Sự kiện hot
2 năm trước

Bản tin bất động sản 20/3: Triển vọng phân khúc bất động sản biển tại Việt Nam

Những nội dung đáng chú ý trong bản tin bất động sản ngày 20/3: Triển vọng phân khúc bất động sản biển tại Việt Nam; Khai thác thế mạnh từ tiềm năng đất đai; …

Khai thác thế mạnh từ tiềm năng đất đai

Quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền tảng cho mọi sự phát triển có sử dụng đất, là phân bổ, khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; góp phần kiến tạo không gian phát triển ở hiện tại, tương lai.

Khai thác thế mạnh từ quy hoạch tiềm năng đất đai
Quy hoạch đất du lịch ven biển La Gi. Ảnh: Thái Khoa

“Những năm qua, việc quy hoạch đất đai, điều chỉnh sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện cơ bản phát huy tiềm năng quỹ đất, góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, ông Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đánh giá trong buổi họp giám sát với Sở Tài nguyên và Môi trường về thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 tổ chức trong cuối tháng 2 mới đây.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, việc quy hoạch, sử dụng đất phù hợp chính sách, pháp luật của Nhà nước theo từng giai đoạn, bởi đất đai thường xuyên biến động, giá trị gia tăng ngày càng cao. Nhất là từ khi cả nước triển khai Luật Đất đai 2013, có hiệu lực từ 1/7/2014 (đã chỉnh sửa, bổ sung nhiều điều khoản phù hợp so với Luật Đất đai 2003 trước đó). Ngay thời gian ấy, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận 16 văn bản về hướng dẫn của cấp Trung ương, quy định chuyển tiếp của tỉnh, ngành thi hành luật này, góp phần giải quyết nhiều vướng mắc lĩnh vực phức tạp đất đai.

Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh phù hợp đã góp phần thu hút dự án đầu tư các loại hình kinh tế khác nhau trong nhiều năm qua. Điển hình giai đoạn 2016 - 2021, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 5.350 ha cho 829 dự án đầu tư, công trình trọng điểm trên địa bàn… Thông qua việc giao, cho thuê đất đã đem lại nguồn thu lớn cho tỉnh. Báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, tính từ năm 2014 đến năm 2020, toàn tỉnh đã thu hơn 8.591 tỷ đồng từ các dự án giao đất, cho thuê đất; cùng với hơn 1.484 tỷ đồng thông qua việc đấu giá thu tiền sử dụng đất, do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện. Nguồn thu từ quỹ đất đã góp phần xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, tạo thu hút đàu tư và xây công trình phúc lợi xã hội của tỉnh.

Điều đáng nói, việc quy hoạch thu hút nhiều dự án công trình trọng điểm đã làm cho bộ mặt kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận ngày càng khởi sắc hơn. Ở phía Bắc tỉnh, Trung tâm điện lực Vĩnh Tân hình thành với 3 nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (1, 2, 4) đang hoạt động, phát điện thương mại, mỗi năm cung cấp tổng sản lượng điện gần 20 tỷ kWh lên lưới quốc gia, phát triển công nghiệp vùng Đông Nam bộ, đóng góp ngân sách nhà nước tỉnh hơn 1.000 tỷ đồng/năm.

Triển vọng phân khúc bất động sản biển tại Việt Nam

 Triển vọng phân khúc bất động sản biển tại Việt Nam
Xu hướng đầu tư bất động sản biển được nhận định có nhiều tín hiệu lạc quan (Ảnh: HNV)

Thực tế cho thấy, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID–19 trong hai năm qua đang khiến cho thị trường bất động sản biển chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề vì hoạt động du lịch bị “đông cứng”. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư kinh nghiệm đây chỉ là khó khăn trong ngắn hạn, trong tương lai bất động sản biển Việt Nam có rất nhiều triển vọng.

Du lịch biển cũng được Chính phủ Việt Nam xác định là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn được ưu tiên phát triển. Theo kế hoạch, đến năm 2025 Việt Nam sẽ nằm trong Top 50 quốc gia hàng đầu của thế giới có năng lực cạnh tranh du lịch biển và đến năm 2030 sẽ nằm trong Top 30.

Mặc dù rất tiềm năng và đáng đầu tư song người mua cũng cần có những tiêu chí nhất định để thẩm định, tránh rủi ro khi đầu tư bất động sản ven biển. Ông Nguyễn Văn Đính chỉ ra các tiêu chí nhà đầu tư cần lưu ý trước khi xuống tiền. Thứ nhất là đầu tư những khu vực tiềm năng, chính quyền địa phương có chủ trương rõ ràng, kêu gọi doanh nghiệp về đầu tư. Thứ hai là khu vực có kết nối hạ tầng giao thông hoàn chỉnh. Thứ ba là chất lượng của dự án. Thứ bốn là năng lực, uy tín của chủ đầu tư. Thứ năm là đơn vị quản lý vận hành dự án và cuối cùng là pháp lý của dự án đó như thế nào.

Khánh Hòa được xem xét trao 6 cơ chế đặc thù để phát triển

Picture 7
Vịnh Bắc Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Tấn An.

Cụ thể, cơ chế thứ nhất, về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, hằng năm ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu, so với dự toán của Thủ tướng giao. Đồng thời, số ngân sách bổ sung này không vượt quá tổng tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước; ngân sách Trung ương không hụt thu.

Chính vì vậy, Khánh Hòa được vay thông qua phát hành trái phiếu của chính quyền địa phương; vay từ các tổ chức trong nước; từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ cho tỉnh vay lại, với tổng mức dư nợ không vượt quá 60% số thu ngân sách của tỉnh được hưởng.

Cơ chế 2, về quản lý quy hoạch, trên cơ sở đồ án được Thủ tướng phê duyệt, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ được phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, đô thị.

Cơ chế thứ 3, về quản lý đất đai, HĐND tỉnh Khánh Hòa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha, theo ủy quyền của Thủ tướng.

Cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể, được tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; quyết định mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm đầu tư, chủ đầu tư dự án giải phóng mặt bằng.

Chống thất thu thuế bất động sản: Kiến nghị trao thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế

Chống thất thu thuế bất động sản: Kiến nghị trao thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế

Từ thực trạng công tác quản lý thuế liên quan đến bất động sản tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế, đề án xây dựng một số giải pháp tăng cường công tác quản lý thuế và chống thất thu đối với các khoản thu liên quan đến bất động sản trong thời gian tới.Cụ thể, đề án kiến nghị xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý; các hoạt động phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; tăng cường biện pháp thanh tra, kiểm tra đối với các khoản thu liên quan đến bất động sản...

Ngoài ra, đề án cũng kiến nghị trao thẩm quyền điều tra, khởi tố về thuế cho cơ quan thuế; ký kết quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành để quản lý đối với các khoản thu về đất; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thuế; kiến nghị với UBND các cấp tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan trong công tác quản lý các khoản thu từ đất chống thất thu thuế…

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: