Sự kiện hot
6 năm trước

Bán đảo Thanh Đa “ngụp lặn” dưới bóng siêu dự án của Bitexco

26 năm trôi qua từ khi có phê duyệt của UBND TP.HCM về dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, siêu dự án thuộc phường 28, quận Bình Thạnh chỉ nằm trên giấy, còn thực tế thì vẫn có một thôn quê sát nách trung tâm TP.HCM.

Hinh 1.jpg
Nhiều hộ dân tận dụng phần đất gần sông trồng hoa màu để kiếm thu nhập sống qua ngày

Nỗi thống khổ của người dân

Vào những ngày cuối tháng 10, men theo những con đường chật chội với bề rộng chỉ khoảng 1m, đầy rẫy những ổ gà ổ voi, chúng tôi tìm đến dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Vào sâu bên trong thì ai nấy cũng ngỡ ngàng bởi những căn nhà được che chắn tạm bợ, hai bên đường cỏ dại mọc um tùm. Ở đây, rất nhiều khu đất trống được người dân tận dụng để trồng lúa, làm ao sen hay vuông rau muống.

Cách trung tâm thành phố chưa đầy vài phút đi xe máy nhưng trông nơi đây không khác gì một vùng quê. Dạo quanh một vòng tại siêu dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, chúng tôi mới thấu hiểu được cái khó cải khổ của người dân nơi đây khi sống trong tình cảnh bị “treo dự án”. Nào là nỗi lo về ngập nước khi triều cường lên, nhà cửa lụp sụp, tạm bợ vì không được sửa chữa, cây hoa màu trồng trọt thì không có năng suất, đường đi lại khó khăn…

Bà Nguyễn Thị Đen (56 tuổi) cho biết, từ nhỏ đến lớn bà cùng gia đình đến vùng đất này cư ngụ. Từ trước đến nay gia đình bà Đen và hàng xóm xung quanh vẫn duy trì việc trồng lương thực, mà cây chính là lúa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, người dân không còn trồng lúa nữa vì năng xuất thấp. Trong vùng chỉ còn vài ba hộ là sản xuất lúa theo kiểu lấy công làm lãi.

Còn ông Võ Văn Minh, một lão nông bám trụ trên bán đảo Thanh Đa – Bình Quới chia sẻ, kể từ lâu nguồn thu nhập chính của gia đình đều phụ thuộc vào con cháu trong nhà đi làm công nhân ở khu công nghiệp, còn người già thì ở nhà trông cháu.

Theo ông Minh, mỗi tháng có 2 đợt triều cường, vào ngày 15 và 30 khi thuỷ triều lên cao, nước vào nhà ngập lai láng. Tình trạng này cũng xảy ra kéo dài từ những tháng cuối năm đến tận tháng 8 năm sau.

“Đất đai thì rộng mà muốn trồng trọt cũng không được vì động vật và sâu bọ phá hoại liên miên. Từ khi quy hoạch đến giờ, chỉ biết ở nhà trông cháu và nuôi thêm con gà, con vịt… còn đất đai thì để không muốn được tách thửa để con cái ra ở riêng cũng không được vì người ta không cho phép, nhà cửa cũng không sửa chữa được nên đành để vậy ở tạm”, ông Minh nói.

Trò chuyện với rất nhiều người dân ở nơi đây, hầu hết nguyện vọng lớn nhất của họ là mong muốn được đẩy nhanh tiến độ để thực hiện dự án hoặc Thành phố ra quyết định bãi bỏ chế độ treo để mọi người được an cư, lạc nghiệp, tìm kế mưu sinh lâu dài.

Hinh 2.jpg
Nhiều hộ dân tận dụng phần đất gần sông trồng hoa màu để kiếm thu nhập sống qua ngày

Chờ đến bao giờ?

Dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa được bắt đầu từ năm 1992 khi có sự phê duyệt chính thức của UBND TP.HCM. Đến năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Nhưng sau do thiếu năng lực nên Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn không triển khai được.

Năm 2010 UBND TP.HCM quyết định thu hồi và giao cho một tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000. Thế nhưng năm 2015, UBND TP.HCM chỉ định Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) làm nhà đầu tư dự án có tổng mức đầu tư hơn 30.000 tỉ đồng bao gồm các tiêu chí của một đô thị sinh thái hiện đại với hạ tầng xã hội - kỹ thuật.

Theo kế hoạch triển khai, dự án có diện tích khoảng 426,93 ha gồm toàn bộ phường 28, quận Bình Thạnh. Thời gian thực hiện dự án trong 50 năm (được chia làm 3 giai đoạn) kể từ ngày ký kết hợp đồng. Tổng số vốn đầu tư cho dự án này vào khoảng 30.700 tỉ đồng. 

Theo đó, giai đoạn 1 từ 2016 đến 2020 đây là giai đoạn tập trung hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng các công trình kỹ thuật chính. Giai đoạn 2 từ 2021 đến 2025, nhà đầu tư sẽ thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các khu vực chức năng của dự án. Giai đoạn 3 từ 2026 đến 2030 giai đoạn này sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng các hạng mục còn lại của dự án.

Tuy nhiên, giấc mơ siêu đô thị một lần nữa lại tan tành bởi vì năm 2017 Công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi liên danh chủ đầu tư. Để tiếp tục UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco tiếp tục là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, quận Bình Thạnh.

Mới đây, trong kỳ họp HĐND TP.HCM Chủ tịch UBND TP.HCM ông Nguyễn Thành Phong nói: “Chúng ta thử đặt mình vào hoàn cảnh người dân trong đó sẽ thấy thế nào. Để nỗi khổ của người dân trong dự án cứ kéo dài, có trách nhiệm của chính quyền TP". Đây là lời cam kết của Chủ tịch UBND TP.HCM ông Nguyễn Thành Phong với các đại biểu sẽ triển khai nhanh dự án này.

Cũng trong kỳ họp HĐND TP.HCM vừa qua, ông Nguyễn Thành Phong thay mặt lãnh đạo TP.HCM xin lỗi người dân. “Xin chia sẻ khó khăn với người dân quận Bình Thạnh trong vùng dự án, tôi cũng đã thấy được những bức xúc của bà con nơi này”.

Dịch Phong

Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: