Năm 2024 được xem là năm bản lề của thị trường bất động sản Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng cho giai đoạn chuyển mình sau thời gian dài đối mặt với nhiều khó khăn. Dự báo từ năm 2025, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới nhờ vào các yếu tố pháp lý thuận lợi, nhu cầu nhà ở và sự phát triển hạ tầng.
Theo đó, thị trường BĐS trong hai năm 2022-2023 đã trải qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng, nguồn cung đóng băng, thanh khoản giảm mạnh và những vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ. Các doanh nghiệp không chỉ chịu sức ép tài chính mà còn phải định hướng lại chiến lược để thích nghi.
Tuy nhiên, năm 2024 đánh dấu bước chuyển mình với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ thông qua các chính sách tháo gỡ khó khăn. Điển hình là các gói tín dụng ưu đãi dành cho nhà ở xã hội, việc sửa đổi Luật Đất đai 2023 và Luật Kinh doanh BĐS, cùng các chính sách khuyến khích đầu tư vào phân khúc bất động sản công nghiệp và du lịch nghỉ dưỡng. Đây cũng là năm cuối cùng để chuẩn bị bước vào giai đoạn nước rút của kỳ kế hoạch 5 năm (2021-2025), khi các doanh nghiệp cần tái cơ cấu danh mục sản phẩm, tập trung vào nhu cầu thực tế của thị trường thay vì chỉ theo đuổi phân khúc cao cấp.
Theo báo cáo mới nhất từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở đã dần được cải thiện nhờ các chính sách tháo gỡ khó khăn. Dẫu vậy, sự phục hồi vẫn còn đối mặt với thách thức lớn, khi cơ cấu nguồn cung chưa cân bằng giữa các phân khúc. Giá bất động sản tại một số thị trường trọng điểm như Hà Nội và TP.HCM bắt đầu ổn định, trong khi các khu vực ngoại ô với hạ tầng phát triển mạnh mẽ ghi nhận mức tăng giá từ 5-10% so với năm 2023.
Thị trường cũng đã chứng kiến sự quay trở lại của một lượng tương đối lớn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản, Môi giới Bất động sản. Nguồn cung dần cải thiện, niềm tin nhà đầu tư củng cố, tỷ lệ hấp thụ sản phẩm mới đạt trên 70%. Với những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2024, cùng sự hỗ trợ sát sao từ phía Chính phủ, các cơ quan ban ngành, thị trường BĐS Việt Nam năm 2025 đã sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều biến động, dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong giai đoạn 2024-2025 sẽ có xu hướng đi ngang và chỉ phục hồi nhẹ từ năm 2026. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì một nhịp độ tăng trưởng khá mạnh mẽ, với triển vọng đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024 và 2025. Mặc dù nền kinh tế trong nước còn gặp phải không ít thử thách, sự tăng trưởng này vẫn là yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới.
Cùng với sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô sẽ đóng góp đáng kể vào việc phục hồi thị trường BĐS. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ là nền tảng cơ bản để thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề liên quan, trong đó có bất động sản. Khi nền kinh tế ổn định, niềm tin của các nhà đầu tư cũng được củng cố, kéo theo các cơ hội phát triển cho thị trường BĐS.
Thị trường bất động sản năm 2025 tiếp tục xu hướng phục hồi với tốc độ cũng khá tương đồng với năm 2024. Tại thị trường phía Bắc, Hà Nội được xem là "hạt nhân" trong chu kỳ phát triển mới với nguồn cung tiếp tục duy trì ở mức cao, khoảng từ 25.000 - 30.000 sản phẩm. Còn tại TP.HCM, con số này khiêm tốn hơn, khoảng từ 7.000 - 8.000 sản phẩm trong năm tới.
Tác động của các yếu tố pháp lý đối với thị trường bất động sản
Một trong những yếu tố quan trọng giúp thị trường bất động sản bước vào chu kỳ tăng trưởng mới chính là sự cải cách và hoàn thiện khung pháp lý. Các chính sách về quản lý đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản đã được sửa đổi và bổ sung, mang lại sự minh bạch và rõ ràng trong các thủ tục pháp lý.
Cụ thể, trong quý III/2024, nhiều nghị định và thông tư mới đã được ban hành để hướng dẫn thực hiện các luật sửa đổi như Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản.
Những quy định này giúp các chủ đầu tư dễ dàng hơn trong việc thực hiện thủ tục pháp lý, từ đó thúc đẩy tiến độ triển khai dự án. Ngoài ra, các cơ chế hỗ trợ việc thu hồi đất, đền bù, định giá đất và các khoản phí cũng được điều chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án bất động sản trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Nhu cầu nhà ở và xu hướng đầu tư bất động sản
Bên cạnh các yếu tố về pháp lý, nhu cầu về nhà ở tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, vẫn duy trì ở mức cao.
Dân số tăng nhanh, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và sự di cư từ nông thôn ra thành phố kéo theo nhu cầu nhà ở thực tế lớn. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc căn hộ, nhà liền thổ và các dự án nhà ở xã hội.
Bên cạnh nhu cầu an cư, nhu cầu đầu tư vào bất động sản cũng đang hồi phục mạnh mẽ. Các nhà đầu tư đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các dự án bất động sản, đặc biệt là các khu vực có tiềm năng tăng giá mạnh mẽ như khu vực nội đô và vùng ven.
Lãi suất vay mua nhà ổn định và các dự án được mở bán với thủ tục pháp lý rõ ràng giúp người mua dễ dàng tiếp cận và tham gia vào thị trường.
Thị trường bất động sản cũng chứng kiến sự thay đổi về thói quen và xu hướng của người tiêu dùng. Người mua hiện nay ưu tiên các dự án từ những chủ đầu tư có uy tín, đảm bảo tiến độ xây dựng, chất lượng công trình và có đầy đủ pháp lý rõ ràng. Các dự án với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, gần các khu vực tiện ích cũng ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm.
Phát triển hạ tầng tạo động lực cho thị trường bất động sản
Hạ tầng giao thông và các dự án đầu tư công đóng vai trò then chốt trong sự phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản.
Những công trình hạ tầng lớn như các tuyến đường Vành đai, metro, đường cao tốc và các dự án cầu, cảng sẽ làm tăng sự kết nối giữa các khu vực và tạo ra các cơ hội phát triển bất động sản mới.
Sự phát triển mạnh mẽ của các dự án hạ tầng cũng làm tăng sức hấp dẫn của các khu vực ven đô và các thành phố vệ tinh, tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường bất động sản tại các khu vực này.
Các dự án hạ tầng này không chỉ nâng cao chất lượng sống cho cư dân mà còn gia tăng giá trị bất động sản tại các khu vực lân cận. Khi hạ tầng giao thông được hoàn thiện, các khu vực trước đây khó tiếp cận sẽ trở nên thuận tiện hơn, từ đó tạo ra sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư bất động sản vào các khu vực mới, đồng thời làm gia tăng giá trị tài sản bất động sản tại đó.
Triển vọng giá bất động sản và các phân khúc tiềm năng
Về giá cả, trong giai đoạn 2025-2026, thị trường bất động sản dự báo sẽ có sự điều chỉnh nhưng vẫn tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ. Các khu vực trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM có thể tiếp tục duy trì mức giá cao do sự khan hiếm quỹ đất và nhu cầu mua nhà vẫn duy trì mạnh mẽ.
Tuy nhiên, trong những năm tới, các khu vực vùng ven và các thành phố vệ tinh sẽ bắt đầu trở thành điểm sáng đầu tư khi cơ sở hạ tầng được cải thiện và giá đất tại các khu vực này còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Các phân khúc bất động sản như căn hộ trung cấp, nhà liền thổ và các dự án khu đô thị vùng ven sẽ có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các dự án nằm trong khu vực có hạ tầng giao thông tốt và thuận tiện di chuyển về các trung tâm kinh tế.
Mặt khác, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch, mặc dù đang gặp phải những khó khăn nhất định, nhưng dự báo sẽ phục hồi khi các yếu tố về du lịch và dịch vụ phát triển trở lại.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đối mặt với nhiều thách thức như tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, giải ngân đầu tư công thiếu đột phá, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về pháp lý, nghĩa vụ tài chính, chi phí đầu vào cao và giá bất động sản tăng nhanh ở một số phân khúc, việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Theo đó, các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động tái cơ cấu, tập trung vào lĩnh vực có thế mạnh, đồng thời kiểm soát rủi ro về dòng tiền, lãi suất và các khoản nợ đáo hạn. Việc tránh “dàn trải, ôm đồm” sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự bền vững.
Trong giai đoạn chuyển giao giữa các quy định pháp luật cũ và mới (đến hết năm 2025), doanh nghiệp cần nắm bắt kịp thời các thay đổi pháp lý để điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp. Cụ thể, các chủ đầu tư cần tập trung phát triển các sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thực và khả năng chi trả của phần đông người dân. Các sàn giao dịch bất động sản cần nâng cao trách nhiệm trong việc thẩm định pháp lý, đảm bảo lựa chọn phân phối những dự án chất lượng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần minh bạch thông tin về dự án, giá cả và các yếu tố pháp lý, giúp tạo niềm tin cho khách hàng và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng và vận hành không chỉ giúp giảm giá thành sản phẩm mà còn tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh thị trường BĐS 2025 còn nhiều biến động. Mọi hoạt động của doanh nghiệp nên lấy sự ổn định và sức khỏe của thị trường làm trọng tâm. Thị trường phát triển bền vững sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư, từ đó củng cố niềm tin của khách hàng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp BĐS cần rà soát và tối ưu danh mục đầu tư, cơ cấu sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thực tế. Đồng thời, tiết giảm chi phí vận hành và xây dựng theo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ” để tăng tính cạnh tranh và hỗ trợ thị trường.
Tiến Hoàng/KTĐU