệ”.
Việc giá dầu giảm mạnh trong 2 năm qua đã buộc Chính phủ Ả Rập Xê út phải rút bớt các khoản tín dụng trong hệ thống ngân hàng, thắt chặt thanh khoản nội địa. Điều này khiến lãi suất liên ngân hàng Ả Rập thời hạn 3 tháng, mức lãi suất tiêu chuẩn sử dụng cho các khoản vay, đã lên mức cao nhất kể từ năm 2009. Mới đây, ngân hàng trung ương nước này cho biết có thể cho các nhà băng vay 15 tỷ riyals trong ngắn hạn nhằm hỗ trợ thanh khoản trong hệ thống.
Thông báo này của ngân hàng trung ương Ả Rập Xê út được đưa ra trong bối cảnh vương quốc xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới này chuẩn bị bán trái phiếu quốc tế đầu tiên nhằm có thêm nguồn tài chính hỗ trợ thâm hụt ngân sách.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, thâm hụt ngân sách của quốc gia này có thể lên tới 13% GDP năm nay. Theo khảo sát của Bloomberg, nền kinh tế Ả Rập Xê út sẽ tăng trưởng 1,1% trong năm 2016, mức chậm nhất kể từ năm 2009.
Chỉ số đo sức mạnh của cổ phiếu các nhà băng đã giảm 17,6% trong năm nay, so với mức giảm 14,4% của chỉ số tiêu chuẩn Tadawul All Share.
Theo Bloomberg