Sự kiện hot
8 năm trước

Ấu dâm gia tăng, cách gì bảo vệ bé gái?

Thời gian qua, một số vụ việc xâm hại tình dục trẻ em đã xảy ra. Tuy nhiên có không ít “yêu râu xanh” vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, trong khi các gia đình nạn nhân vật vã với nỗi đau trên hành trình kiếm tìm công lý. Câu hỏi được dư luận đặc biệt quan tâm là: Tại sao lại khó điều tra và khó kết tội những kẻ xâm hại trẻ em đến như vậy?


Mẹ cháu Trịnh Thị N phản ánh sự việc con gái bị hàng xóm dâm ô với PV Báo Gia đình & Xã hội. Ảnh: B.Minh

Sự im lặng tàn nhẫn

Theo con số thống kê mới nhất của Hiệp hội Quốc gia Phòng chống bạo hành trẻ em (NSPCC), trên thế giới độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi. Cứ 4 bé gái thì có một bé bị xâm hại tình dục, 6 bé trai thì có một bé bị xâm hại tình dục. Đáng chú ý, 93% nạn nhân quen kẻ xâm hại mình, trong đó có 47% kẻ xâm hại là họ hàng với nạn nhân.

Tại nước ta hiện nay, tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em có những diễn biến phức tạp. Nếu trước đây, nạn nhân bị xâm hại có độ tuổi từ 13-18 tuổi thì hiện nay, có một số nạn nhân ở lứa tuổi 5-13 tuổi, thậm chí là thấp hơn. Số liệu từ Bộ LĐTB&XH trong giai đoạn 5 năm (2011-2015) cho thấy, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó tình trạng xâm hại tình dục trẻ em nam có xu hướng tăng.

Trước đây, Báo Gia đình & Xã hội từng nhận được cuộc điện thoại cầu cứu của chị Trần Thị H (SN 1969, trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội) phản ánh sự việc người đàn ông gần nhà đã có hành vi xâm hại tình dục đối với con gái chị là cháu Phan Thị N.A (SN 2007).

Theo chị H tố cáo: Khoảng 12h30 ngày 15/11/2015, chị đi chợ về thì phát hiện con gái nhỏ có những biểu hiện bất thường. Trong lúc tỉ tê nói chuyện, cháu N.A kể với mẹ về việc ông T (hàng xóm) qua nhà chơi, rồi có hành vi xâm hại vùng kín của cháu. Nghe những lời nói của con, chị H lặng người. Nhận thức được tính chất nghiêm trọng của vụ việc, gia đình chị đã báo vụ việc tới Công an huyện Thạch Thất. Cơ quan công an cũng đã tới nhà lấy lời khai của mẹ con chị. Ngoài việc trình báo công an, vợ chồng chị H cũng đưa con gái tới Bệnh viện Sơn Tây khám. Kết quả cho thấy, âm đạo cháu bé có vết đỏ bầm và xây xát nhẹ. Hơn một năm qua, vợ chồng chị H đã rất nhiều lần gõ cửa các cơ quan công quyền cầu cứu. Nhưng cho tới nay, vụ việc vẫn bỏ ngỏ.

Một trường hợp khác là câu chuyện của cháu Trịnh Thị N (8 tuổi) bị đối tượng C.M.H (30 tuổi, trú tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có những hành vi dâm ô vào ngày 8/1/2017 đang khiến dư luận dậy sóng thời gian gần đây. Hiện, vụ việc này cũng chưa có kết luận từ các cơ quan chức năng.

Những lỗ hổng pháp lý

Liên quan tới vấn đề trên, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, luật sư Ngô Ngọc Trai (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Điểm mấu chốt để giải quyết bài toán trên vẫn là việc cơ quan điều tra có tích cực, giải quyết hay không? Bởi những vụ án dâm ô trẻ em, điều quan trọng nằm ở chỗ quan điểm, hướng xử lý rõ ràng, kiên quyết của cơ quan chức năng ngay từ thời điểm ban đầu. Họ cần thực hiện đầy đủ tất cả các bước điều tra theo quy định của pháp luật. Nếu để lâu, mọi dấu vết hoàn toàn có thể mất đi và khi đó chỉ còn lại duy nhất lời khai của các bên (điều này là chưa đủ sức thuyết phục để buộc tội các đối tượng gây án).

Trong trường hợp cụ thể của cháu N.A, cơ quan công an đã lấy lời khai của nghi phạm và lấy lời khai của cháu bé có mẹ giám hộ; đã xem xét hiện trường nhưng chưa tiến hành đối chất và thực nghiệm hiện trường để xác định tính chính xác trong lời khai của các bên liên quan. Đó là một trong những nguyên nhân khiến vụ việc kéo dài.

Điều 10 Bộ luật Hình sự quy định: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Cơ quan điều tra phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác minh sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội.

Việc cơ quan điều tra không tiến hành đối chất, không thực nghiệm hiện trường để xác định sự thật và chứng minh tội phạm là không phù hợp quy định của pháp luật.

Về thời hạn giải quyết tin báo và tố giác tội phạm, tại điều 103 Bộ luật Hình sự quy định: Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đơn tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng. Kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm phải được gửi cho viện kiểm sát cùng cấp và thông báo cho cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm được biết.

Về trường hợp của cháu N.A đã xảy ra cách đây hơn 1 năm, gia đình đã có đơn trình báo ngay hôm đó, nhưng tới nay cơ quan công an vẫn không thông báo kết quả cho gia đình được biết. Việc làm này là chưa đúng quy định của pháp luật.

Ở một khía cạnh khác, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Công ty tâm lý An Việt Sơn) cho rằng, lỗ hổng đầu tiên trong việc bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ xâm hại tình dục chính là nằm ở kiến thức của cha mẹ và chính các em bé. Bản thân cha mẹ không nhận thức được các trường hợp nguy cơ cao trẻ bị xâm hại. Trong khi đó, bản thân các em không được nhà trường và gia đình trang bị kiến thức để có thể tự bảo vệ mình. Ngoài ra, các quy định trong hệ thống luật pháp không thực sự rõ ràng để xử lý các hành vi nói trên. Cụ thể tại Luật Trẻ em và các văn bản quy phạm pháp luật không có quy định những hành vi như nhìn, ngắm, vuốt ve, sờ mó, ôm ấp… là hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Đây là một lỗ hỗng lớn, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần khắc phục sớm, mới mong có thể ngăn chặn, giảm thiểu tới mức tối đa số lượng trẻ em bị xâm hại tình dục.

B.Minh - X.Thắng
theo GĐ&XH

Từ khóa: