Các doanh nghiệp than vì thị trường bất động sản “khó”; ưu tiên xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thuê; Đắk Nông kêu gọi đầu tư 22 dự án gần 68.000 tỷ đồng năm nay… sẽ là những nội dung đáng chú ý có trong bản tin hôm nay.
Hoàn thiện pháp lý trong phát triển nhà ở và thị trường bất động sản
Nhằm đóng góp chủ động và thiết thực vào việc phát triển thị trường nhà ở, thị trường bất động sản, chiều ngày 28/4, Hiệp hội Bât động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh bất động sản với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, luật sư...
Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách VNREA Nguyễn Văn Khôi cho biết, tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã xác định phát triển nhà ở và thị trường bất động sản là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là xây dựng quỹ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, công nhân...
Hiện thị trường bất động sản Việt Nam còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là chồng chéo, chi phối đan xen giữa các luật trong triển khai thực hiện dự án nhà ở và bất động sản; quy hoạch, kế hoạch có địa phương, có ngành chưa đồng bộ giữa kế hoạch sử dụng đất đai với dự án đầu tư nhà ở, bất động sản; cơ chế, chính sách, trong đó có việc đầu tư nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ cũng còn nhiều bất cập...
Để đạt mục tiêu đến năm 2025 diện tích nhà ở bình quân toàn quốc là 27m2 sàn/người; trong đó tại đô thị là 28m2 sàn/người. Đến năm 2030 diện tích bình quân 30m2 sàn/người; trong đó tại đô thị là 32m2 sàn/người thì nhu cầu sửa các luật liên quan mà cụ thể là Luật Nhà ở, Luật kinh doanh Bất động sản đang trở nên cấp bách.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch GP.Invest cho rằng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản liên quan trực tiếp và chặt chẽ với Luật Xây dựng. Vì vậy việc sửa đổi hai luật này cần đồng bộ và dựa trên Luật Xây dựng để tránh tình trạng chồng chéo giữa các luật, gây khó khăn, cản trở cho thị trường bất động sản.
Đắk Nông kêu gọi đầu tư 22 dự án gần 68.000 tỷ đồng năm nay
UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành danh mục 22 dự án kêu gọi, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2022; với tổng mức đầu tư dự kiến 67.804 tỷ đồng.
Theo đó, lĩnh vực thương mại, du lịch, hạ tầng đô thị có 14 dự án; lĩnh vực xã hội hóa có ba dự án; một dự án thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hạ tầng khu, cụm công nghiệp; lĩnh vực nông nghiệp có 4 dự án.
Một số dự án thương mại, du lịch, hạ tầng đô thị đáng chú ý như Khu đô thị Lửa và Nước Đắk Rtik, TP Gia Nghĩa, diện tích hơn 752 ha có tổng vốn hơn 53.000 tỷ đồng; Khu đô thị Thung lũng xanh Nghĩa Phú TP Gia Nghĩa tổng vốn hơn 1.600 tỷ đồng; Khu đô thị cửa ngõ Nghĩa Phú, TP Gia Nghĩa với hơn 8.662 tỷ đồng;
Khu du lịch sinh thái thác Liêng Nung, TP Gia Nghĩa tổng vốn dự kiến 500 - 700 tỷ đồng; Khu đô thị mới tổ dân phố 2, phường Nghĩa Tân, TP Gia Nghĩa 7,08 ha, tổng mức đầu tư 840 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái Hồ Trúc, huyện Cư Jút tổng vốn đầu tư dự kiến là 500 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị trung tâm thị trấn, huyện Cư Jút, tổng vốn đầu tư hơn 750 tỷ đồng;…
Tỉnh yêu cầu căn cứ tình hình thực tế từng dự án thuộc danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2022, yêu cầu các cơ quan, đơn vị hoàn thiện cơ sở pháp lý của các dự án còn thiếu thông tin trước ngày 30/6/2022 và gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.
Doanh nghiệp địa ốc "than" thị trường đang rất khó
Trong một hội nghị góp ý về sửa đổi luật liên quan đến thị trường bất động sản mới đây, ông Vương Quốc Toàn - Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng thẳng thắn cho rằng, dưới góc độ doanh nghiệp, chúng tôi xin báo cáo, thị trường bất động sản đang rất khó. Hệ thống ngân hàng đang dừng hết việc cho vay, gây khó khăn về vốn rất lớn cho các doanh nghiệp.
Ông Toàn cho rằng, cần có gỡ vướng về pháp lý, nguồn vốn để thị trường được khơi thông. Nếu không thì kịch bản khó khăn cùng các hệ lụy từ thời điểm đến hiện tại sẽ trở nên khó khăn. Và thậm chí, dự án bất động sản lớn, nhỏ nếu dừng triển khai, thị trường sẽ bị tắc nghẽn, thậm chí đi đến bờ vực.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch GP.Invest nhấn mạnh rằng: sự chồng chéo của pháp luật, tín dụng bị siết chặt đang tạo ra hai gọng kìm khiến thị trường bất động sản vô cùng khó khăn.
Thừa nhận về sự khó khăn của thị trường địa ốc, ông Hiệp kiến nghị về việc cần sớm phê duyệt việc sửa đổi, tránh lùi lại việc sửa đổi luật. Bởi như vậy, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục chịu nhiều khó khăn, cản trở sự phát triển.
Ở góc độ nghiên cứu về thị trường, các chuyên gia cũng nhìn nhận về khó khăn mà bất động sản đang phải đối mặt. Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã chỉ ra 6 điểm vướng khiến thị trường gặp khó khăn.
Thứ nhất, theo ông Khôi, vẫn còn nhiều chồng chéo, chi phối đan xen giữa các luật trong triển khai thực hiện dự án nhà ở và bất động sản.
Thứ hai, quy hoạch, kế hoạch có địa phương, có ngành chưa đồng bộ giữa kế hoạch sử dụng đất đai với dự án đầu tư nhà ở, bất động sản.
Thứ ba, cơ chế, chính sách, trong đó có việc đầu tư nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ cũng còn nhiều bất cập.
Thứ tư, vấn đề tổ chức, cá nhân người nước ngoài hoặc Việt Kiều chưa có quốc tịch Việt Nam thì vấn đề mua và sở hữu nhà ở, bất động sản ra sao? Đây cũng là vấn đề cần đặt ra.
Thứ năm, hoạt động dịch vụ môi giới tự do nhiều, chưa tạo ra môi trường thị trường bất động sản công khai, minh bạch.
Thứ sáu, vấn đề mua bán chuyển nhượng toàn bộ dự án hay một phần dự án bất động sản liên quan đến quy định hình thành trong tương lai (kể cả bất động sản du lịch) cũng còn nhiều vướng mắc.
Mặt khác, các công ty bất động sản thường nhạy cảm với những thay đổi chính sách kinh tế, đặc biệt chính sách liên quan đến lãi suất. Đáng chú ý là trong cơ cấu nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp địa ốc, vay nợ chiếm tỷ lệ rất cao. Thế nên, những thay đổi về lãi suất có thể ảnh hưởng cả đến doanh nghiệp bất động sản và nhu cầu của người mua.
Như vậy, doanh nghiệp bất động sản vừa phải đối mặt áp lực trả nợ lớn nếu siết tín dụng xảy ra, trong khi chính họ đang phải gồng mình phục hồi sau một thời gian ảnh hưởng bởi dịch và các vấn đề thay đổi liên quan tới pháp luật.
Lâm Đồng: Trên 1.200 tỷ đồng đầu tư an sinh xã hội
Theo đó, các nguồn vốn nêu trên bao gồm ngân sách hỗ trợ của Trung ương, UBND tỉnh Lâm Đồng và ngân sách địa phương được tập trung để xây dựng các công trình gồm đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, các chương trình an sinh xã hội nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển các mô hình kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, địa phương này chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn Nhà nước, thực hiện đúng theo quy định của Luật Đầu tư công, ưu tiên đầu tư cho các công trình, dự án trọng điểm; tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo chất lượng công trình.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đường giao thông nông thôn theo phương thức “Nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ vật tư” nhằm thực hiện tốt hơn Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Thanh Hóa đồng ý cho Xuân Phúc Group làm dự án gần 400 tỷ đồng
UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 26/4/2022 đã có quyết định số 1405/QĐ-UBND về việc chấp thuận Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Phúc (Xuân Phúc Group) là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư mới Thung Ổi, thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh.
Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án gần 388 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư khoảng 96 tỷ đồng, vốn huy động hơn 291,7 tỷ đồng. Dự kiến, từ quý II/2022 đến quý I/2025, sẽ thực hiện đầu tư và hoàn thành dự án. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm (được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất).
Theo quyết định, dự án có quy mô diện tích khoảng 6,6ha, bao gồm các hạng mục như hạ tầng kỹ thuật và nhà ở (nhà liền kề và biệt thự). Trong đó, hạng mục nhà ở sẽ có 146 căn nhà liền kề và 17 căn biệt thự, quy mô dân số khoảng 672 người.
Được biết, Xuân Phúc Group có địa chỉ tại số 475 khu phố Vĩnh Long 1, thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa thành lập ngày 27/11/2020, do ông Nguyễn Văn Trường (sinh năm 1990) làm người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc công ty.
Khi thành lập, Xuân Phúc Group có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập gồm: Nguyễn Văn Trường nắm giữ 70% vốn điều lệ, Quách Văn Hằng (25%) và Nguyễn Thị Hiền (5%). Đến ngày 30/7/2021, công ty này tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu các cổ đông vẫn giữ nguyên.
Tiến Hoàng/KTDU