Nhiều mặt hàng đồ khô như bánh kẹo, hạt hướng dương …tăng giá mạnh từ 10 – 50% so với năm ngoái khiến người tiêu dùng méo mặt khi phải đón thêm 1 cái Tết “đắt đỏ” nữa.
Nhiều mặt hàng đồ khô như bánh kẹo, hạt hướng dương …tăng giá mạnh từ 10 – 50% so với năm ngoái khiến người tiêu dùng méo mặt khi phải đón thêm 1 cái Tết “đắt đỏ” nữa.
Nhiều loại đồ uống, bánh kẹo đồng loạt tăng giá Nhiều loại đồ uống, bánh kẹo đồng loạt tăng giá
Theo khảo sát của PV, tại nhiều siêu thị, các đại lý bánh kẹo và các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội như siêu thị Big C, Hapromart, đại lý bánh kẹo Hữu Nghị, Kinh Đô, chợ Cầu Giấy, chợ Đồng Xuân …, nhiều mặt hàng đồ khô đều tăng giá đến chóng mặt so với thời điểm cách đây vài tháng, đặc biệt so với năm ngoái.
Một nhân viên bán hàng cho hay, số lượng người mua giảm rõ rệt so với năm ngoái
Cụ thể, loại kẹo bắp râu đỏ có giá khoảng 100 – 110 nghìn đồng/kg, mứt gừng 185 – 200 nghìn/kg, mứt dừa vị dâu, dứa, sữa có giá 195 – 210 nghìn/kg, hạt hướng dương 100 nghìn/kg, hạt dưa lớn (không màu) 150 nghìn/kg, hạt dưa nhỏ (không màu) 145 nghìn/kg, hạt bí 200 nghìn/kg, hạt đậu nành sấy 190 – 200 nghìn/kg, hạt dẻ ngon 290 nghìn/kg, nho khô (loại lớn) 220 – 250 nghìn/kg, rau câu trái cây 140 – 150 nghìn/kg, mứt bí 110 nghìn/kg, mứt khoai lang 100 nghìn/kg, mứt gừng dẻo 100 nghìn/kg, mứt mãng cầu sấy 210 nghìn/kg, mứt me thái sấy cay 210 nghìn/kg, kẹo mè trắng, đậu phộng, mè đen 140 nghìn/kg, hạt đậu Hà Lan 220 nghìn/kg, mứt Hà Nội 33 nghìn/hộp, mứt Sen Trần 43 nghìn/hộp …
"Đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành"
So với năm ngoái, giá các mặt hàng kể trên đã tăng đáng kể từ 10 – 30%. Chị Hương, một người đang chọn mua đồ tại siêu thị Fivimart (Hà Nội) cho biết: “Nhà tôi có hai cháu nhỏ nên Tết kiểu gì cũng phải mua ít kẹo bánh cho các cháu tiếp bạn hoặc sử dụng. Thế nhưng dạo một vòng quanh siêu thị, thấy cái gì cũng tăng giá khủng khiếp so với mọi năm nên chưa biết chọn mua gì. Năm nay thưởng Tết của vợ chồng tôi đều thấp nên nếu chi tiêu không cẩn thận, đúng mực thì có mà mất Tết”.
Hướng dương có giá khoảng 85 - 100 nghìn/kg
Tại một đại lý nhỏ chuyên bán bánh kẹo, bia rượu ở Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội), qua tìm hiểu, được biết giá mỗi thùng bia Hà Nội ở đây là 194 nghìn trong khi bia Halida có giá 190 nghìn/thùng, bia Đại Việt 175 nghìn/thùng, rượu Vodka loại 300 ml có giá 32 nghìn, loại 750 ml có giá 67 – 70 nghìn, rượu Hà Nội có giá 60 nghìn đồng/chai 2 lít, rượu vang nho 28 nghìn/hộp…
Anh Hiển, chủ đại lý này cho hay, tính tới thời điểm hiện tại, lượng khách tới sắm đồ Tết tại cửa hàng anh còn “thưa thớt” hơn rất nhiều so với cùng kì năm ngoái.
“Một phần cũng là do giá cả leo thang, phần khác là do dân mình bây giờ thắt chặt chi tiêu hơn trước, nhất là trong thời bão giá như hiện nay”, anh Hiển nói thêm.
Trong khi đó, tại một đại lý phân phối các sản phẩm của Công ty Cổ phần thực phẩm Hữu Nghị trên đường Lạc Trung (Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhân viên bán hàng ở đây cho biết, so với năm ngoái, nhiều mặt hàng của công ty vẫn không đổi về giá.
“Tuy nhiên, cũng có những mặt hàng tăng giá khoảng 50% do chi phí sản xuất tăng cao, giá nguyên liệu đắt đỏ trong khi nhu cầu của người dân vẫn rất lớn. Các giỏ quà tết hiện tại ế ẩm hơn so với cùng kì năm ngoái”, nhân viên này tiết lộ.
Trên bảng báo giá của đại lý này có ghi rõ: bánh quy vani trứng loại 240g có giá 11 nghìn/gói, bánh quy bơ sữa 300g giá 14 nghìn/gói, bánh trứng nướng TIPO 330g giá 42 nghìn/gói, bánh hộp sắt HS Romantic loại 310g giá 80 nghìn/hộp, bánh hộp sắt HS Gorgeous loại 350g giá 90 nghìn/hộp, các giỏ quà thường có giá từ 150 – 550 nghìn/giỏ (tuỳ theo yêu cầu của khách hàng)…
Nhiều mặt hàng tăng giá tới 50%
Nếu như hàng khô tăng từ 10 – 50% thì giá các loại bánh kẹo chỉ tăng từ 5 – 10% trong khi giá sữa tăng từ 7 – 10%.
Theo thông tin từ Sở Công thương Hà Nội, hiện nay 78 siêu thị và 16 Trung tâm thương mại của Hà Nội đã tập kết 80% lượng hàng Tết, hàng tươi sống còn ký gửi trong dân và chúng sẽ được tung ra vào những ngày cận Tết để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Hiệp hội siêu thị Hà Nội đánh giá, sức tiêu thụ hàng Tết năm nay tăng khoảng 12%, thấp hơn so với Tết 2011.
Sẽ còn “thắt chặt chi tiêu” hơn nữa?
Trả lời câu hỏi của PV về việc trong năm 2012, liệu người dân có thắt chặt hầu bao hơn hay không, ông Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định: "Chắc chắn là họ sẽ thắt chặt vì kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, lạm phát vẫn là mục tiêu, các chính sách tiền tệ, tài khoá vẫn thắt chặt thì thu nhập của người dân nhìn chung còn thấp dù có tăng lương đôi chút đi chăng nữa. Cho nên họ vẫn phải thắt lưng buộc bụng trong năm tới".
Người dân sẽ thắt chặt hầu bao trong Tết này?
Một điều dễ nhận thấy là trong năm 2011 vừa qua, mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng vẫn có một bộ phận không nhỏ người dân tiêu tiền như nước. Những mặt hàng xa xỉ vẫn bán chạy. Các loại phí đăng ký mới ô tô tăng quá cao, nhưng dân vẫn không ngán. Những nhà hàng sang trọng vẫn đông nghẹt thực khách. Các quán bia hơi dường như càng lúc càng đông hơn. Trong khi đó, dân Mỹ và người châu Âu ngày càng thắt chặt hầu bao. Phải chăng dân ta giàu hơn người Mỹ, người châu Âu hay một bộ phận người dân đang "điếc không sợ súng"?
Nhận xét về xu hướng này, ông Kiêm nói: "Không phải dân ta giàu hơn so với các nước châu Âu. Tức là có một số người có mức thu nhập cao nhưng ý thức về tiêu dùng và quan điểm tiêu dùng lại không đúng. Cái thứ 2 nữa là có một số nguồn thu nhập không chính đáng, thu nhập bất hợp pháp, đến quá nhanh và dễ dàng nên người ta tiêu tiền không biết tiếc. Nhưng nếu họ kiếm tiền bằng mồ hôi, công sức, trí tuệ của họ thì họ sẽ biết tiêu ở đâu, và làm gì để sử dụng thành quả lao động một cách tốt nhất. Còn những kẻ thường tiêu tiền xả láng, tiêu vô tội vạ thì một là ý thức, nhận thức, quan điểm của họ chưa đúng, hai là nguồn thu nhập đó không hợp lý".
Theo VTC News