Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Phát triển thị trường nông sản bản địa qua kênh thương mại điện tử do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ

Ngày 10/6 tại Hà Nội, Dự án Phát triển thị trường nông sản bản địa qua kênh thương mại điện tử do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ trong khuôn khổ Dự án Great với xu hướng cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0” (PILS002) do Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp nông thôn Việt - VietED Center chủ trì đã tổ chức Hội nghị tổng kết dự án VED-GREAT I4.0 và chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển thị trường nông sản bản địa qua kênh thương mại điện tử.

Phụ nữ dân tộc thiểu số được trang bị những kiến thức, kỹ năng bán hàng và quảng bá sản phẩm, dịch vụ trên sàn thương mại điện tử

Dự án VED-GREAT I4.0 được thực hiện trên địa bàn các tỉnh Sơn La và Lào Cai với mục tiêu nâng cao kỹ năng kinh doanh của các hợp tác xã và doanh nghiệp dựa vào cộng đồng. Dự án tập trung vào nâng cao kỹ năng bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, xây dựng mạng lưới giao dịch thương mại điện tử, tham gia cải thiện chính sách đối với sản phẩm của người dân tộc thiểu số và hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận thị trường với sản phẩm điện tử - các nền tảng giao dịch thương mại.
Chia sẻ tại Hội nghị, Giám đốc Dự án dự án VED-GREAT Raj Kumar cho biết, giai đoạn I của dự án được thực hiện từ tháng 4.2020 đến tháng 12.2021 và kéo dài đến tháng 6.2022. Trong giai đoạn này, dự án đã nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng các kênh thị trường Thương mại điện tử (eCo) và Xã hội điện tử (eSo) để hỗ trợ phụ nữ và các dân tộc thiểu số; lãnh đạo và điều hành các hợp tác xã và nhóm nông dân.

68 tổ hợp tác nông dân và doanh nghiệp  (39 ở Sơn La và 29 ở Lào Cai) đã sử dụng các kênh này để bán sản phẩm. GREAT và VietED cũng đã tiếp cận và chia sẻ tầm nhìn, chiến lược của Dự án với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và để xem sự phù hợp của Dự án với Dự án 8 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhằm tích hợp hai dự án.

Ý tưởng của sự tích hợp là chuẩn hóa các mô hình và dịch vụ được phát triển trong giai đoạn I để nhân rộng mô hình tiếp cận thị trường thương mại điện tử và xã hội điện tử với sự hợp tác trực tiếp của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ý tưởng cũng nhằm tìm ra các điểm tích hợp có thể có và cơ cấu hoạt động để thực hiện dự án trên toàn quốc trong khuôn khổ Dự án 8 của Hội Liên hiệp Phụ nữ.

Nói về những thành tựu của Dự án, ông Hoàng Đại Dương, Quản lý AgriBuz, VietED Center chia sẻ, thông qua các khóa tập huấn trực tuyến dự án đã cung cấp những kiến thức, kỹ năng bán hàng, quảng bá sản phẩm và dịch vụ trên sàn thương mại điện tử cho phụ nữ dân tộc thiểu số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.

Đơn cử như khóa tập huấn trực tuyến về thúc đẩy tiêu thụ nông sản và quảng bá du lịch cộng đồng trên sàn thương mại điện tử Lazada, một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam được tổ chức ngày 4.10.2021. Hơn 70 đại diện đến từ dự án, các cơ quan nhà nước, các đối tác doanh nghiệp và những phụ nữ dân tộc thiểu số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch đã tham gia, được chia sẻ về cách thức bán hàng và quảng bá sản phẩm, dịch vụ trên sàn thương mại điện tử. 

Thông qua các khóa học chính là cơ hội để các hợp tác xã, các tổ hợp tác và các hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực nông nghiệp như dược liệu, chè, gia vị (quế, hồi, gừng hữu cơ), trái cây, rau, gạo, tinh dầu... ở hai tỉnh Lào Cai, Sơn La và các doanh nghiệp ở các tỉnh khác như Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái và Lạng Sơn có dịp giao lưu, kết nối.

Có thể nói, các khóa tập huấn đã tăng cường năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp đối tác và những phụ nữ dân tộc thiểu số để họ có kết nối tốt hơn với thị trường và cải thiện kết quả kinh doanh, đồng thời giúp các cộng đồng địa phương và doanh nghiệp ứng phó, phục hồi tốt trong điều kiện đại dịch Covid-19.

Là một trong các HTX được tiếp cận Dự án, anh An Văn Tuấn, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Thế Tuấn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai  (sản xuất mỹ phẩm từ dược liệu sạch tại Lào Cai) cho biết, trước khi tham gia dự án việc bán các sản phẩm của anh chủ yếu là offline và gặp nhiều khó khăn về việc tiếp thị sản phẩm. Khi dịch Covid-19 bùng phát, các điểm bán hàng bị hạn chế nên việc tiêu thụ sản phẩm càng gặp khó khăn hơn. HTX đã tiếp cận việc bán hàng online nhưng chưa có kiến thức nên hiệu quả không cao.

Khóa tập huấn đã tăng cường năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp đối tác và những phụ nữ dân tộc thiểu số

Từ khi tham gia các khóa tập huấn để đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, TiKi, Lazada…tập huấn về quản lý web, xây dựng câu chuyện cho sản phẩm… uy tín và doanh thu của HTX ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, doanh thu của 2021 đã tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hàng tháng của HTX đạt 100-120 triệu/tháng, trong đó có tới 80% là từ các trang bán hàng trực tuyến.

Tương tự, chị Vàng Thị Thông, chủ homestay Pine homestay, đội 3 Bản Liền (Bắc Hà, Lào Cai) chia sẻ, từ sau khi tham gia dự án, ngoài Facebook, Zalo, chị đã biết sử dụng cả Tiktok để giới thiệu về du lịch Bản Liền. Chị cũng làm quen với các trang đặt phòng online để trao đổi với khách hàng.

Từ chỗ còn ngại giao tiếp, giờ đây chị Thông cũng như người dân Bản Liền đã tự tin hơn, họ tự trau dồi vốn ngoại ngữ để sẵn sàng đón tiếp không chỉ khách du lịch trong nước mà cả khách ngoại quốc. Có thể nói dự án đã thổi một làn gió mới đến với gia đình chị Thông và người dân trong Bản Liền, đặc biệt là phụ nữ trong bản. Họ, những người vốn chỉ quen với lên rừng, làm rẫy, bây giờ đã tự tin giới thiệu về bản làng của mình, được hoàn thiện và phát triển bản thân, ngày càng được nâng cao vị thế và trở thành những người truyền cảm hứng đặc biệt đến cộng đồng.

Hoàng Nhung/KTĐU

Từ khóa: