Những nội dung nông nghiệp đáng chú ý có trong bản tin hôm nay: Kinh tế trang trại phát huy hiệu quả; giá cao su tăng mạnh trở lại vào nửa cuối tháng 6; xuất khẩu tôm - cá tra: sự trỗi dậy sau một năm dài trượt dốc...
Kinh tế trang trại phát huy hiệu quả
Với lợi thế về đất đai, trên địa bàn Đăk Lăk đang phát triển mạnh mô hình làm kinh tế trang trại, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi, tạo thu nhập ổn định cho người lao động. Nhiều mô hình có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
Ví như, trang trại của gia đình anh Nguyễn Ngọc Giáo ở xã Cư Suê, huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) có quy mô khoảng 7ha. Gia đình anh Giáo trồng nhiều loại cây trồng công nghiệp, cây ăn trái và kết hợp chăn nuôi. Trong đó, có 3.500 trụ tiêu, 600 cây cà phê, 300 cây bơ, 200 cây sầu riêng, 40 cây vải và kết hợp chăn nuôi gần 1.000 con lợn, 30 con bò, 70 con dê, 3.000 con gà, 500m2 mặt nước nuôi cá…
Trang trại của gia đình anh Giáo được đầu tư bài bản và có định hướng phát triển để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến nay, sau 8 năm đi vào hoạt động, trang trại đã tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, với tổng lợi nhuận hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, riêng lợi nhuận từ chăn nuôi đạt hơn 2 tỷ đồng. Trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động ở địa phương, với thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Sau 10 năm phát triển, đến nay xã Cư Suê có nhiều mô hình kinh tế trang trại mang lại hiệu quả cao như thế. Hiện trên địa bàn xã có 22 trang trại và gia trại, hầu hết đều được xây dựng xa khu dân cư. Trong đó, có 18 gia trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp, 1 trang trại vườn – ao – chuồng, còn lại các trại trồng hoa, rau an toàn, vừa sản xuất, vừa chế biến cà phê…
Trên toàn địa bàn huyện Cư M’gar đã có 256 trang trại. Trong đó, có 209 trang trại cây lâu năm, 31 trang trại cây hàng năm, 12 trang trại chăn nuôi, 3 trang trại tổng hợp và 1 trang trại thủy sản, với tổng diện tích đất sử dụng hơn 2.000ha. Trong số đó, có 55 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, chủ yếu là trang trại trồng cây lâu năm. Theo đó, bình quân số lao động của mỗi trang trại khoảng 6 người, tạo việc làm cho hơn 1.200 lao động tại chỗ, góp phần xoá đói giảm nghèo cho một số người dân tại địa phương.
Xuất khẩu gạo sang Mỹ tăng vọt
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 3,52 triệu tấn và 1,72 tỷ USD, tương ứng tăng 16,2% về khối lượng và 4,6% về giá trị.
Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm với 43,6% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 5 tháng đạt 1,27 triệu tấn và hơn 589 triệu USD, tăng 34,8% về khối lượng và 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với Philippines, Mỹ là thị trường ngày càng chuộng gạo Việt. Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm, lượng gạo xuất sang quốc gia này tăng 71,3%, mức tăng cao nhất trong số các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ - USDA, thị trường này rất ưa chuộng các loại gạo thơm, hạt dài như ST25 của Việt Nam. Đây là loại gạo đã nhập khẩu vào Mỹ gần 2 năm nay.
Tương tự, EU cũng là khu vực gia tăng nhập các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam. Trong tháng 6, lần đầu tiên, 500 tấn gạo mang thương hiệu "Cơm Việt Nam Rice" của Lộc Trời đã được xuất sang Đức, Hà Lan và Pháp. Tại Pháp, thương hiệu trên của Lộc Trời được bày bán tại Carrefour – hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu.
Giá cao su tăng mạnh trở lại vào nửa cuối tháng 6
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết nửa cuối tháng 6/2022, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á tăng mạnh trở lại sau khi giảm trong nửa đầu tháng.
Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản, giá cao su giảm xuống mức 248,8 Yên/kg vào ngày 16/6, sau đó giá có xu hướng tăng mạnh trở lại.
Ngày 28/6, giá cao su RSS3 giao tháng 7/2022 giao dịch ở mức 262 Yên/kg (tương đương 1,93 USD/kg), tăng 7,6% so với cuối tháng 5 và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su đã giảm xuống mức 12.400 NDT/tấn vào ngày 22/6, sau đó liên tục tăng trở lại tới cuối tháng 6, nhưng vẫn giảm so với cuối tháng 5/2022.
Ngày 28/6, giá cao su RSS3 giao tháng 7/2022 ở mức 12.795 NDT/tấn (tương đương 1,91 USD/kg), giảm 2,3% so với cuối tháng 5 và giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Thái Lan, giá giảm mạnh so với cuối tháng trước. Ngày 28/6, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 66 Baht/kg (tương đương 1,88 USD/kg), giảm 8,2% so với cuối tháng 5, nhưng tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2021. Giá thấp do nguồn cung cao trong mùa cao điểm khai thác mủ ở Thái Lan.
Giá cao su Nhật Bản chạm mức cao nhất trong hai tuần do thị trường chứng khoán Tokyo mạnh lên và nhu cầu cao su tự nhiên tại Trung Quốc trong tháng 6/2022 được cải thiện hơn so với các tháng trước. Tuy nhiên đà tăng vẫn bị hạn chế bởi nguồn cung của Thái Lan tăng do vào đợt khai thác mủ.
Xuất khẩu tôm - cá tra: Sự trỗi dậy sau một năm dài trượt dốc
Sau một năm trượt dài vì COVID-19, ngành thuỷ sản phục hồi mạnh mẽ. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 6 ước đạt 210 nghìn tấn, trị giá 1,1 tỷ USD, tăng 15% về lượng và tăng 30% về trị giá so với tháng 6/2021.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt gần 1,2 triệu tấn, trị giá 5,8 tỷ USD, tăng 19% về lượng và tăng 41 về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Đây là kết quả xuất khẩu thủy sản đạt mức cao nhất từ trước tới nay.
Trong đó, tôm và cá tra đóng góp phần lớn mức tăng trưởng chung của ngành thuỷ sản. Hai mặt hàng này chiếm tới hơn 66% tỷ trọng.
Nổi bật trong số mặt hàng tăng trưởng mạnh nửa đầu năm nay chính là mặt hàng cá tra, ba sa với 1,46 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt hàng cá tra đứng thứ hai, sau tôm về kim ngạch xuất khẩu.
Tiến Hoàng/KTDU