Những nội dung đáng chú ý có trong bản tin hôm nay: Nhà máy chiếu xạ nông sản đầu tiên tại Cần Thơ; về Đồng Nai thưởng thức trái cây 'vua'; hàng nội lấn át trong siêu thị "ngoại"...
Mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản
Theo đánh giá của Phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương), hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh Thanh Hóa đã đủ sức cạnh tranh và có mặt tại nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, các nước EU... Do đó, việc mở rộng thị trường XK nông sản là hoàn toàn đủ khả năng.
Hơn nữa các hiệp định mà Việt Nam tham gia đã có hiệu lực, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và các nước trong khối ASEAN... đã và đang tạo nhiều cơ hội, tiềm năng cho XK hàng hóa của Việt Nam, trong đó có hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa vào các nước đối tác.
Nắm bắt cơ hội này, nhiều doanh nghiệp XK, trong đó XK các mặt hàng nông sản đã xây dựng và triển khai chiến lược mở rộng thị trường.
Sản phẩm dứa đóng hộp của Công ty CP Chế biến và XK nông sản Việt, phường Long Anh (TP Thanh Hóa) hiện đã có mặt tại 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có những nước được xem là thị trường khó tính, như Anh, Pháp, Đức... Tuy nhiên, công ty vẫn muốn tìm kiếm và mở rộng thị trường XK ra các nước có tiềm năng.
Được biết, thị trường hiện tại mà công ty đang hướng tới là Hàn Quốc. Đây được đánh giá là thị trường ổn định, ít có sự thay đổi về các quy chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch về an toàn thực phẩm, chất lượng, nên là thị trường an toàn, mang tính bền vững đối với doanh nghiệp xuất XK.
Vì vậy, để sản phẩm dứa đóng hộp và các mặt hàng nông sản thâm nhập được vào thị trường này, công ty đang tích cực xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác để XK hàng hóa nông sản sang thị trường Hàn Quốc. Để các đối tác Hàn Quốc tiếp cận được các sản phẩm, công ty đầu tư hình ảnh sản phẩm, thông số và các tiêu chuẩn kỹ thuật, tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử để bạn hàng dễ dàng tìm kiếm. Đang sở hữu nhiều mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn GAP, HACCP, cùng với các chiến lược maketting phù hợp, công ty kỳ vọng các sản phẩm sẽ sớm có mặt tại thị trường Hàn Quốc.
Nhà máy chiếu xạ nông sản đầu tiên tại Cần Thơ
Theo ông Nguyễn Trọng Tín, Tổng giám đốc ICT, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm hơn 95% kim ngạch xuất khẩu gạo, 70% lượng trái cây xuất khẩu và 65% lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước. Hàng năm, khu vực này có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu khoảng 18 triệu tấn, tuy nhiên, 70% lượng hàng hóa vùng này phải vận chuyển về các cảng lớn ở TP. HCM và cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) chiếu xạ, đóng container để xuất khẩu khiến chi phí vận tải tăng rất cao.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do ĐBSCL chưa có các trung tâm chiếu xạ công suất lớn để đảm bảo các tiêu chuẩn cho các thị trường lớn, khó tính nên hàng hóa nói chung và hàng nông, thủy sản nói riêng phải vận chuyển qua nhiều địa điểm. Việc này không chỉ khiến chi phí vận tải doanh nghiệp tăng 10% - 40% tùy từng tuyến, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa do hạn chế trong công tác bảo quản làm giảm sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.
Nhà máy chiếu xạ do ICI xây dựng tại Cần Thơ là nhà máy đầu tiên được xây dựng tại khu vực cảng, khép kín chuỗi từ thu hoạch, vận chuyển về kho bảo quản, chiếu xạ và đóng container vận chuyển đến cảng biển xuất khẩu. Giai đọan 1 nhà máy chiếu xạ Cần Thơ sẽ xây dựng gồm cụm kho bãi và dây chuyền chiếu xạ công nghiệp đa năng công suất dự kiến 50.000 tấn /năm, trên diện tích gần 2 ha tại số 2 Khu vực Phú Thắng, phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ.
"Công nghệ chiếu xạ sử dụng tại nhà máy chiếu xạ Cần thơ là nguồn Cobalt-60 và máy gia tốc, là hai loại công nghệ phổ biến trên thế giới. Dây chuyền chiếu xạ công nghiệp đa năng (VINAGA1) sử dụng nguồn Cobalt-60; được thiết kế và chế tạo bởi Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai Công nghệ Bức xạ (VINAGAMMA) thuộc Viện Nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN- VINATOM) theo các tiêu chuẩn của máy chiếu xạ công nghiệp với các tính năng an toàn thỏa mãn các quy định về máy chiếu xạ công nghiệp của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế - IAEA và của Việt Nam", ông Tín cho biết.
Về Đồng Nai thưởng thức trái cây 'vua'
Nói đến giống đặc sản sầu riêng có tiếng nhất của Đồng Nai phải kể đến sầu riêng DONA. Giống sầu riêng này do một DN trên địa bàn tỉnh sản xuất, đã được đưa vào bộ giống quốc gia. Thương hiệu đặc sản này không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết tiếng mà còn là giống đặc sản được DN này xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Hiện thương hiệu sầu riêng DONA không chỉ được đăng ký sở hữu trí tuệ ở Việt Nam mà cả ở nhiều nước trên thế giới. Hiện giống sầu riêng này được người dân tại nhiều tỉnh, thành trồng phổ biến.
Sầu riêng DONA chín thịt trái có màu vàng mỡ gà đặc trưng, hạt lép, cơm dày và khô ráo, có thể tách hạt khỏi phần thịt quả mà không dính tay, vị ngọt đậm đà. Trái sầu riêng DONA có hình thức bắt mắt với phần vỏ có gai to đều, vỏ xanh và mỏng. Thực khách còn rất ấn tượng vì loại sầu riêng này có trọng lượng khủng, trái to có thể đạt hơn 10kg/trái.
Vài năm gần đây, nhiều nhà vườn tại Đồng Nai còn trồng thêm giống mới là sầu riêng Musang King có nguồn gốc từ Malaysia. Ông Trần Văn Trung, nông dân gạo cội trồng sầu riêng tại xã Bình An (H.Long Thành) chia sẻ: “Vườn nhà tôi cũng trồng thử nghiệm vài chục gốc sầu riêng Musang King và năm nay bắt đầu cho trái bói. Đúng với tên gọi của nó, sầu riêng này được xem như là “vua” của các loại sầu riêng vì có nhiều ưu điểm như múi sầu riêng to, hạt lép, khi chín thịt trái có màu vàng đỏ, rất mịn, vị ngọt không gắt cổ và béo hơn các giống sầu riêng trong nước. Giống đặc sản này hiện đang bán ngoài thị trường với giá khá cao, từ 250-300 ngàn đồng/kg”.
Sầu riêng còn là nguyên liệu chế biến được nhiều món ngon như: chè Thái, kem sầu riêng, sinh tố sầu riêng, xôi sầu riêng, tàu hũ sầu riêng đến các món mặn như gà nướng sầu riêng, pizza sầu riêng… Trong đó, món ngon nổi tiếng và phổ biến tại Việt Nam hiện nay là bánh pía nhân sầu riêng.
Hàng nội lấn át trong siêu thị "ngoại"
Theo đại diện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh như: Go! Bà Rịa, MM Mega Market Vũng Tàu, Lotte Mart Vũng Tàu…, sản phẩm do các DN Việt Nam sản xuất ngày càng chiếm tỷ lệ cao trên các kệ hàng. Các DN trong nước cũng đã chú trọng về chất lượng, sự tiện ích của sản phẩm, hướng tới sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên có hiệu quả… Từ đó, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, cập nhật những xu thế, thị hiếu mới của người tiêu dung trong nước.
Hệ thống MM Mega Market là chuỗi cung ứng có vốn đầu tư từ Thái Lan. Những năm qua, chuỗi hệ thống này ngày càng mở rộng, trong đó có BR-VT. Theo ông Ngô Thanh Hưởng, Giám đốc MM Mega Market Vũng Tàu, tỷ lệ hàng Việt chiếm khoảng 90% tổng lượng hàng đang kinh doanh tại siêu thị. Trong đó, có một số ít mặt hàng như nhãn xuồng cơm vàng, rau có nguồn cung ứng từ các DN trên địa bàn tỉnh.
Tương tự, tại Lotte Mart Vũng Tàu - thương hiệu bán lẻ hiện đại đến từ Hàn Quốc, tỷ lệ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam cũng chiếm từ 80-90%. Bất cứ khách hàng nào khi bước chân vào mua sắm tại siêu thị cũng ấn tượng mạnh bởi những quầy hàng thực phẩm tươi ngon, trưng bày đẹp mắt, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ các nhà cung cấp lớn có uy tín trong nước.
Đưa sản phẩm hàng Việt trực tiếp vào kênh phân phối có vốn đầu tư nước ngoài mang lại cơ hội lớn cho DN địa phương mở rộng kênh tiêu thụ, quảng bá thương hiệu, cũng như từng bước xuất khẩu thông qua đối tác nước ngoài.
Tiến Hoàng/KTDU