Tính đến hết tháng 9/2018, có khoảng trên 01 triệu tỷ đồng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đang lưu thông trong nền kinh tế.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 9/2018, tổng phương tiện thanh toán đạt mức 8,933 triệu tỷ đồng, so với tháng 01/2018 là 8,192 triệu tỷ đồng, tổng phương tiện thanh toán đã tăng 9,04% so với cuối năm 2017, tương ứng tăng 741.000 tỷ đồng.
Nếu tính trong vòng 12 tháng kể từ tháng 10/2017, tổng phương tiện thanh toán đã tăng 1,032 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng 13%.
Trong tổng phương tiện thanh toán, tiền gửi của dân cư và tiền gửi của tổ chức kinh tế tại các ngân hàng thương mại luôn chiếm tỷ trọng từ 80-85%.
Điều đáng chú ý là tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán tuy giảm, nhưng con số tuyệt đối lại gia tăng, tương ứng tổng phương tiện thanh toán tăng lên.
Theo thống kê từ NHNN, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán kể từ đầu năm nay đến hết quý III/2018 cho thấy có sự gia tăng mạnh trong quý I/2018, điều này cũng tương ứng với chu kỳ của nền kinh tế trong năm, đó là Tết Dương lịch và Nguyên Đán, nhu cầu tiền mặt tăng mạnh nhất.
Cụ thể, tháng 01/2018, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức 12,7% (tháng 01/2017 là 14,6%), tương ứng 1,055 triệu tỷ đồng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế. Tháng 02/2018, tỷ trọng tiền mặt lưu thông tăng vọt lên 13,3%, tương ứng 1,116 triệu tỷ đồng, đây là tháng cao nhất tính đến quý III/2018.
Tỷ trọng tiền mặt vẫn duy trì tốc độ tăng cao những tháng tiếp theo và kéo sang hết quý II/2018 khi vẫn duy trì ở mức 12%.
Tỷ trọng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế giảm dần trong quý III/2018, đến tháng 9/2018 chỉ còn 11,49%, bằng với cùng kỳ năm 2017 là 11,47%.
Tuy nhiên, dù tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán tháng 9/2018 (11,49%) đã giảm so với tháng 12/2017 (11,9%), nhưng lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế lại tăng lên về số tuyệt đối và đạt 1,026 triệu tỷ đồng tháng 9/2018 so với mức 978.000 tỷ đồng của tháng 12/2017.
Con số trên 01 triệu tỷ đồng tiền mặt lưu thông được duy trì từ tháng 01/2018 đến hết tháng 9/2018 do tổng phương tiện thanh toán tăng lên, cao hơn so với năm 2017.
Như vậy, con số tiền mặt lưu thông tháng 9/2018 là 1,026 triệu tỷ đồng, với dân số 94 triệu người, bình quân mỗi người dân Việt Nam nắm giữ 10,64 triệu đồng tiền mặt.
Một trong những nhiệm vụ nặng nề của ngành ngân hàng là đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS để đến cuối năm 2020, tỷ trọng này ở dưới mức 10% và đến cuối năm 2025 còn 8%, đây là mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 986 (08/8/2018) về "Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Lan Anh
Theo BizLIVE