Bản tin thị trường bất động sản 13/3 có những nội dung đáng chú ý sau đây: Quảng Bình vào cuộc kiểm soát khi các chủ đầu tư bất động sản “bán lúa non”; Nguồn cung khan hiếm, nhà đầu tư bất động sản đua “đón sóng”;…
Nhiều chủ đầu tư 'bán lúa non', Quảng Bình vào cuộc kiểm soát
UBND tỉnh Quảng Bình vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản và giá đất trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh này cho biết, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh những năm gần đây có thời điểm phát triển nóng, giá bất động sản bị đẩy lên cao, gây sốt ảo,... và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, từ quý I/2021 đến nay, thị trường đã có xu hướng bình ổn; tỉnh đã tạo ra quỹ đất, quỹ nhà ở đáp ứng được nhu cầu của thị trường, không để thiếu hụt nguồn cung gây ra ra tình trạng sốt nóng. Các quy hoạch, dự án được công khai, minh bạch; việc định giá đất, xây dựng phương án đấu giá quỹ đất các dự án được thực hiện theo hướng vừa bám sát thị trường vừa hạn chế làm tăng giá đất bất thường,...
Do đó, UBND tỉnh này yêu cầu Sở Xây dựng rà soát, kiểm soát việc thực hiện quy hoạch xây dựng; công bố công khai và thường xuyên cập nhật danh sách các dự án phát triển nhà ở hình thành trong tương lại đủ điều kiện được bán, cho thuê, cho thuê mua.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong việc huy động vốn của các dự án phát triển nhà ở, đặc biệt là hình thức huy động vốn bằng việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thành lập, hoạt động sàn giao dịch bất động sản, việc sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản,...
Công an tỉnh Quảng Bình được giao tăng cường công tác kiểm tra; tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đối tượng kinh doanh, hoạt động môi giới bịa đặt thông tin không đúng sự thật nhằm gây sốt giá đất để trục lợi, có dấu hiệu lừa đảo, mua bán, chuyển nhượng đất đai không đúng quy định của pháp luật gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải áp dụng phương pháp định giá để xác định giá đất cụ thể, giá đất khởi điểm để đưa ra đấu giá đảm bảo phản ánh đúng giá trị thật của thị trường, hạn chế việc chia nhỏ lượng quỹ đất đưa ra đấu giá gây khan hiếm thị trường, tạo ra sốt ảo.
Quảng Nam chốt phương án xử lý loạt dự án tại KĐT mới Điện Nam - Điện Ngọc
UBND tỉnh Quảng Nam phát đi Thông báo số 64/TB-UBND về kết luận cuộc họp giao ban ngày 07/3/2022 giữa Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo đó, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND thị xã Điện Bàn chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tập trung rà soát, báo cáo đánh giá toàn diện các dự án tại đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc theo chỉ đạo của UBND tỉnh, phân theo từng nhóm.
Cụ thể, nhóm 1 là các dự án đang triển khai nhưng gặp vướng mắc giải phóng mặt bằng kéo dài với diện tích nhỏ so với diện tích dự án, không có tính khả thi trong tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND thị xã Điện Bàn kiểm tra, làm việc với nhà đầu tư để đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh hợp lý quy hoạch chi tiết, giảm quy mô dự án.
Đối với nhóm 3 là các dự án mới hoàn thành thủ tục đầu tư, chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về đất đai, giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng hoặc dự án gặp vướng mắc giải phóng mặt bằng với diện tích lớn so với diện tích dự án và khả năng giải phóng mặt bằng không khả thi. Quảng Nam yêu cầu UBND thị xã Điện Bàn thống kê, đánh giá năng lực của nhà đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư không có khả năng thực hiện thì đề xuất thu hồi, chuyển sang mục đích công cộng, trồng cây xanh hoặc các tiện ích xã hội khác.
Nguồn cung khan hiếm, nhà đầu tư bất động sản đua “đón sóng”
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên ĐH Fulbright phân tích, thời gian qua, thị trường nhà đất TP.HCM khan hiếm cung có vị trí tốt và đầy đủ pháp lý. Tình trạng khan hiếm sẽ tiếp diễn trong thời gian tới vì số dự án được phê duyệt rất ít. Do đó, sẽ tiếp tục đẩy giá bất động sản tăng cao - ông Thành nhận định.
Phân tích kỹ hơn, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, nguồn cung cho thị trường sẽ chưa được cải thiện nhiều vì việc sửa luật và quy định của luật không thể nhanh được. Các dự án đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư (số lượng là rất lớn) chắc chắn vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa thể bung hàng.
Do đó, thị trường bất động sản nhà ở nhìn chung vẫn chịu áp lực tăng giá vì: nguồn cung thấp, giá đất tăng (giải phóng mặt bằng, thuế đất, nguyên vật liệu và thiết bị, nhân công…). Nguồn cung đất nền trên thị trường phần lớn không nằm ở các dự án được phê duyệt quy hoạch mà chủ yếu ở các dự án đấu giá của địa phương và dự án tự phát của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Bình Thuận thu hồi và huỷ bỏ quyết định đầu tư 2 dự án
UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản thu hồi và hủy bỏ quyết định đầu tư hai dự án Rang Dong Luxury Apartment Tower và dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị (Hamubay) phường Đức Long, TP Phan Thiết.
Lý do thu hồi là do Công ty TNHH Khu nghỉ mát Phan Thiết có công văn đề nghị hủy quyết định nói trên.
UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Công ty TNHH Khu nghỉ mát Phan Thiết có trách nhiệm nộp lại bản chính Quyết định số 758/2017 của UBND tỉnh đã cấp cho Công ty này để đầu tư dự án Rang Dong Luxury Apartment Tower.
Cùng thời điểm này, UBND thành phố Phan Thiết cũng quyết định hủy bỏ Quyết định 2824/QĐ-UBND ngày 28/5/2020 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị (tên thương mại là Hamubay) phường Đức Long (Phan Thiết) và những hồ sơ, bản vẽ kèm theo.
Thanh Hoá thanh tra loạt dự án sử dụng đất từ 2010 - 2021
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Văn bản số 2143/UBND- KSTTHCNC truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn, chỉ đạo về việc chỉ đạo Thanh tra tỉnh thực hiện quy trình thanh tra các dự án đầu tư sử dụng đất, giai đoạn 2010 - 2021.
Theo nội dung văn bản, UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu Thanh tra tỉnh, các sở Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Thọ Xuân, UBND TP Thanh Hóa phối hợp thực hiện triển khai thanh tra tổng thể, toàn diện một số dự án sử dụng đất từ 2010 - 2021.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá giao Thanh tra tỉnh thanh tra tổng thể, toàn diện về quy hoạch, đất đai, trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng đối với 12 dự án sử dụng đất (có danh sách kèm theo).
Trong đó xác định cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm (nếu có); trên cơ sở đó, có kết luận và kiến nghị biện pháp xử lý đối với từng nội dung sai phạm; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện và chỉ đạo những nội dung vượt thẩm quyền.
Trong số 12 dự án thuộc diện thanh tra, có 11 dự án trên địa bàn TP.Thanh Hóa và 1 dự án tại huyện Thọ Xuân.
Cụ thể, tại TP Thanh Hoá bao gồm: Dự án Khu đô thị Đông Hải, dự án Khu dân cư Đông Nam làng Tân Thọ; dự án đầu tư xây dựng công trình Hạc Thành Tower; dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại lô 2, lô 3 thuộc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 tại phường Quảng Hưng; dự án Khu dân cư Nhà hát nhân dân; dự án Khu đô thị mới dọc Đại lộ Nam Sông Mã; dự án Khu đô thị Xanh - Khu Nam trung tâm TP.Thanh Hóa; dự án các khu đất hỗn hợp thuộc Khu đô thị Đông Hương; dự án Tổ hợp thương mại Melinh Plaza Thanh Hóa; dự án Trung tâm Thương mại - đại siêu thị Big C (giai đoạn 2); dự án Khu đô thị Đông Đại lộ Bắc Nam, TP.Thanh Hóa.
Tại huyện Thọ Xuân có 1 dự án là Dự án Khu đô thị mới Sao Mai Lam Sơn - Sao Vàng.
Tiến Hoàng (tổng hợp)
Theo KTDU