Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Bản tin Tiêu dùng 16/8: Công khai xuất xứ, trái cây Trung Quốc thôi 'mượn mác'

Hôm nay (16/8) giá vàng tiếp tục giảm sâu, giá lợn hơi tăng giảm trái chiều; Không còn “núp bóng” hàng Việt Nam hay “khoác mác" hàng Mỹ, Úc,... như trước, trái cây Trung Quốc nay đã được công khai nguồn gốc khi bán cho người tiêu dùng.

Giá vàng giảm sâu

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ giảm 29,8 USD/ounce lên 1.774,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10/2022 trên sàn Comex New York giảm 26 USD lên 1.788,2 USD/ounce.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Mỹ đạt 8,5%, thấp hơn dự báo là 8,7%. Lạm phát cơ bản, bao gồm các chi phí thực phẩm và năng lượng, tăng 5,9% so với năm trước. Tuy nhiên, cảnh báo của nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, mức tăng này thấp hơn so với dự báo nhưng tốc độ lạm phát vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng mạnh.

Trên hết, chỉ số giá sản xuất Mỹ (PPI) tăng chậm hơn trong tháng 7, đạt mức 9,8% hàng năm so với mức 10,4% dự kiến.

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá vàng miếng 9999 tại SJC và Doji niêm yết như sau:

SJC TP.HCM: 66,10 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,10 triệu đồng/lượng (bán ra)

SJC Hà Nội: 66,10 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,12 triệu đồng/lượng (bán ra)

Doji Hà Nội: 66,05 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,05 triệu đồng/lượng (bán ra) 

Doji TP.HCM: 66,35 triệu đồng/lượng (mua vào) - 67,05 triệu đồng/lượng (bán ra)

Giá lợn hơi tăng giảm trái chiều

Tại khu vực miền Bắc, thị trường lợn hơi điều chỉnh tăng tại một vài tỉnh thành.

Cụ thể, sau khi nhích nhẹ một giá, thương lái tại Hưng Yên và Hà Nội hiện đang thu mua lợn hơi với giá cao nhất khu vực là 71.000 đồng/kg.

Tương tự, Phú Thọ và Bắc Giang lần lượt điều chỉnh giao dịch lên mức tương ứng là 69.000 đồng/kg và 70.000 đồng/kg, cùng tăng 2.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 65.000 - 71.000 đồng/kg.

Thị trường khu vực miền Trung, Tây Nguyên biến động trái chiều 1.000 - 2.000 đồng/kg. 

Theo đó, tỉnh Lâm Đồng tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên mức 66.000 đồng/kg, ngang bằng với Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. 

Trong khi đó, thương lái tại Quảng Ngãi cũng đang giao dịch lợn hơi với giá 66.000 đồng/kg sau khi giảm 2.000 đồng/kg.

Hiện tại, giá thu mua lợn hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 58.000 - 67.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, giá lợn hơi tăng giảm từ 1.000 đồng/kg đến 4.000 đồng/kg. 

Trong đó, Vũng Tàu điều chỉnh giao dịch xuống còn 62.000 đồng/kg sau khi hạ nhẹ một giá. 

Ở chiều ngược lại, Tây Ninh và Trà Vinh lần lượt nâng giá thu mua lên 62.000 đồng/kg và 65.000 đồng/kg, tăng thêm 1.000 - 2.000 đồng/kg. 

Tương tự, mức giá được ghi nhận tại Đồng Nai và Đồng Tháp sau khi tăng 4.000 đồng/kg lần lượt là 64.000 đồng/kg và 66.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi khu vực miền Nam hôm nay dao động trong khoảng 62.000 - 70.000 đồng/kg.

Loại chuối lạ thành đặc sản giá 60.000 đồng/kg

Ở vùng Tây Nam Bộ, đặc biệt là tỉnh Bến Tre có một loại chuối vô cùng lạ lẫm, đó là chuối sáp. Quả chuối sáp bằng 2-3 ngón tay chụm lại, có góc cạnh. Khi chín, vỏ có màu vàng sẫm

Chuối sáp không ăn sống trực tiếp như những loại chuối khác mà phải luộc, nướng, hoặc chế biến thành các món chè

Có 2 loại chuối sáp: chuối sáp trắng và chuối sáp nghệ, phân biệt qua màu của ruột quả

Khi luộc, hoặc nướng lên bên trong ruột vàng óng như nghệ, có mật ăn rất ngọt và dẻo quánh như sáp, hương vị thơm, ngọt đậm đà

Chuối để chế biến phải chớm chín, vỏ ngả màu vàng. Nếu trước đây, loại chuối lạ này không ai ngó ngàng thì bây giờ nó thành đặc sản rất đắt hàng

 Mấy năm gần đây, người dân Tây Nam Bộ thi nhau trồng để tăng thêm thu nhập. Trên chợ mạng, chuối sáp được bán với giá từ 40.000-60.000 đồng/kg, nếu mua theo combo thì giá rẻ hơn

Vì tò mò, nhiều người mua chuối sáp về ăn thử và mê mẩn thứ quả này vì hương vị thơm, ngọt đậm đà.

Công khai xuất xứ, trái cây Trung Quốc thôi 'mượn mác'

Trước kia, các loại trái cây Trung Quốc ra đến chợ truyền thống hay xuất hiện trên các tuyến phố đều “núp bóng” đặc sản Việt Nam, hay “khoác mác” hàng Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Nguyên nhân một phần là bởi người tiêu dùng Việt e ngại chất lượng hàng Trung Quốc.

Đến nay, rau quả, trái cây Trung Quốc vẫn ồ ạt về chợ Việt, số lượng ngày càng tăng. Theo thống kê, tính đến hết tháng 7/2022, giá trị nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc lên tới gần 400 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều loại trái cây Trung Quốc như đào, mận, dưa lưới, lựu, táo, nho,... được các xe tải lớn nhỏ ùn ùn chở về các chợ đầu mối ở Hà Nội. Hoạt động buôn bán diễn ra tấp nập. Các mối sỉ có người chỉ lấy vài rành hàng, cũng có người lấy vài chục rành, thậm chí cả trăm rành trái cây Trung Quốc đưa về chợ hoặc cửa hàng của mình để bán lẻ.

Ở các chợ đầu mối online, hoạt động mua bán trái cây Trung Quốc diễn ra càng nhộn nhịp hơn. Chị Thuý Quỳnh - đầu mối đổ sỉ trái cây ở Lào Cai và Hà Nội, rao bán 2.000 thùng đào Bắc Kinh. Song, chỉ sau nửa ngày đã hết hàng.

Gần đây, trên thị trường bán lẻ, các mẩu quảng cáo đào tiên Bắc Kinh, nho sữa Vân Nam, hồng táo tàu,... xuất hiện tràn ngập mạng xã hội. Chủ hàng sau khi công khai thừa nhận nguồn gốc xuất xứ còn giới thiệu tường tận tới cả vùng trồng cũng như chất lượng sản phẩm của nước bạn - khác hoàn toàn với cách bán hàng trước đây

Vừa đặt mua một thùng nho sữa Vân Nam với giá 350.000 đồng/thùng 2 chùm trọng lượng nặng gần 3kg, chị Văn Ngọc Bích ở Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) thừa nhận, trước kia chị không hay mua trái cây Trung Quốc vì không tin vào chất lượng. Mỗi lần đi mua, chị đều hỏi rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Nhưng gần một năm lại đây, chị thấy người bán bắt đầu quảng cáo trái cây Trung Quốc công khai trên chợ mạng, nói rõ về vùng trồng, sản phẩm lại bắt mắt, mới lạ, được đóng hộp đẹp. Mua về ăn thấy ngon nên lâu dần, chị thường xuyên mua các loại trái cây Trung Quốc.

Hương Trà/ KTDU

Từ khóa: