ACB đã được phê duyệt nới room tín dụng từ 16% lên 20% trong năm 2017. Cùng với đó, ACB lên kế hoạch xử lý dứt điểm toàn bộ các khoản liên quan đến Nhóm 6 công ty và mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC trong nửa cuối năm 2017.
ACB lên kế hoạch mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC trong năm 2017 (Ảnh: ACB)
Theo báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), năm 2017 sẽ là năm bản lề quan trọng trong quá trình phục hồi và phát triển của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với nhiệm vụ xử lý toàn bộ nợ tồn đọng để bước vào giai đoạn phát triển mới.
Xử lý dứt điểm các khoản liên quan đến Nhóm 6 công ty trong năm 2017
Trong hội nghị các nhà đầu tư và chuyên viên phân tích được ngân hàng tổ chức vào ngày 25/8 vừa qua, ACB cho biết đến cuối tháng 6/2017 chỉ còn gần 600 tỷ đồng Nợ liên quan đến Nhóm 6 Công ty cần được xử lý.
Nửa đầu năm, ACB đã thu hồi được 379 tỷ đồng và trích lập 556 tỷ đồng nợ liên quan đến nhóm này. Nhờ thế, tính đến cuối quý II khoản nợ còn tồn đọng trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng chỉ còn 558 tỷ đồng. Theo lãnh đạo ngân hàng, ACB sẽ dứt điểm xử lý số dư này trong năm 2017.
Dư nợ trái phiếu VAMC của ACB là 1.411 tỷ đồng, trong đó đã trích lập 528 tỷ đồng. ACB có kế hoạch sẽ mua lại toàn bộ khoản nợ này trong nửa cuối năm 2017 để tự xử lý, và đưa dư nợ trái phiếu VAMC tại ngân hàng về bằng 0 trong năm nay. Theo nhận định của MBS, số dư VAMC chưa trích lập sẽ được đưa vào bảng cân đối kế toán của ngân hàng trong năm 2017, được xử lý một phần trong 2017 và sau đó xử lý hết phần còn lại trong năm 2018.
Chuyển các khoản tiền gửi tại một số TCTD thành bất động sản
Tính đến cuối năm 2016, ACB còn số dư tiền gửi 125 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GPBank, hay trong thuyết minh được nêu tên là Ngân hàng B). Theo cập nhật mới nhất, ACB sẽ hoàn tất sang tên bất động sản để cấn trừ cho số dư nợ này trong quý III/2017; theo đó, số dư còn lại sẽ chỉ còn mức không trọng yếu là 30 tỷ đồng.
Riêng số dư tại Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB, hay trong thuyết minh được nêu tên là Ngân hàng C), theo giải thích từ phía ngân hàng, do đề án tái cấu trúc của CB vẫn chưa được phê duyệt nên ACB chưa thể xúc tiến hoàn thành việc chuyển giao tài sản để cấn trừ nợ. Cụ thể, tài sản cấn trừ nợ bao gồm 3 bất động sản có giấy tờ công chứng và được định giá trên 400 tỷ đồng. Dự phòng hiện tại cho khoản tiền gửi này là 150 tỷ đồng.
Ngoài ra, cũng trong 6 tháng vừa qua ACB ghi nhận thu nhập 340 tỷ đồng từ xử lý trái phiếu Vinalines.
Nới room tín dụng từ 16% lên 20% trong năm 2017
ACB cho biết, room tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã được phê duyệt nới lên 20% cho năm nay từ con số 16%. Tính đến cuối quý II/2017, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng là 11,2% so với cuối năm 2016. Do dó, với việc chu kỳ giải ngân thường diễn ra nhiều vào cuối năm, MBS cho rằng ACB sẽ có thể hoàn thành kế hoạch tăng trưởng này mà không cần hy sinh chỉ tiêu NIM.
MBS dự báo tăng trưởng tín dụng của ACB vào cuối năm 2017 sẽ đạt 20% và NIM sẽ duy trì ở mức 3,12%, tương đương con số 3,13% của 6 tháng đầu năm. Kết hợp với giả định tăng trưởng huy động tiền gửi đạt 20% (bằng tốc độ tăng trưởng tín dụng), MBS dự báo thu nhập lãi thuần đạt khoảng 8.179 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế 2017 đạt 2.291 tỷ đồng, tăng 37% so với thực hiện năm 2016.
Trong thời gian tới, ACB có kế hoạch cải thiện NIM bằng phương thức đa dạng hóa phân khúc khách hàng, đi nhiều hơn vào đối tượng khách hàng có thu nhập thấp hơn, nâng tỷ lệ cho vay không có tài sản đảm. Cụ thể, ACB đề ra mục tiêu tăng trưởng dư nợ không có tài sản đảm bảo từ 1.000 lên 5.000 tỷ đồng trong vòng 6 tháng tới, hay tương đương 1% lên 3% dư nợ cho vay khách hàng của ACB, không thực sự đáng kể.
MBS cũng nhận định ACB là một trong những ngân hàng vẫn đảm bảo tăng trưởng đi kèm đảm bảo an toàn. Tỷ lệ CAR của ACB theo Thông tư 36 đạt 12,7% sau 6 tháng đầu năm, trong đó CAR theo vốn cấp 1 là 8,1%, nguyên nhân có sự chênh lệch lớn nhờ ACB huy động được 6.500 tỷ đồng trái phiếu dài hạn. Tỷ lệ LDR an toàn xấp xỉ ở mức 79%.
Trúc Minh
Theo KTTD,Vietnambiz