Sự kiện hot
3 năm trước

Bản tin nông sản 8/7: Công nghệ thay đổi ngành nông nghiệp

Những nội dung đáng chú ý có trong bản tin hôm nay: Đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh 'bão giá'; xoài Đồng Tháp chinh phục thị trường quốc tế; khai phá thị trường mới cho nông sản Việt...

Đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh 'bão giá'

Mặc dù hoạt động xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ nhưng các yếu tố gây bất lợi tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng đang xuất hiện. Điều này xuất phát từ việc thương mại toàn cầu đang phục hồi chậm lại do tác động từ xung đột Nga-Ukraine cùng tình hình dịch bệnh bùng phát và chủ trương "Zero COVID" tại Trung Quốc.

Do đó, để giảm sự lệ thuộc vào một số thị trường, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, tìm khách hàng mới để đẩy mạnh xuất khẩu.

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh mới và những vấn đề đặt ra

Ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, chia sẻ để đảm bảo hoạt động xuất khẩu hàng hóa, nhất là thanh long, Sở Công Thương Bình Thuận sẽ trao đổi thường xuyên với Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc để khuyến cáo và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tránh tập trung vào một cửa khẩu để hạn chế hiện tượng ùn tắc hàng hóa khi thu hoạch rộ.

Ngoài thị trường Trung Quốc, Bình Thuận sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài, trong đó, chú trọng thị trường Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, các quốc gia Trung Đông và các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Mặt khác, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam như: Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Big C (Thái Lan)... để thông qua đó tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường.

Trong khi đó, trước những khó khăn trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong kế hoạch xuất khẩu sản phẩm hàng hóa giai đoạn từ 2012-2025, ngoài Trung Quốc, Australia, Hàn Quốc Nhật Bản, tỉnh Sơn La vẫn coi Campuchia là một thị trường xuất khẩu nhãn, mận tiềm năng.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ tại các nước châu Âu có trách nhiệm cao nhất trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đang có gặp khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu với Nga và Ukraine để tìm cách chuyển hướng sang các thị trường phù hợp tại châu Âu.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, chú trọng triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, các cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới.

Công nghệ thay đổi ngành nông nghiệp

Ngành nông nghiệp của Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng do dân số làm nông nghiệp đang già đi và sụt giảm. Kể từ năm 2015, số nông dân của cả nước đã giảm 22,4%, còn độ tuổi trung bình tăng 0,8 tuổi lên 67,8 trong cùng kỳ.

Mục tiêu của chính phủ là tự cung cấp 45% lương thực vào năm 2030 nhưng đối mặt nhiều thách thức. Để hỗ trợ đạt mục tiêu này, chính phủ đã chuyển sang nông nghiệp thông minh với hi vọng tạo ra chương trình lương thực bền vững và gắn kết hơn. Năm 2016, Nội các Nhật Bản cho biết muốn tìm cách biến nông nghiệp thành lĩnh vực tăng trưởng, sử dụng Big Data, IoT, AI, thúc đẩy cải cách nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp, Rừng và Thủy sản (MAFF) công bố lộ trình mở rộng các công nghệ và dịch vụ canh tác thông minh. 

Công nghệ hứa hẹn thay đổi bộ mặt nông nghiệp Nhật Bản

Một đặc điểm nổi bật của nông nghiệp thông minh là sử dụng công nghệ để lập kế hoạch và quản lý mùa màng tốt hơn. Nó bao gồm sử dụng hình ảnh vệ tinh xác định đặc điểm của đất, theo dõi sự phát triển của cây trồng và ước tính sản lượng cũng như phân tích dữ liệu về các kiểu thời tiết để quản lý mùa màng, triển khai máy bay không người lái và máy thu hoạch công nghệ cao. Trang bị những công cụ này, người trồng có thể canh tác hiệu quả hơn, chẳng hạn áp dụng chính xác các hóa chất nông nghiệp như thuốc trừ sâu và phân bón, giúp tiết kiệm thời gian và năng lượng trong khi tăng sản lượng.

Đại học Hokkaido đã tham gia phát triển máy kéo tự lái hoàn toàn đầu tiên của Nhật Bản, thương mại hóa vào năm 2018. Khác với máy kéo điều khiển từ xa và máy trồng lúa đã được sử dụng, mô hình này được trang bị các cảm biến và phần mềm để tự động dừng khi phát hiện chướng ngại vật, cũng như các tính năng hoạt động an toàn khác mà không cần bất kỳ sự tham gia nào của con người. Mặc dù tự động, máy kéo robot chỉ vận hành nếu một người ở gần đó để theo dõi các hoạt động của nó.

Hướng tới thế hệ thiết bị tự hành tiếp theo, ngành công nghiệp, các trường đại học và chính phủ đang hợp tác chặt chẽ với nhau để phát triển các robot hiện trường có thể được giám sát từ xa và di chuyển hoàn toàn độc lập. Robot tự di chuyển giữa các hàng, thậm chí cánh đồng, mà chỉ cần một người duy nhất tại trạm giám sát quản lý đồng thời các hoạt động của chúng ở những khu vực khác nhau.

Các nghiên cứu gần đây tập trung vào việc sử dụng robot hiện trường trang bị công nghệ 5G và AI (trí tuệ nhân tạo) trên quy mô lớn, dựa vào hình ảnh độ nét cao để thực hiện các nhiệm vụ chính xác như bón phân, xác định và loại bỏ nhanh chóng các cây bị bệnh và sâu bệnh. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về tiềm năng của những công nghệ này. Điện toán biên, cho phép phân tích nhanh thông tin được gửi qua mạng 5G, đang mở ra kỷ nguyên nông nghiệp thông minh mới bằng cách tạo ra các hệ thống phức tạp cần thiết để quản lý nhiều nhóm robot hiện trường.

Nông nghiệp thông minh mang đến nhiều lợi ích cho nông dân Nhật Bản, bao gồm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, bảo quản và chuyển giao bí quyết nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và sản lượng... Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi không thể diễn ra trong một sớm một chiều vì sẽ mất thời gian thuyết phục các nhà sản xuất rằng lợi ích kinh doanh từ việc đầu tư vào các hệ thống thông minh xứng đáng với chi phí bỏ ra.

Xoài Đồng Tháp chinh phục thị trường quốc tế

Trong khuôn khổ Lễ hội Xoài Cao Lãnh năm 2022, ngày 7-7, UBND TP Cao Lãnh phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo phát triển chuỗi ngành hàng xoài.

Đồng Tháp: Xuất khẩu 3 tấn xoài sang châu Âu

Ông Lê Quốc Điền – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - cho biết, Đồng Tháp có 14.000 ha trồng xoài, chiếm 33,7% tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh, xếp thứ hai khu vực ĐBSCL về sản lượng. Các giống xoài chủ lực gồm Cát Chu, Cát Hòa Lộc, Tượng da xanh…

Gần 6.000 ha xoài đã được đăng ký mã số vùng trồng với 327 mã số; chín cơ sở đóng gói trên địa bàn đã đăng ký mã số cơ sở đóng gói; 33 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận VietGAP trên cây xoài, với diện tích 353 ha đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Hiện xoài Đồng Tháp đã có mặt ở thị trường các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ, EU…

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2019, lần đầu tiên trái xoài Đồng Tháp được xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã mở ra tiềm năng lớn cho ngành hàng xoài Đồng Tháp nói riêng và trái xoài Việt Nam nói chung. Ngoài Mỹ, trái xoài tươi Đồng Tháp còn được xuất sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand. Đặc biệt Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sản lượng xoài khá lớn

Năm 2021, tỉnh Đồng Tháp đã được cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh cho sản phẩm xoài tươi, vùng trồng mang chỉ dẫn địa lý tập trung ở địa bàn huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh. Đây là cơ hội cũng là thách thức để xoài Đồng Tháp khẳng định danh tiếng của mình trên thị trường quốc tế.

Kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích trồng mới, cải tạo vườn xoài già cỗi kém hiệu quả là 4.450 ha với tỷ lệ 36% diện tích trồng xoài; các vùng trồng và cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, đóng gói xoài xuất khẩu đều được cấp mã số.

Ứng dụng đồng bộ giải pháp, cơ giới hóa, tiến bộ khoa học, quy trình sản xuất tiên tiến và cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng xoài nhằm phát huy tối đa giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho nhà vườn, lợi nhuận tăng thêm ít nhất 15%/năm.

Khai phá thị trường mới cho nông sản Việt

Ngay khi thấy Facebook của một người bạn đăng thông tin về một siêu thị hàng Việt tại Campuchia, ông Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (tỉnh Thanh Hóa), liền xin thông tin về siêu thị này để liên hệ chào hàng. "Cách đây 3 năm, có đối tác ở Lào chủ động liên hệ chúng tôi để nhập khẩu mắm tôm, mắm tép, nước mắm và duy trì mua hàng đến nay.

Khai phá thị trường mới cho trái cây

Dù chất lượng hàng xuất khẩu luôn đồng nhất, thủ tục xuất khẩu sang Lào đơn giản hơn so với Nhật Bản rất nhiều, gần giống đưa hàng vào siêu thị trong nước. Thực tế, có những thị trường gần không được DN để ý và bỏ qua cơ hội. Trong khi chi phí đầu tư ban đầu để xuất khẩu sang Nhật, Mỹ rất lớn nên DN cần có đơn hàng lớn và sau một thời gian mới có lợi nhuận thì với thị trường gần, đơn hàng xuất khẩu đầu tiên đã có lãi dù không nhiều" - ông Lê Anh so sánh.

Theo Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Campuchia đạt 2,6 tỉ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu sang Campuchia khá đa dạng, trong đó có thực phẩm chế biến, bánh kẹo và ngũ cốc. "Việt Nam và Campuchia có nhiều đặc điểm tương đồng về văn hóa, nhu cầu thị trường, thói quen tiêu dùng. DN Việt Nam đã có sự hiện diện khá lâu và đông đảo tại Campuchia. Đây cũng là những điều kiện thuận lợi để DN Việt tranh thủ gắn bó, hợp tác đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu, rộng tại thị trường nước bạn" - đại diện Cục Xúc tiến thương mại nhận xét.

Tại thị trường Thái Lan, hệ thống bán lẻ Central Group đang triển khai chương trình "Vải thiều Việt Nam" với nguồn hàng là vải thiều tươi chính vụ từ tỉnh Bắc Giang. Đại diện DN cung cấp hàng cho Central Group cho biết Thái Lan cũng có trồng vải nên người tiêu dùng tại đây đã biết đến loại quả này.

Tuy nhiên, hiện không phải mùa thu hoạch vải thiều Thái Lan. Do vậy, tiềm năng của vải thiều Việt Nam tại thị trường Thái Lan là khá lớn. Ngoài ra, thị trường này gần nên chi phí vận chuyển thấp; không phải chiếu xạ như xuất khẩu sang thị trường khác.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: