Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Bản tin nông sản 15/7: Hình thành mạng lưới tiêu thụ nông sản

Những nội dung đáng chú ý có trong bản tin hôm nay: Giá dừa khô đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua; nông nghiệp - điều kiện để phát triển kinh tế bền vững; tìm kiếm, lựa chọn công nghệ bảo quản vải thiều...

Hình thành mạng lưới tiêu thụ nông sản

Gần đây, dù ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy việc kết nối tiêu thụ nông sản theo chuỗi, nhưng thực tế vẫn có không ít chuỗi liên kết chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ và còn xảy ra tình trạng đứt gãy, gián đoạn...

Giải “bài toán” tìm đầu ra cho tiêu thụ nông sản

Để các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm phát huy hiệu quả và mang lại giá trị gia tăng cao, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lan, xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) Đặng Bá Thắng cho biết, thời gian tới, hợp tác xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất an toàn để đáp ứng tiêu chí về an toàn thực phẩm và xây dựng mã QR để truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng đề xuất thành phố và các địa phương tạo điều kiện cho các hợp tác xã vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất; tham gia hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp…

Với mục tiêu nhân rộng mô hình, thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đối với các sản phẩm chủ lực của thành phố. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, Sở sẽ tập trung rà soát các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhằm định hướng xây dựng chuỗi liên kết đáp ứng yêu cầu mới; tham mưu cho thành phố có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, nhà xưởng chế biến... Bên cạnh đó là mở các lớp tập huấn cho chủ thể tham gia liên kết chuỗi nâng cao nghiệp vụ; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc, sử dụng mã QR để minh bạch thông tin sản phẩm trên thị trường.

Giá dừa khô đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua

Dừa khô nguyên liệu rớt giá - Báo Cần Thơ Online

Theo người dân tại các địa phương trồng dừa với diện tích lớn như Bến Tre, Trà Vinh…, giá dừa khô xuống thấp là do gần đây đầu ra xuất khẩu dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa gặp khó khăn, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nguyên nhân do Trung Quốc siết chặt quản lý nhập khẩu các sản phẩm nông sản để phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm cũng góp phần làm giá dừa khô giảm mạnh.

Trong khi giá phân bón và nhiều loại vật tư đầu vào tăng cao, giá bán dừa lại giảm và khó bán nên người trồng dừa ở Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp nhiều khó khăn.

Tỉnh Bến Tre hiện có 77.000 ha dừa, chiếm 80% diện tích trồng dừa của Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân nơi đây. Tuy nhiên, nhiều cơ sở ở tỉnh Bến Tre đã ngừng hoặc hạn chế thu mua dừa khô. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập người trồng dừa.

Trước tình hình trên, để giải quyết khó khăn cho ngành dừa, giúp người nông dân ổn định cuộc sống trong bối cảnh giá xăng dầu, phân bón... tăng cao, tỉnh Bến Tre đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương hỗ trợ tỉnh Bến Tre xúc tiến thương mại, kết nối với các thị trường xuất khẩu như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Trung Đông, châu Phi, EU...; đồng thời đề nghị Tham tán thương mại tại các nước hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh tìm kiếm và kết nối với các nhà nhập khẩu nước ngoài, nhất là các nước trong Hiệp định thương mại tự do.

Nông nghiệp - điều kiện để phát triển kinh tế bền vững

Những khó khăn, thách thức liên tục bủa vây ngành nông nghiệp ngay từ đầu năm 2022. Thế nhưng, vượt qua những khó khăn, thử thách ấy, nông nghiệp Việt Nam không chỉ đảm đương tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực của đất nước mà còn nỗ lực, vượt khó để đạt tăng trưởng GDP của ngành 6 tháng đầu năm khoảng 2,7-2,8%. Tổng KNXK nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%; trong đó nhóm nông sản chính đạt 11,37 tỷ USD, tăng 8,8%; lâm sản chính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 3%; thủy sản đạt 5,8 tỷ USD, tăng 40,8%...

Tận dụng cơ hội, phát triển nhanh và bền vững nông nghiệp, nông dân, nông  thôn | Tạp chí Tuyên giáo

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: "Nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt hơn 1 tỷ USD là cà phê, cao su, điều, trái cây và rau củ, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm đồ gỗ và lâm sản, sắn và sản phẩm từ sắn. 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông, lâm, thủy sản Việt Nam là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó hai thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc thời gian qua được duy trì tốt. KNXK vào thị trường Hoa Kỳ khoảng 7,61 tỷ USD (tăng 7,9% và chiếm 27,3% tổng giá trị xuất khẩu), trong đó chủ yếu là gỗ và sản phẩm từ gỗ (chiếm khoảng 66,8%). KNXK vào thị trường Trung Quốc khoảng 4,97 tỷ USD (tăng 5,9% và chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu). Ở chiều ngược lại, nhập khẩu nông, thủy sản và vật tư nông nghiệp 6 tháng đầu năm khoảng 22,1 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành nông nghiệp đạt khoảng 5,75 tỷ USD, tăng hơn hai lần so với 6 tháng đầu năm 2021".

Để đẩy mạnh xuất khẩu, ngành nông nghiệp nước ta cần đàm phán nhằm tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường lớn và tiềm năng như: Trung Quốc (sầu riêng, tổ yến, chanh leo, bơ, bưởi, mãng cầu, dừa...), Nhật Bản (nhãn, bưởi, chanh leo, gia cầm đã qua xử lý nhiệt), Hàn Quốc (tôm, bưởi, vú sữa, chanh leo, nhãn, vải, chôm chôm, thịt gia súc, gia cầm chế biến, trứng gia cầm chế biến), Myanmar (bưởi, xoài), Thái Lan (chôm chôm, bưởi, chanh leo, na, vú sữa), Australia (tôm tươi, chanh leo), New Zealand (chanh ta, chanh leo, nhãn, vú sữa, bưởi, vải, măng cụt, dưa hấu)... 

Cùng với đó, cần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa diễn ra tại khu vực cửa khẩu như giai đoạn hiện nay.

Ngành nông nghiệp cần phổ biến nội dung, hướng dẫn cách thức tận dụng các điều khoản trong các hiệp định: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và các hiệp định thương mại song phương tới địa phương, hiệp hội ngành hàng, hội, doanh nghiệp, hợp tác xã... Việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản, đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp cần được quan tâm. 

Tìm kiếm, lựa chọn công nghệ bảo quản vải thiều

Chiều 14/7, tại huyện Lục Ngạn, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) tổ chức tọa đàm tìm kiếm, lựa chọn công nghệ bảo quản vải thiều phù hợp với điều kiện hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Quả vải thiều & tất tần tật điều bạn chưa biết | VinID

Buổi tọa đàm lần này nhằm tìm những giải pháp KH&CN, giới thiệu công nghệ sấy để khắc phục một số hạn chế, từ đó lựa chọn, chuyển giao công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm vải thiều phù hợp với điều kiện của tỉnh và nhu cầu của các DN, HTX.

Trao đổi tại buổi tọa đàm, các đại biểu làm rõ thực trạng chế biến/bảo quản và giải pháp nhằm nâng cao giá trị quả vải thiều; đề xuất giải pháp tối ưu hoá quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông, dự báo, tuân thủ quy định xuất nhập khẩu thông qua việc ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc quả vải thiều.

Hiện vải thiều tươi chủ yếu được bảo quản thông qua ướp lạnh; khâu chế biến vẫn dừng lại ở chế biến cùi và đóng lon bằng phương pháp thủ công nên giá trị không lớn, chi phí nhân công cao. 

Để nâng cao giá trị quả vải thiều, một số ý kiến đề xuất cần tiếp tục mở rộng diện tích trồng áp dụng các tiêu chuẩn cao vào sản xuất/canh tác như: Tiêu chuẩn GlobalGAP; tiêu chuẩn hữu cơ của các nước phát triển (USDA, JASS,...); mở rộng cấp mã vùng sản xuất để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)... 

Giá rau củ tại TP.HCM tăng cao

Tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM như: Chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò vấp), chợ Bình Trưng (TP.Thủ Đức), chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú), chợ Bình Điền (quận 5),… giá rau xanh tăng từ 14% - 25% so với đầu tháng 6, giá các loại củ quả tăng từ 10-15%.

Rau ăn lá tại TP.HCM tăng giá mạnh

Cụ thể, như giá ngò rí được bán ở mức hơn 100.000 đồng/kg, ớt tươi xấp xỉ 120.000 đồng/kg. Cà chua giá bán lẻ 30.000- 32.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng so với các tháng trước đó. Súp lơ Đà lạt có giá từ 55.000- 60.000 đồng/kg, tăng 10.000- 15.000 đồng so với đầu năm, rau cải các loại ở mức 30.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng trong hơn một tuần qua.

Bên cạnh đó, các loại rau gia vị, thảo dược tăng khoảng 30%. Tại một số chợ đầu mối: Hóc Môn (huyện Hóc Môn), Bình Điền (quận 6), Thủ Đức (TP.Thủ Đức), giá rau xà lách lên tới 60.000-70.000 đồng/kg, rau húng lủi lên tới gần 100.000 đồng/kg, rau, rau húng quế lên tới hơn 30.000 đồng/kg,…

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: