Bỏ nghề rau đi buôn nông sản
Theo Dư địa chí Bắc Ninh, Khu dân cư Hòa Đình hiện nay trước kia được gọi là làng Nhồi, phần đa dân của làng sống bằng nghề nông, sản xuất kinh doanh rau màu. Đây là địa phương nổi tiếng cung cấp rau và các giống cây rau cho tỉnh Bắc Ninh và các vùng phụ cận. Kể từ khi Thị xã Bắc Ninh được nâng cấp lên TP. Bắc Ninh thì dân Hòa Đình cũng được lên làm công dân của phường. Với mức đô thị hóa nhanh, hiện phường Hòa Đình chỉ còn 70 ha đất nông nghiệp. Diện tích trồng trọt bị thu hẹp. Nhìn lại nghề rau truyền thống có bề dày nhiều năm, song trong Khu dân cư Hòa Đình chẳng có ai giàu lên từ rau, từ ruộng. Vốn là vùng dân cư năng động, một số người dân Hòa Đình đã tìm lên biên giới Lạng Sơn rồi sang Trung Quốc tìm hiểu nông sản để nhập khẩu tiêu thụ. Phát hiện thấy nông sản Tàu có những loại rẻ tới… giật mình và họ có thể bán với một số lượng rất lớn lại ổn định. Một số người đã mạnh dạn nhập khẩu thử vài ô tô tải khoai tây, hành khô, tỏi khô… về đến Bắc Ninh đổ xuống, các đầu mối lẻ tiêu hết vèo trong một đêm! Thế là một số người gom tiền cùng nhau mua ô tô tải, người không có tiền nhiều thì thuê ô tô vượt cửa khẩu sang gom nông sản Tàu. Từ một vài gia đình làm, rồi các anh em họ hàng của họ cũng làm theo. Cứ với cách làm nhân rộng trong làng như vậy, hiện nay Hòa Đình có trên 20 đại gia về nông sản. Đó là chưa kể tới những hộ kinh doanh bậc trung và buôn bán nhỏ lẻ khác.
Trao đổi với PV Báo Thanh tra, một chủ vựa ở Hòa Đình tiết lộ: Nguồn nông sản khô của Tàu ổn định cả bốn mùa, chỉ có rau, quả tươi là theo mùa. Chúng tôi thiên về nông sản khô. Giá nhập hành khô 6.000đ/kg, hành tây 3.000 - 5.000đ/kg, tỏi 6.000 - 7.000đ/kg, khoai tây 3.000 - 9.000đ/kg… Giá nông sản chênh lệch phụ thuộc vào xuất xứ từ địa phương. Cùng là khoai tây nhưng có địa phương cho sản phẩm ngon, mẫu mã đẹp nhưng cũng có địa phương cho mẫu mã, chất lượng kém hơn.
Một chủ vựa ở chợ Long Biên Hà Nội cho biết: Hành, tỏi, khoai tây, cà chua Trung Quốc to hơn của mình cùng loại. Vì vậy, các đầu nậu chỉ nhập hàng Trung Quốc về những thứ có kích cỡ tương đương với khoai tây, hành, tỏi Việt Nam để dễ trà trộn và che mắt người tiêu dùng.
Theo phản ánh của người dân Võ Cường, hàng đêm có hàng chục xe tải với khối lượng lên đến hàng trăm tấn nông sản được chuyển về, rồi lại được chuyển đi tiêu thụ. Làng Hòa Đình đã đổi nghề từ năm 2003 đến nay. Hiện trong làng có nhiều tỷ phú thu nhập mỗi năm vài tỷ đồng, các hộ bình thường cũng đạt tới vài trăm triệu đồng. Hòa Đình bây giờ làng đã lên phố.
Báo động đỏ chất lượng nông sản
Hành, tỏi, khoai tây, cà chua rẻ như vậy nhưng dạo khắp các chợ Hòa Đình, chợ Thị Cầu, chợ Đọ (TP. Bắc Ninh),… rất hiếm các quầy hàng bán nông sản Tàu. Đặc biệt, những người dân Hòa Đình, một củ khoai tây, hành tây, tỏi Tàu cũng không thể tìm thấy trong bếp ăn của họ! Điều đó cũng giúp ta hiểu được phần nào sự băn khoăn về nguồn gốc nông sản sạch. Trong khi mỗi đêm, hàng trăm tấn nông sản được tập kết về đây rồi lại chuyển đi tiêu thụ ở Hà Nội, Hải Dương, vượt phương Nam vào tận Sài Gòn rồi lên cả Lâm Đồng, khoai tây được nhuộm màu đất của cao nguyên cho giống khoai tây bản địa rồi đem bán khắp các chợ Đà Lạt!
Theo một lãnh đạo của phường Võ Cường, địa phương chỉ quản họ về an ninh trật tự khi xe đến, xe đi để không gây ồn ào cho người dân, còn chất lượng nông sản không thuộc chức năng kiểm tra.
Một cán bộ của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Bắc Ninh cho biết, nếu xét theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thì các cơ sở kinh doanh ở đây đều chưa đạt tiêu chí an toàn thực phẩm mà Bộ quy định.
Ngoài nông sản khô, các loại rau, hoa quả tươi cũng được các đầu nậu Hòa Đình nhập về và phân phối rộng khắp.
Thông điệp vô cùng quan trọng gửi đến cơ quan chức năng là: Các loại rau, củ, quả phải chịu một phần thuế nhập khẩu, lại phải cộng thêm chi phí vận chuyển đường dài từ Trung Quốc về đến Bắc Ninh và thêm một số phụ phí khác. Thế nhưng, giá bán các loại mặt hàng này tại Bắc Ninh lại rẻ hơn nhiều so với các mặt hàng cùng loại được trồng tại chỗ Bắc Ninh mà lại không phải cộng các chi phí vận chuyển, thuế… Nguyên nhân do đâu? Phải chăng bên họ đã tạo được một năng suất cao hơn bên mình do sử dụng các loại thuốc kích thích sinh trưởng, biến đổi gen, thuốc bảo vệ thực vật mới có được giá thành thấp như vậy. Vì sức khỏe cộng đồng, cho nên công tác kiểm định nguồn gốc nông sản là vô cùng quan trọng. Trong lúc nội địa chưa đủ đáp ứng nhu cầu về nông sản, thì việc cho phép nhập khẩu là điều đáng làm. Song công tác kiểm định một cách chính xác, trung thực lại là việc phải luôn luôn duy trì. Với Hòa Đình, từ một làng rau truyền thống giờ đã phất lên nhờ đổi sang nghề buôn nông sản Tàu cũng là điều đáng mừng. Nhưng điều mà nhiều người mong muốn là kinh doanh phải trọng chữ “tâm”, nếu vì siêu lợi nhuận mà xem thường sức khỏe của người dân thì cần nghiêm túc xem xét lại bởi trong cái “phúc” có “họa”.
Thế Lữ
theo Thanh tra