Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Bản tin bất động sản 23/4: Bất động sản vẫn là kênh trú ẩn của nhiều nhà đầu tư

Những nội dung đáng chú ý sẽ có trong bản tin hôm nay (23/4): giải pháp để hạ giá thành nhà ở; Đồng Nai sẽ có khu tái định cư rộng hơn 42ha; bất động sản vẫn là kênh trú ẩn của nhiều nhà đầu tư…

Đồng Nai sẽ có khu tái định cư rộng hơn 42ha

Đồng Nai sẽ có khu tái định cư rộng hơn 42 ha
Ảnh minh họa.

Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh vừa duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu tái định cư Phước Khánh mở rộng tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch. Khu tái định cư có quy mô hơn 42 ha, dân số 6.000 - 7.000 người.

Khu ở mới đáp ứng nhu cầu về nhà ở tái định cư trên địa bàn huyện Nhơn Trạch với các hạng mục công trình dịch vụ - công cộng, nhà ở riêng lẻ, nhà ở xã hội, khu cây xanh. Mật độ xây dựng gộp toàn khu không quá 40% diện tích toàn quy mô khu đất. 

Chủ đầu tư lập quy hoạch dự án là UBND huyện Nhơn Trạch, đơn vị lập quy hoạch sẽ được tổ chức đấu thầu, Sở Xây dựng Đồng Nai là cơ quan thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt trong thời gian 6 tháng từ 18/4.

UBND tỉnh cũng lưu ý đơn vị lập quy hoạch phải tính toán, xác định quy mô diện tích, chỉ tiêu sử dụng đất đối với các công trình hạ tầng xã hội phù hợp, đáp ứng nhu cầu về quy mô dân số. Loại hình nhà liên kề cần nghiên cứu, đề xuất vị trí, tính toán cân đối đảm bảo phù hợp với quy định về suất tái định cư. Đồng thời, việc tổ chức giao thông phải phù hợp theo định hướng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, đảm bảo gắn kết với hệ thống giao thông tại khu vực.

6 giải pháp để hạ giá thành nhà ở

6 giải pháp để hạ giá thành nhà ở

Thứ nhất, Hiệp hội đề nghị tháo gỡ "ách tắc" cho các dự án nhà ở thương mại "có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở".

Thứ hai, Hiệp hội đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản, nhà ở thương mại thuộc diện phải rà soát về pháp lý, thanh tra, kiểm tra, điều tra theo hướng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước.

Thứ ba, đề xuất giải pháp tháo gỡ "vướng mắc" về thực hiện quy định tiêu chí tách thành dự án độc lập đối với phần diện tích "đất công" nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất giúp tăng cung dự án nhà ở.

Thứ tư, Hiệp hội đề nghị xem xét, tháo gỡ "vướng mắc" về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại mà doanh nghiệp đã có quyền sử dụng đất giúp làm tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở cho thị trường bất động sản.

Thứ năm, HoREA đề xuất giải pháp tháo gỡ "vướng mắc" về tính "tiền sử dụng đất" dự án nhà ở thương mại giúp làm tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường.

Thứ sáu, HoREA đề xuất giải pháp đẩy mạnh thực hiện "đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất" để lựa chọn nhà đầu tư giúp làm tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại cho thị trường bất động sản.

Bất động sản vẫn là kênh trú ẩn của nhiều nhà đầu tư

Trước nhiều bất ổn về kinh tế - xã hội, nhiều nhà đầu tư vẫn hướng dòng tiền vào những kênh đầu tư an toàn hơn như bất động sản.

Bất động sản vẫn là kênh trú ẩn của nhiều nhà đầu tư - VnExpress Kinh doanh
Ảnh minh họa.

Theo tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động do chiến tranh, dịch bệnh và các cuộc chiến tranh tiền tệ, có 3 kênh trú ẩn tài sản lớn là dầu mỏ, kim loại quý và bất động sản. Trong đó, bất động sản là phương án an toàn, giúp bảo toàn dòng vốn trước rủi ro, tránh sự bất ổn so với những kênh đầu tư khác.

Báo cáo thị trường quý I vừa qua của Batdongsan cũng cho thấy, dù tỷ lệ tin đăng và tìm kiếm bất động sản có sự sụt giảm, người tiêu dùng vẫn đặt niềm tin vào sự khởi sắc của thị trường trong thời gian tới. Gần 70% người tham gia khảo sát tin rằng thị trường sẽ tốt lên, trong khi đó 60,7% khẳng định sẽ đầu tư bất động sản trong 6 - 12 tháng tới.

Mặt khác, vấn đề lạm phát và tăng giá nguyên vật liệu xây dựng như xi măng, sắt, thép... cũng là biến số cần lưu ý đối với nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư trường vốn sẽ gặp nhiều thuận lợi nhờ không phải dùng đòn bẩy tài chính. Về mặt sản phẩm, dự án pháp lý minh bạch sẽ chiếm ưu thế.

Cũng theo tiến sĩ Sử Ngọc Khương, với các nhà đầu tư, trước khi quyết định xuống tiền, cần lưu ý về giá và pháp lý. Trong khi đó, đối với người có nhu cầu bán, cần cân nhắc kỹ mục đích sử dụng của khoản tiền sau khi bán tài sản đó. Sẽ hợp lý nếu khoản tiền này được đầu tư vào những kênh đầu tư hiệu quả hơn trong bối cảnh dịch bệnh, bất ổn chính trị quốc tế.

Tháo gỡ nút thắt “sổ đỏ” cho bất động sản nghỉ dưỡng

Tại Tọa đàm: Điểm nghẽn pháp lý và giải pháp khơi thông nguồn lực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam do Tạp chí Bất động sản Việt Nam và VIRES tổ chức, GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ quan điểm đồng tình với ý kiến bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là một sản phẩm phổ biến trên cả thế giới và ngày càng giữ vai trò quan trọng trong xu thế phát triển chung của nền kinh tế một quốc gia và kinh tế thế giới.

Việt Nam đang định hướng du lịch là mũi nhọn trong đó dựa vào lợi thế từ tự nhiên. Vì vậy bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ là một lĩnh vực cần được quan tâm và phát triển. Việc phát triển bất động sản nghỉ dưỡng sẽ mang lại diện mạo mới cho nhiều vùng miền, thu hút được nhiều người có tiền quan tâm, tăng ngân sách cho quốc gia. Do đó cần phải tháo gỡ những điểm nghẽn mà bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang mắc phải, đặc biệt là vấn đề pháp lý.

Thứ nhất, tâm lý của người Việt Nam là muốn sở hữu lâu dài, muốn biến khách sạn, biệt thự trở thành ngôi nhà của mình.

Thứ hai, chủ đầu tư hiện nay có rất nhiều chính sách ưu đãi về lãi vay, thời hạn thanh toán… để thu hút khách hàng.

Phân khúc bất động sản thu hút người có tiền - Ảnh 1.
GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

"Về khái niệm "đất ở không hình thành đơn vị ở", tôi cho rằng rất hay. Theo tôi, chúng ta nên thừa nhận nó, vì đây là một giải pháp để tạo điều kiện phát triển thị trường. Tuy nhiên, chủ đầu tư không được bắt các nhà đầu tư thứ cấp chuyển lại sản phẩm để chủ đầu tư kinh doanh. Song, chủ đầu tư có quyền đưa ra các tiêu chí cho những sản phẩm nghỉ dưỡng nhằm đảm bảo quy hoạch được đồng bộ, thống nhất", ông Cường nói.

Tóm lại, chúng ta nên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản cho những loại hình này. Và đây đơn giản chỉ là quyền sở hữu tài sản và quyền này thì đã được quy định; có thể hợp pháp hoá thành đất ở để đảm bảo quyền lợi các bên.

Tuy nhiên, khi cấp đất ở cho cả một khu du lịch nghỉ dưỡng, đến lúc cải tạo thì cần phải có sự đồng tình của tất cả các nhà đầu tư. Nếu một trong số đó không đồng ý thì sẽ gây khó khăn giống như việc cải tạo chung cư cũ.

Còn nếu chính quyền cấp sai thì chính quyền phải là phía bồi thường lại cho người dân, nhà đầu tư.

Người thu nhập thấp 'khát' nhà ở

 Người thu nhập thấp khát nhà ở  - Ảnh 1.
Một khu nhà ở công nhân ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Từ tỉnh Nghệ An vào Đồng Nai làm việc đã gần 10 năm, lập gia đình và có 1 con nhỏ, nhưng gia đình anh Nguyễn Đức Phát vẫn đang phải ở nhà thuê. Vợ anh cùng quê, cùng vào làm công nhân; tổng thu nhập, kể cả tăng ca của cả hai vợ chồng, khoảng 15 triệu đồng/tháng. Sau khi trả tiền thuê nhà trọ, tiền gửi trẻ, tiền ăn hàng tháng, hiếu hỉ, mua sắm…, mỗi tháng vợ chồng anh tằn tiện lắm cũng chỉ dành dụm được khoảng vài ba triệu đồng, cuối năm về quê một chuyến thì coi như hết. Vì vậy, việc mua nhà cửa, với vợ chồng anh là điều không tưởng. “Để mua được một lô đất tiền tỷ như hiện nay, quả là rất khó với người lao động như chúng tôi”, anh Phát nói.

Sống chen chúc trong phòng trọ ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, cả gia đình anh Thạch Danh (quê ở Sóc Trăng) cảm nhận hết sự khó khăn trong đại dịch COVID-19 vừa qua. Anh Danh nói: “Bốn tháng dịch, bị phong tỏa, cả gia đình tôi phải ở trong phòng ngột ngạt, bức bí. Nếu có căn nhà thì điều kiện sống sẽ tốt hơn, nhưng để mua được nhà ở đây thì quá tầm người lao động như chúng tôi”.

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Nai, tỉnh mới có 3 dự án NƠCN với quy mô 2.893 căn được hoàn thành. Qua khảo sát, gần như 100% công nhân ngoại tỉnh có nhu cầu về chỗ ở. Nhu cầu NƠXH cho các đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở như người thu nhập thấp vùng đô thị, cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân cũng còn nhiều.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng nhìn nhận, những năm qua, NƠXH phát triển chậm nên công nhân và người có thu nhập thấp đa số phải thuê phòng trọ của các hộ dân để ở. Vừa qua, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, phải giãn cách xã hội khiến nhiều công nhân, người lao động có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn. “Đây là hậu quả của việc chậm triển khai các dự án NƠXH nên thiếu nơi ở đàng hoàng cho người lao động”, ông Dũng nói. Ông yêu cầu các địa phương có khu công nghiệp phát triển phải quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ các dự án NƠXH, NƠCN.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: