Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) tìm hiểu lẫn nhau để mua lại, sát nhập. Điều này giúp hình thành nên những tổ chức tài chính lớn mạnh, có khả năng trụ vững trong môi trường cạnh tranh và qua đó lành mạnh hóa hệ thống tài chính ngân hàng.
Vì vậy, từ bây giờ các TCTD phải có chiến lược phát triển phù hợp, xây dựng và tiến hành các biện pháp tái cấu trúc. Đối với những trường hợp cần thiết, NHNN sẽ có cơ chế hỗ trợ thích hợp để đảm bảo việc sát nhập, hợp nhất, mua lại TCTD thành công.
Bán cổ phần để tăng vốn
Theo NHNN, hiện nay hệ thống các TCTD cả nước có 52 ngân hàng thương mại (NHTM), 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 31 TCTD phi ngân hàng, hơn 1.000 quỹ tín dụng cơ sở... Mạng lưới hoạt động của các TCTD tập trung chủ yếu ở TP nên đang có sự cạnh tranh gay gắt. Điều đó gây áp lực đến lợi nhuận, tạo sức ép buộc các TCTD chấp nhận mức rủi ro cao, đe dọa đến an toàn hệ thống.
Theo TS Nguyễn Ngọc Ảnh, Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, phải nhanh chóng tái cấu trúc ngân hàng, nếu chậm trễ thì một số NHTM sẽ khó trở tay với những khó khăn nội tại và trước làn sóng các ngân hàng ngoại vào VN.
Việc sát nhập, hợp nhất, bán cổ phần của các NHTM sẽ giúp hệ thống ngân hàng phát triển hơn.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ông Ảnh cho hay Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ đã nói rõ đến năm 2010 các NHTM của Mỹ được đối xử bình đẳng như tất cả NHTM trong nước. Đáng ra các ngân hàng ở Mỹ có thể đã nhảy vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay họ cũng đang gặp khó khăn vì lạm phát.
“Nhưng lạm phát của Mỹ sẽ sớm được khắc phục và với trình độ quản trị chuyên nghiệp, số vốn lớn mạnh, lãi suất ưu đãi… liệu rằng các ngân hàng trong nước có đủ sức cạnh tranh với họ hay không” - ông Ảnh nói.
Tính đến cuối tháng 9 đã diễn ra chín thương vụ mua bán, sát nhập trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong đó có tám thương vụ giữa các ngân hàng trong nước với các đối tác chiến lược nước ngoài. Trong tháng 10, ngân hàng Vietcombank cũng bán cổ phần cho một đơn vị tại Nhật Bản.
Theo ông Ảnh, việc các NHTM bán cổ phần cũng là cách để tăng vốn, đồng thời tranh thủ kỹ năng quản trị và công nghệ của nước ngoài để tạo thanh khoản giúp ngân hàng mạnh hơn. Nếu ngân hàng thực sự có vốn lớn, quản trị tốt... thì khả năng phát triển bền vững cao.
TS Ảnh nhận định việc NHTM bán cổ phần như trên còn một ý nghĩa khác là giúp ngoại tệ trong nước tăng. Cụ thể khi đơn vị nước ngoài mua cổ phần thì họ phải góp vốn bằng ngoại tệ. Khi ấy chúng ta có thể phát hành một lượng tiền mặt tương đương để bơm cho các NHTM mà không sợ lạm phát. Vì thế nếu có thể bán cổ phần vẫn nên tiếp tục khuyến khích.
Không nên chỉ dừng lại ở cổ phần hóa
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên tư vấn Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia, cho rằng phải yêu cầu sát nhập, giải thể chứ không đơn thuần dừng lại mua bán cổ phần. Bởi hiện nay nhiều ngân hàng đang có dấu hiệu bệnh “lâm sàng” rất nguy hiểm. Đó không hẳn là do những rủi ro về thanh khoản tạo ra mà xuất phát từ việc quản trị kém, cân đối sử dụng ngồn vốn không hợp lý (huy động ngắn hạn của người dân nhưng lại cho doanh nghiệp vay dài hạn). Chưa kể việc dư nợ cho vay bất động sản vẫn còn khá nhiều. Chính vì thế nợ xấu tăng nhanh và ngân hàng đang bị khát vốn.
ông Ngân cho hay gần đây nhiều ngân hàng đua nhau đẩy lãi suất huy động liên ngân hàng. Nghĩa là các ngân hàng không huy động được vốn từ người dân nên phải vay giữa các ngân hàng với nhau. Việc này về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất xấu đến toàn hệ thống. Bởi vậy NHNN phải nhanh chóng thanh tra, khoanh vùng để tránh lây lan sang những ngân hàng không đáng “chết”. Muốn vậy phải bắt tay vào xếp loại xem ngân hàng nào đang hoạt động hiệu quả, ngân hàng nào chưa hiệu quả, lỗ lớn trong kinh doanh. Từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể để tái cấu trúc. Càng làm nhanh việc này bao nhiêu chúng ta sẽ đỡ tốn kém bấy nhiêu.
Cụ thể, theo ông Ngân, đối với những ngân hàng có khả năng tồn tại thì NHNN tiếp tục hỗ trợ thanh khoản. Còn với những ngân hàng thanh khoản tốt hơn phải nâng cao năng lực quản trị để có tính cạnh tranh cao. Còn với những ngân hàng yếu, năng lực sản xuất hạn chế thì bắt buộc phải sát nhập.
Bên cạnh đó, theo ông Ngân, NHNN phải hưởng ứng việc giảm mặt bằng lãi suất xuống từ nay đến cuối năm chỉ còn khoảng 16%-17% và năm 2012 ở mức 14%-15%. Muốn vậy lãi suất huy động vốn hiện nay nên để ở mức 12% và năm sau kéo xuống 10%.
Đến cuối tháng 9 đã diễn ra chín thương vụ mua bán, sát nhập trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong đó có tám thương vụ giữa các ngân hàng trong nước với nước ngoài.
Yến Trang
Theo Pháp luật TPHCM