Sự kiện hot
2 năm trước

Bản tin bất động sản 23/3: Giá bất động sản nhiều nơi vẫn tăng mạnh

Những thông tin đang chú ý sẽ có trong bản tin bất động sản 23/3: Nhiều nhà đầu tư chỉ thích bỏ tiền mua đất nền?; 3 tháng miếng đất đấu giá 8 triệu/m2 vọt tăng 50 triệu

Vì sao nhiều nhà đầu tư chỉ thích bỏ tiền đầu tư đất nền?

Bóc mẽ lý do nhiều nhà đầu tư chỉ thích bỏ tiền mua đất nền - Ảnh 1.
Giá đất nhiều nơi liên tục nhảy múa trong thời gian vừa qua. (Ảnh minh họa: Hà Lê).

Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy, trong tháng 2/2022, nhu cầu tìm kiếm bất động sản tăng ở hầu hết các loại hình so với tháng 1/2021.

Trong đó, nguồn cung và nhu cầu tìm mua đất, đất nền ghi nhận tăng cao so với tháng trước tại hầu hết các tỉnh. Xét riêng về mức độ quan tâm, Hà Nội tăng 8% và TP HCM tăng 18%. Một số tỉnh thành khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư đến đất nền như Lâm Đồng tăng 41%, Khánh Hòa tăng 35%, Đà Nẵng tăng 32%, Đồng Nai tăng 25%.

Thực tế, cơn sốt đất liên tục xuất hiện, lan rộng trong năm qua và đang có dấu hiệu quay trở lại từ đầu năm 2022.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam cho biết, giá bất động sản, đặc biệt là giá đất nền thời gian vừa qua đã tăng ở nhiều khu vực, cơn sốt lan rộng với quy mô lớn hơn trước đây rất nhiều. Đơn cử, giai đoạn 2018 – 2019, cơn sốt chủ yếu xảy ra tại khu vực quận 9 và quận Thủ Đức khiến giá đất tăng rất cao.

Đến giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022, theo thống kê của CBRE, cơn sốt đất xảy ra ở bình diện tương đối rộng. Điển hình là các khu vực lân cận TP HCM như Bình Dương, Đồng Nai và sau đó lan rộng ra Bình Phước, Tây Ninh, Long An,… Hay cơn sốt đất cũng xuất hiện tại Phan Thiết, La Gi (Bình Thuận). Xa hơn và các khu vực như Bảo Lộc (Lâm Đồng) và hiện tại là Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk). Tại miền Bắc cũng nhiều khu vực xuất hiện tình trạng sốt đất cục bộ.

Đặc biệt là trong bối ảnh rủi ro lạm phát, rất nhiều người có nhu cầu tìm một kênh đầu tư để giữ giá trị tài sản. Và bất động sản thường là kênh đầu tiên mà họ nghĩ đến", ông Kiệt nói.

Sốt đất ‘điên đảo’, 3 tháng miếng đất đấu giá 8 triệu/m2 vọt tăng 50 triệu

Ngày 24/12/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định số 5354/QĐ-UBND công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất dự án Khu dân cư dọc hai bên đường dự án CSEDP (dự án Hồ Sen) thuộc khu đô thị Đông Sơn, TP Thanh Hóa.

Công ty TNHH Đầu tư SIGMA (Công ty SIGMA) có địa chỉ tại phường Đông Hương, TP Thanh Hóa (giấy phép đăng ký kinh doanh cấp lần đầu ngày 28/1/2021) là đơn vị trúng đấu giá quyền sử dụng đất dự án trên, với số tiền trúng đấu giá 435 tỷ đồng, chênh hơn khoảng 20 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Sốt đất ‘điên đảo’, 3 tháng miếng đất đấu giá 8 triệu/m2 vọt tăng 50 triệu
Vị trí khu đất vẫn đang là ao, hồ

Được biết, tổng diện tích khu đất đấu giá là 130.752,3m2. Trong đó, diện tích đất ở đấu giá quyền sử dụng đất (đất biệt thự, đất chia lô) là 55.395m2, bao gồm 28 lô đất ở biệt thự, diện tích 9.707,9m2 và 508 lô đất ở chia lô, diện tích 45.687,1m2. Còn lại là diện tích đất xây dựng nhà văn hóa, cây xanh, giao thông, hạ tầng kỹ thuật, chung cư nhà ở xã hội…

Theo một số chuyên gia bất động sản tính toán, với số tiền trúng đấu giá là 435 tỷ đồng, chia cho diện tích đất ở 55.359m2, thì giá đất bình quân doanh nghiệp bỏ ra để thực hiện dự án là khoảng 8 triệu đồng/m2.

Đến thời điểm hiện tại, hiện trạng khu đất trên vẫn đang là những vũng ao, đầm, chưa có mặt bằng, hạ tầng… Tuy nhiên, những ngày qua rất nhiều “cò đất” đã tới mặt bằng trên để tư vấn, giới thiệu cho khách hàng đến xem và có nhu cầu tìm hiểu về các lô đất nơi đây.

Theo các “cò đất”, giá mà chủ đầu tư đưa ra là rất cao, từ 25 triệu đến 48 triệu/m2, tùy vào vị trí.

Bắc Giang lập quy hoạch khu đô thị dịch vụ Tiên Sơn - Ninh Sơn 80ha

Bắc Giang lập quy hoạch khu đô thị dịch vụ Tiên Sơn - Ninh Sơn 80ha. (Ảnh minh họa)

Theo quyết định, khu vực lập quy hoạch thuộc địa phận xã Ninh Sơn và xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên. Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 80 ha, dân số dự kiến khoảng 15.000-20.000 người.

Khu đô thị dịch vụ Tiên Sơn - Ninh Sơn có tính chất là khu đô thị dịch vụ có đầy đủ các công trình công cộng, dịch vụ cấp đơn vị và được xây dựng hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội.

Các hạng mục cần đầu tư xây dựng bao gồm: công trình hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc, ga rác, trạm xử lý nước thải...; công trình như nhà ở, vườn hoa, khu vui chơi,...

UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu đồ án quy hoạch phải phù hợp với các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt, các tiêu chuẩn, quy chuẩn và hiện trạng khu vực nghiên cứu. Đồng thời, tuân thủ những quy định về bảo vệ hành lang an toàn của các công trình hạ tầng kỹ thuật đi qua khu vực; phân tích, đánh giá nhu cầu dân cư, mô hình ở phù hợp cho khu vực; khai thác triệt để điều kiện địa hình tự nhiên để tạo ra không gian hợp lý trong khu vực.

UBND huyện Việt Yên sẽ là cơ quan tổ chức lập quy hoạch, trong khi đó việc thẩm định sẽ do Sở Xây dựng thực hiện và UBND tỉnh Bắc Giang là cơ quan phê duyệt sau cùng.

Tổng chi phí lập quy hoạch dự kiến khoảng 2,4 tỷ đồng, từ nguồn vốn tài trợ bởi doanh nghiệp

Hà Tĩnh chủ động lập quy hoạch các khu tái định cư dự án cao tốc Bắc - Nam

Xã Cẩm Lạc (huyện Cẩm Xuyên) có 3,7 km của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đi qua địa bàn. Theo khảo sát bước đầu, dự kiến các loại đất sẽ phải thu hồi phục vụ cho dự án là gần 21 ha, trong đó 4,2 ha đất dân cư (đất ở, đất vườn) của 69 hộ dân, 15,7 ha đất nông nghiệp của 189 hộ dân và 0,87 ha đất lâm nghiệp của 4 hộ dân cùng một số công trình, hạ tầng kỹ thuật khác.

Hà Tĩnh chủ động lập quy hoạch các khu tái định cư dự án cao tốc Bắc - Nam
Với 3,7 km cao tốc Bắc - Nam đi qua sẽ có 69 hộ dân ở xã Cẩm Lạc phải di dời, tái định cư.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc Võ Kim Diệp, thời điểm này, cùng với việc thông tin chủ trương về dự án tới từng hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, địa phương cũng đang phối hợp với các ngành chức năng để khảo sát vùng quy hoạch xây dựng khu tái định cư, phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Với 69 hộ dân tại 4 thôn (Hà Văn, Lạc Thọ, Hoa Thám, Hưng Đạo) phải di dời, chính quyền xã Cẩm Lạc đã khảo sát và dự kiến bố trí 3 khu tái định cư với diện tích mỗi nơi dự kiến khoảng 1 ha. Vị trí khu vực tái định cư mà xã này chọn có hạ tầng giao thông khá thuận tiện, đáp ứng nguyện vọng của người dân.

“Việc lựa chọn các khu tái định cư rất quan trọng trong công tác đền bù, GPMB bởi nơi ở mới phải thuận lợi thì người dân mới đồng thuận cao để di dời, phục vụ dự án cao tốc Bắc – Nam. Xã đã thông báo địa điểm các khu tái định cư tới ban cán sự thôn, Nhân dân và chỉ chờ phê duyệt của huyện, tỉnh để triển khai xây dựng”, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc Võ Kim Diệp cho hay.

Giá căn hộ chung cư tăng, đâu là lựa chọn phù hợp cho khách hàng?

Giá căn hộ chung cư tăng, đâu là lựa chọn phù hợp cho khách hàng? - 1
Ảnh minh họa

Báo cáo thị trường tháng 2/2022 của Batdongsan.com.vn cho thấy giá chung cư tại Hà Nội trong tháng tăng khoảng 4,4% so với thời điểm tháng 12/2021. Mặt bằng giá chung cư bình dân Hà Nội tăng trưởng 8%, còn giá căn hộ cao cấp cũng tăng 3%. Xu hướng tăng giá sẽ còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, đặc biệt với các dự án mới khi giá đất tăng, chi phí xây dựng cũng tăng. Đây chính là lợi thế cho những dự án đã triển khai từ trước và bước vào giai đoạn hoàn thiện, bởi chi phí sẽ không biến động quá nhiều.

Đi cùng với sự biến động về giá, nhu cầu sở hữu nhà ở thực của khách hàng cũng tăng mạnh. Hà Nội ghi nhận mức độ quan tâm tăng 22% so với tháng 1/2022. Trong đó, phân khúc chung cư có lượng quan tâm tìm kiếm tăng 23%.

Lượng tìm kiếm chung cư tập trung chủ yếu ở phân khúc bình dân. Tuy nhiên, thị trường Hà Nội hầu như vắng bóng các sản phẩm thuộc phân khúc này mà tập trung chủ yếu ở các căn hộ trung và cao cấp.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: