Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Bản tin nông sản 11/6: Nông dân ứng phó với giá vật tư tăng cao

Những nội dung đáng chú ý sẽ có trong bản tin hôm nay: Hòa Bình hình thành vùng sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP; Cơ giới hóa đồng bộ gắn với giống lúa chất lượng cao: Đòi hỏi bức thiết từ thực tế…

Nông dân ứng phó với giá vật tư tăng cao

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khi các loại vật tư đầu vào đều tăng phi mã. Ông Nguyễn Văn Hợi (ở xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì) cho biết, chưa bao giờ giá các loại phân bón lại tăng cao như hiện nay, giá phân đạm lên tới gần 20.000 đồng/kg, tăng 12.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2020.

Bình ổn giá vật tư nông nghiệp là nhiệm vụ cấp bách hiện nay - Báo Nhân Dân

“Chi phí cho phân bón chiếm khoảng 40% giá đầu vào của sản xuất nông nghiệp nên việc giá phân bón tăng cao, tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Người nông dân gắn bó với đồng ruộng, “lấy công làm lãi”, mà giá phân bón tăng cao thì gần như không có lãi”, ông Hợi cho biết thêm.

Không chỉ giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá thức ăn chăn nuôi cũng liên tục tăng cao. Ông Bạch Văn Hộp (ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) cho biết, từ đầu tháng 4-2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp đã tăng 7.000-8.000 đồng/bao (loại 25kg/bao). Cám viên lợn có giá 350.000 đồng/bao (25kg), còn một số loại thức ăn đậm đặc khác lên đến 540.000 đồng/bao. Trong khi đó, giá thịt lợn vẫn giữ nguyên nên người chăn nuôi không có lãi.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, để nuôi lợn thịt đến trên dưới 100kg/con, phải tốn trung bình 10 bao cám (hơn 4 triệu đồng). Như vậy, hơn 1 tạ lợn hơi đã đội thêm 400.000 đồng tiền cám, chưa kể các chi phí tối thiểu khác. Trong khi đó, giá thịt lợn hơi hiện nay trung bình khoảng 55.000-56.000 đồng/kg. Nếu người chăn nuôi chủ động được con giống thì hòa vốn, còn phải mua con giống thì sẽ lỗ vốn.

Hòa Bình hình thành vùng sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP

Ngày 10/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình phối hợp với UBND huyện Yên Thủy tổ chức hội thảo Xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu sản phầm trồng trọt phục vụ công nghiệp chế biến.

Nam Định: Đột phá nhờ mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao - MVietQ
Sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Yến- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp tỉnh Hòa Bình) nhấn mạnh, hội thảo được tổ chức trên cơ sở đề xuất của một số tập đoàn, doanh nghiệp về nhu cầu tiêu thụ, thu mua các sản phẩm trồng trọt của nông dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và dựa trên kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng sản xuất, trồng trọt tại huyện Yên Thủy.

Qua đánh giá, một số mặt hàng nông sản của huyện Yên Thủy còn mang tính chất mùa vụ và số lượng liên kết sản xuất, tiêu thụ còn ít, thiếu bền vững. Cùng đó, sản phẩm lợi thế của địa phương chưa tạo được tính cạnh tranh trên thị trường; một số hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn thiếu kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh, thị trường, kỹ năng cũng như nguồn vốn đầu tư sản xuất hạn chế...

Theo ông Bùi Huyên-Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy, toàn huyện có 21.812ha diện tích đất nông nghiệp, chiếm 74,2% diện tích; trong đó, đất trồng cây hàng năm khoảng 13.930ha, chiếm 63,9%. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản của huyện năm 2021 đạt trên 1.528 tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ.
Đáng lưu ý, sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Thủy tương đối ổn định và đã liên kết tiêu thụ được 9 sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), nhiều sản phẩm nông nghiệp khác cũng được giới thiệu bày bán ở các gian hàng tại các trạm dừng nghỉ trên quốc lộ 1A…

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 hướng tới Quy hoạch các vùng rừng, vùng có dược liệu tự nhiên trọng điểm để bảo tồn nguồn gen đặc hữu, bản địa, có giá trị, nguy cơ bị tuyệt chủng cao để phát triển bền vững trong tự nhiên, lựa chọn và khai thác hợp lý 10 loài dược liệu chính, đạt khoảng 8.000-9.000 ha dược liệu/năm.
Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng 4 vườn bảo tồn; các khu bảo tồn Hang Kia, Phu Canh, Thượng Tiến, Ngọc Sơn là nơi tập trung, bảo tồn, trồng mới nhiều loài cây thuốc được thu thập ở các địa phương khác nhau, đại diện cho vùng khí hậu đặc trưng để phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển dược liệu.

Cơ giới hóa đồng bộ gắn với giống lúa chất lượng cao: Đòi hỏi bức thiết từ thực tế

Nhiều hỗ trợ phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển cơ giới hóa trong khâu gieo cấy gắn với đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu vào gieo trồng đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho người sản xuất. Các giống lúa mới tham gia mô hình gồm: TBR225 có gen kháng bạc lá, BC15 có gen kháng đạo ôn... Để thúc đẩy đưa mạ khay, cấy máy vào sản xuất, đơn vị đã hỗ trợ các địa phương 50% giống lúa, khay nhựa gieo mạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học…

Phó Tổng Giám đốc phụ trách khu vực Hà Nội Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed Hoàng Minh Châu chia sẻ, xây dựng chiến lược cho bộ giống của Hà Nội phải đạt các tiêu chí: Gạo ngon, thơm, đậm, dẻo; năng suất cao, chống chịu sâu bệnh... Tuy nhiên, thực tế không có giống lúa nào chống chọi được 100% với sâu bệnh hại. Do đó, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như cấy máy đã giúp sản xuất lúa của Hà Nội đạt lãi suất cao vào loại nhất - nhì khu vực phía Bắc.

Thực tế, hiện nay việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa của Hà Nội gắn với bộ giống chất lượng cao vẫn còn không ít khó khăn. Theo Trưởng phòng Khuyến nông trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Văn Hà, nếu địa phương nào, cán bộ hợp tác xã và chính quyền không coi trọng nông nghiệp, không đầu tư hệ thống mạ khay, máy cấy tốt thì mô hình không thể triển khai. Do đó, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tham quan học tập để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, nông dân chủ chốt ở cơ sở; đặc biệt, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Một cái khó nữa theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Ngô Đăng Chè, đó là việc quy hoạch đồng ruộng thành các vùng sản xuất chuyên canh và hệ thống giao thông nội đồng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức cũng đang là những rào cản lớn để cơ giới hóa sản xuất gắn với giống chất lượng cao. Để khắc phục, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành chức năng trong đầu tư hạ tầng sản xuất nông nghiệp, thủy lợi nội đồng...

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, với việc áp dụng đồng bộ các khâu trong sản xuất lúa sẽ khắc phục được tình trạng thiếu nhân lực cho sản xuất nông nghiệp do quá trình đô thị hóa; khắc phục được nạn vật tư nông nghiệp kém chất lượng, giảm chi phí sản xuất.

Để khuyến khích mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục hỗ trợ giống, vật tư, máy cấy, dây chuyền gieo mạ khay; hỗ trợ mỗi huyện hình thành 1-2 trung tâm sản xuất mạ khay kết hợp làm điểm tham quan học tập cho địa phương lân cận.

Trồng sen mang lại thu nhập cao người dân Thanh Châu

Sen Nhật làm đẹp giàu vùng đất trũng - Nhịp sống Hà Nội

Khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 chính là thời điểm đầm sen ở Thanh Châu vào mùa thu hoạch. Sen không chỉ làm đẹp thêm cảnh quan làng quê, góp phần cải thiện môi trường sống mà còn mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân nơi đây.

Người dân thu hoạch khoảng từ 4 – 6 giờ sáng và buổi chiều muộn từ 5 – 7 giờ để tránh đi cái oi bức của mùa hè, đầm sen Thanh Châu rộng 7 ha của hơn 60 hộ gia đình luôn nhộn nhịp, đông vui.

Thời tiết chuyển mùa đông, cũng là lúc cây sen tàn, người dân thôn Thanh Châu bắt đầu làm đất, diệt trừ cỏ dại, bón phân để bắt đầu vụ sen mới. Có người để sen tự mọc, nhưng cũng có gia đình cấy sen mới để cây phát triển tốt hơn.

Ông Nguyễn Đình Đức phó chủ tịch UBND thị trấn Thạch Hà cho biết, trước đây, vùng đầm sen người dân trồng lúa không hiệu quả nên bỏ hoang một thời gian dài sau đó người dân chuyển sang trồng sen cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với trồng lúa trên cùng một diện tích như trước đây.

Người dân ở đây vui mừng chia sẻ năm nay thời tiết thuận lợi nên sen của các gia đình thôn Thanh Châu nhiều hoa, đài sen lớn, hạt mẩy, ăn có vị giòn ngọt. Vì vậy được nhiều thương lái ưa chuộng, đến tận nhà thu mua và bán được giá.

Ngày thường, mọi người thu hái đài sen về tách hạt bán với giá từ 45.000 - 60.000 đồng/kg. Vào những ngày lễ, rằm mồng một trong tháng, cả đầm bán được cả nghìn bông hoa và đài sen với giá 30.000 đồng/10 bông và 20.000 đồng/10 đài sen non, thu về hàng triệu đồng.

Nhiều hộ trồng sen chia sẻ, vào mùa vụ, ước tính mỗi ruộng sen (rộng khoảng 500 - 1.000m2) của một hộ sẽ cho năng suất từ 3 - 5 tạ hạt tươi, thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/vụ, cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: