Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ bị hạn chế do suy giảm kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu.
Tại họp báo công bố Triển vọng Phát triển Kinh tế Việt Nam do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tổ chức sáng ngày 4/4, Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định: “Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ bị hạn chế do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023, cùng với việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, sẽ hỗ trợ Việt Nam khi đương đầu với những bất lợi này”.
Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2023 cho thấy, suy thoái kinh tế thế giới trầm trọng hơn trong quý IV năm 2022 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong năm 2023. Nhu cầu toàn cầu sụt giảm dự kiến sẽ tác động tới tăng trưởng công nghiệp. Sản lượng nông nghiệp dự kiến tăng 3,2% trong năm nay do nhu cầu trong nước phục hồi và Trung Quốc mở cửa trở lại, thị trường này chiếm tới 45% kim ngạch xuất khẩu trái cây và rau củ của Việt Nam.
Số liệu gần đây nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế Việt Nam trong quý I/2023 chỉ ra rằng, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ. Vị kinh tế trưởng Ngân hàng ADB nhận định, kết quả của Quý I cho thấy mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây.
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023. Chỉ duy nhất lĩnh vực dịch vụ là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong quý I, với giá trị tăng thêm của ngành này tăng 6,79% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2023 giảm 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 14,7%. Cả nhập khẩu và xuất khẩu được dự báo sẽ giảm xuống 7,0% trong năm nay và năm tới. Tăng trưởng thương mại chậm lại có thể tạo ra thâm hụt tài khoản vãng lai tương đương 1,0% GDP trong năm nay, trước khi đạt mức thặng dư trở lại vào năm 2024.
Cũng tại buổi họp báo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam nhấn mạnh, để đạt được mức tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay, 3 “đột phá” cần tập trung bao gồm:
Đột phá thứ nhất đến từ lĩnh vực đầu tư công. Cụ thể, dự kiến một lượng lớn vốn đầu tư công được giải ngân trong năm 2023. Chính phủ cam kết giải ngân 30 tỷ USD trong năm nay, trong đó 90% đã được phân bổ cho các bộ ngành và địa phương để giải ngân từ tháng 1/2023. Nếu như Việt Nam giải ngân được hết 30 tỷ USD sẽ đóng góp khoảng 1% vào GDP của cả nước.
Tiếp đến là tận dụng cơ hội từ sự mở cửa thị trường Trung Quốc để đẩy mạnh dịch vụ du lịch và hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là nông sản khi nước này chiếm khoảng 45% thị phần xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Theo kinh tế trưởng ADB Nguyễn Minh Cường, các lĩnh vực từ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ở Trung Quốc đang có dấu hiệu hồi phục và tăng trưởng mạnh sẽ hỗ trợ rất tốt cho quá trình phục hồi kinh tế ở Việt Nam.
Trong đó, lĩnh vực dịch vụ dự kiến tăng 8,0% trong năm 2023 nhờ du lịch và các dịch vụ liên quan được phục hồi. Không chỉ vậy, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp. Trung Quốc có thể tạo ra nhu cầu đáng kể đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, vì quốc gia này tiếp nhận 45% lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, nông nghiệp dự kiến tăng 3,2% vào năm 2023.
Cuối cùng là Việt Nam chuyển hướng sang chính sách nới lỏng. Theo đó, vào ngày 7/3, Chính phủ đã chỉ đạo ngân hàng trung ương hành động để hỗ trợ thanh khoản và phục hồi kinh tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra quyết định trong bối cảnh thị trường vốn căng thẳng, khiến tín dụng cho bất động sản bị thắt chặt và ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.
Sức ép lạm phát giảm dần, sức ép lên tỷ giá cũng giảm dần. Trong điều kiện đó, Ngân hàng Nhà nước chuyển sang nới lỏng, quyết định hạ lãi suất. Theo ADB, đây là biện pháp rất hợp lý và sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng rất mạnh.
Tiến Hoàng
Theo Kinh tế & Đồ uống