Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Bản tin nông sản 17/7: Hàng hóa chưa giảm theo giá xăng, dầu

Bản tin hôm nay có những nội dung đáng chú ý sau đây: Những cửa hàng xanh độc đáo tại TP.HCM; chỉ dẫn địa lý - “Giấy thông hành” cho sản phẩm Việt; đối mới canh tác theo hướng tập trung nhằm nâng cao giá trị nông sản...

Hàng hóa chưa giảm theo giá xăng, dầu

Hàng hóa chưa giảm theo giá xăng - VnExpress Kinh doanh

Khảo sát tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP Thanh Hóa cho thấy, các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” theo xăng, dầu, mà trái lại một số mặt hàng vẫn giữ giá ở mức cao, thậm chí là tăng giá.

Đơn cử như, giá thịt lợn, thịt bò, gia cầm tăng thêm từ 10.000 -15.000 đồng/kg; giá các loại thủy, hải sản cũng đang giữ giá ở mức ổn định. Cụ thể, hiện tại giá gà ta chưa thịt đã lên tới 160.000 đồng/kg, thịt lợn: 100 - 140 nghìn đồng/kg, thịt bò từ 250 - 300 nghìn đồng/kg, cá trắm cỏ cỡ to (cắt khúc): 60 - 90 nghìn đồng/kg…

Chị Nguyễn Thị Thủy, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Đông Vệ (TP Thanh Hóa) cho rằng: “Giá xăng giảm như thế nhưng vẫn còn cao, người kinh doanh như chúng tôi cũng không quyết định được mức giá. Hỏi đơn vị cung ứng thì họ trả lời là cần phải xem xét, tìm hiểu, nghe ngóng tình hình vào kỳ điều chỉnh xăng, dầu tiếp theo mới có thể nghĩ đến việc điều chỉnh giá”.

Không những thế, vài ngày tới giá lợn hơi sẽ còn tăng bởi thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá khiến những người bán lẻ gặp không ít khó khăn. Tăng giá thì không có người mua, không tăng thì bán buôn lỗ, chị Thuỷ cho biết thêm.

Bên cạnh đó những ngày gần đây thời tiết mưa, nắng thất thường khiến các loại rau, củ quả cũng tăng giá. Hiện, mỗi bó rau muống, rau mồng tơi, rau đay có giá giao động từ 7.000 -10.000 đồng, rau cải, rau ngót giao động từ 8.000 -10.000 đồng; các loại cà chua, hành vẫn ở mức 30 - 35 nghìn đồng/kg, khoai tây, su su ở mức 25 -30 nghìn đồng/kg,…

Những cửa hàng xanh độc đáo tại TP.HCM

Những cửa hàng xanh độc đáo tại TP.HCM

Những ngày gần đây, tại một cửa hàng Limart trên đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM có rất nhiều bạn trẻ đã đến đây để đổi bao nilon, pin cũ lấy nông sản. Theo đó cứ 2 kg bao nilon sẽ đổi được 0.5kg rau củ như dưa leo, cà chua, rau muống,...

Mô hình này được thực hiện từ đầu tháng 6, do hai bạn trẻ khiếm thị tên Thư và Linh triển khai và vận hành. Số bao nilon sau khi thu gom xong, cửa hàng sẽ phân loại.

Đối với các bao nilon thường, cửa hàng sẽ chuyển qua cho anh chị khuyết tật Nhà May Mắn, để dệt ra những cái túi nilon như túi laptop, ví,…Đối với bao nilon phân hủy, cửa hàng sẽ chuyển cho Công ty TNHH Sản xuất thương mại tổng hợp II đưa vào quy trình sản xuất để tiếp tục tái chế tạo ra các túi đựng rác.

Không chỉ riêng cửa hàng Limart thực hiện mà tại một cửa hàng nhỏ trên đường Hòa Hưng, phường 12, quận 10 cũng tổ chức hoạt động đổi sách, báo lấy cây xanh để nhằm lan tỏa lối sống xanh đến mọi người.

Hoạt động này do nhóm Nhà Nhiều Lá phát động thực hiện, mỗi tháng sẽ tổ chức một lần. Tại đây, cây sẽ được phân loại theo số lượng sao, 3 kg sách, giấy sẽ tương ứng với một sao, số sao này sẽ được quy đổi ra cây, chậu.

Chỉ dẫn địa lý - “Giấy thông hành” cho sản phẩm Việt

Chỉ dẫn địa lý - “Giấy thông hành” cho sản phẩm Việt
Chỉ dẫn địa lý - “Giấy thông hành” cho sản phẩm Việt

Thời gian qua, chỉ dẫn địa lý đã góp phần quan trọng giúp sản phẩm có thương hiệu chinh phục được thị trường nội địa cũng như là “giấy thông hành” cho nhiều sản phẩm thương hiệu Việt tiếp cận những thị trường khó tính như: EU, Nhật Bản…

Chung tay cùng các cấp, ngành và địa phương trong việc phát triển các thương hiệu, gắn nhãn địa lý, chương trình Thương hiệu Quốc gia đóng vài trò "sứ giả" kết nối, truyền tải thông tin và khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm được gắn nhãn chỉ dẫn địa lý.

Các chuyên gia cho rằng, chỉ dẫn địa lý chính là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng sự tín nhiệm của người tiêu dùng với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Việt Nam được biết đến là quốc gia thuộc top đầu trong xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và những biến động do dịch bệnh COVID-19, địa chính trị thế giới đã đẩy vấn đề an ninh lương thực lên vị trí được quan tâm hàng đầu. Đặc biệt, Việt Nam khẳng định nông nghiệp là nền tảng, bệ đỡ trong phát triển kinh tế đất nước.

Đối mới canh tác theo hướng tập trung nhằm nâng cao giá trị nông sản

Nỗ lực nâng cao chất lượng, giá trị nông sản - Báo Cần Thơ Online

Để nông nghiệp phát triển bền vững với những vùng chuyên canh có sản phẩm nông nghiệp chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao, huyện Tân Phú đang hướng đến mục tiêu chung nâng tầm sản phẩm địa phương để phát triển thị trường bền vững, có khả năng xâm nhập các thị trường khó tính theo đường chính ngạch.

Xác định nông nghiệp là lĩnh vực cần đột phá trong phát triển, thời gian qua, công tác chuyển đổi cây trồng trên địa bàn huyện đã đạt những kết quả nổi bật. Các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất sạch ngày càng tăng, ý thức gìn giữ sản phẩm, thương hiệu của người dân được nâng cao. Một số vùng chuyên canh có tiếng như vùng trồng các loại cây có múi (bưởi da xanh, cam, quýt) tập trung tại khu vực các xã Tà Lài, Phú Lộc, Phú Thịnh; vùng trồng sầu riêng tập trung tại khu vực xã Phú An theo mô hình VietGAP; vùng nuôi tôm càng xanh chuẩn VietGAP tại khu vực xã Trà Cổ.

Đặc biệt, Tân Phú là huyện có diện tích trồng lúa lớn nhất tỉnh với trên 6.000ha, hiện đang được huyện đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân trồng lúa theo hướng hữu cơ nhằm tạo thêm thương hiệu lúa sạch, tăng sự phong phú của nông sản cho huyện vùng cao.

Hướng đến quy hoạch sản xuất nông nghiệp hiện đại

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn  2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Nắm bắt được lợi thế của tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai chủ trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp và quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở từng địa phương; trong đó, đặc biệt ưu tiên gắn quy hoạch cơ sở hạ tầng với quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung theo từng địa bàn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) tỉnh Đồng Nai Lê Văn Gọi cho biết, những năm qua, tỉnh tập trung xây dựng các vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung với cơ cấu sản xuất hiệu quả, phát triển mạnh các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực bảo đảm tiêu chuẩn cây, con "4 có" gồm có: giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ ổn định và có thu nhập cao.

Từ nhu cầu của thị trường về chủng loại nông sản, chất lượng, sản lượng, các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ tìm cách liên kết với nông dân để sản xuất. Đến nay, Đồng Nai đã cấp 108 mã số vùng trồng với quy mô hơn 23.000ha phục vụ xuất khẩu; 71 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao trở lên, đứng đầu về số lượng trong khu vực Đông Nam bộ.

Cùng với việc định hướng sản xuất thông qua quy hoạch, để bảo đảm nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện, tỉnh cũng đẩy mạnh việc cung cấp thông tin dự báo thị trường, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để người dân làm ra những sản phẩm chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: