“Bắt bài” lách thuế và huy động vốn của doanh nghiệp địa ốc; Đô thị thông minh: Không thể sao chép nguyên mô hình của thành phố khác; Nhà đầu tư vẫn ung dung sau quyết định tạm dừng Luật Đặc khu?; Quỹ đất hàng nghìn m2 vào tầm ngắm Công ty Sao Vàng;... là một số tin tức nổi bật trên thị trường bất động sản 24h qua.
Đô thị thông minh: Không thể sao chép nguyên mô hình của thành phố khác
Trước câu hỏi xây dựng đô thị thông minh của Việt Nam có thể áp dụng mô hình đô thị thông minh của Singapore hay không? Ông Larry Ng Giám đốc phát triển kiến trúc và thiết kế đô thị, Cục Tái thiết phát triển đô thị (URA) Singapore, thẳng thắn cho hay: "Phát triển đô thị thông minh không thể sao chép nguyên xi của thành phố này sang thành phố khác, của đất nước này sang đất nước khác vì mỗi đất nước có điều kiện, môi trường, văn hóa khác nhau".
Ông Larry Ng cho hay, Singapore là một trong những quốc gia tiên phong trong ứng dụng giải pháp đô thị thông minh và đã đạt được nhiều thành tựu. Năm 1960, các khu nhà của Singapore đều mang đậm chất nông thôn nhưng hiện nay đã hoàn toàn khác, các tòa nhà, khu nhà đã là công trình kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữ được văn hóa cổ xưa của Singapore, gần gũi với thiên nhiên và có sự kết nối giữa các công trình với nhau rất cao, tạo sự thuận lợi cho mọi hoạt động của cộng đồng.
Trong khi đó, nói về đô thị của Việt Nam ông Trần Quốc Thái - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, đô thị của chúng ta mặc dù đã được cải thiện hơn cả về chất và lượng, tuy nhiên hiện còn tồn tại, hạn chế. Đó là chất lượng tăng trưởng chưa cao; hệ thống hạ tầng chưa tương xứng với tốc độ phát triển; triển khai đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải; khả năng ứng phó biến đổi khí hậu của các đô thị chưa cao; quản lý phát triển đô thị chưa hiệu quả.
“Bắt bài” lách thuế và huy động vốn của doanh nghiệp địa ốc
Thị trường bất động sản đang nảy sinh nhiều phức tạp mà cơ quan quản lý nhà nước chưa có biện pháp điều chỉnh. Trong đó, nổi lên là tình trạng doanh nghiệp địa ốc dùng chiêu đứng tên người khác bán sản phẩm để lách thuế thu nhập doanh nghiệp và huy động vốn bằng hợp đồng đặt cọc khi dự án chưa đủ điều kiện mở bán.
Ảnh minh họa
Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, đây là chiêu của doanh nghiệp địa ốc. Khi bán hàng, doanh nghiệp quảng cáo là chủ đầu tư, nhưng khi ký hợp đồng với khách lại là mua sản phẩm từ người khác, thực chất của vấn đề là chủ đầu tư đang lách luật thuế.
Cụ thể, luật sư Phượng phân tích, nếu doanh nghiệp bán hàng cho khách thì phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, nhưng khi cá nhân bán lại hàng thì chỉ đóng thuế thu nhập cá nhân 2%. Vậy là, chủ đầu tư sẽ làm hợp đồng bán các lô sản phẩm tại dự án với giá rất thấp cho người của doanh nghiệp đứng tên, để đóng thuế thu nhập doanh nghiệp thấp đi. Sau đó, số người đứng tên này sẽ làm hợp đồng ủy quyền cho doanh nghiệp bán lại sản phẩm cho khách hàng để chỉ phải đóng 2% thuế thu nhập cá nhân (tất nhiên, giá bán khi đó sẽ theo giá thị trường).
Công bố loạt dự án bất động sản được “gửi gắm” tại ngân hàng
Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã công bố nhiều dự án bất động sản hiện đã thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với đất cho ngân hàng.
Theo đó, đơn vị này xác nhận có gần 30 dự án bất động sản đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai. Trong đó, nhiều dự án đã thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với đất cho ngân hàng.
Đó là các dự án The Western Capital (số 116 Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6), do Công ty TNHH Quản lý Bất động sản Hoàng Phúc là chủ đầu tư, đang được thế chấp cho Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng.
Dự án Jamona Heights địa chỉ số 16/9 đường Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận Đông, quận 7, do Công ty Cổ phần May Tiến Phát là chủ đầu tư, đang được thế chấp cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông - Chi nhánh TP.HCM. Và nhiều dự án khác
Ảnh minh họa
Nhà đầu tư vẫn ung dung sau quyết định tạm dừng Luật Đặc khu?
Quyết định lùi thời hạn thông qua đặc khu kinh tế tương lai đã khiến không ít người e ngại về nhưng hệ lụy tiêu cực sẽ xảy ra với thị trường bất động sản ba khu vực Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Thế nhưng, trả lời cho những lăn tăn về "số phận" của thị trường bất động sản 3 đặc khu tương lai sau quyết định của Chính phủ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Hùng Võ khẳng định trên Cafef: "Hoàn toàn sẽ không có chuyện thị trường bất động sản đặc khu đổ vỡ sau quyết định này. Bởi thành lập các đặc khu chỉ là việc sớm hay muộn".
Thay vì tâm lý hoang mang, nhiều nhà đầu tư tại các đặc khu kinh tế tương lai vẫn tỏ ra ung dung và tự tin với quyết định đầu tư của mình.
Nhận định về diễn biến thị trường bất động sản, ông Đặng Đức Giới, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Đặc khu cho rằng: “Tôi nghĩ hệ lụy với các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản là rất lớn, nhưng điều này chỉ xảy ra với các nhà đầu tư có chủ trương ngắn hạn, “ăn xổi”. Những nhà đầu tư lớn, những người có tâm, thực sự muốn kinh doanh chân chính sẽ tiếp tục nuôi kỳ vọng vào sự bứt phá của các đặc khu kinh tế tương lai”.
TP.HCM thu hồi hơn 1ha "đất vàng" tại quận 7
UBND TP.HCM vừa ký quyết định thu hồi khu đất có diện tích 11.644m2 đất nằm trên bản đồ địa chính tại phường Tân Kiểng, quận 7, tại địa chỉ 37/5 đường Bế Văn Cấm do vi phạm pháp luật đất đai.
UBND TP HCM cho biết, khu đất do Công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp II được thành phố cấp sử dụng từ tháng 3/1986 để mở rộng kho. Sau đó, vào tháng 8/1987 khu đất này đã được cho Công ty TNHH sản xuất thương mại Đức Thành thuê lại nhà xưởng, nằm trong diện phải thu hồi theo Luật Đất đai năm 2013 và hiện vẫn chưa thu hồi được.
UBND TP HCM giao cho Chủ tịch UBND phường Tân Kiểng, quận 7 thông báo quyết định thu hồi khu đất cho người đại diện pháp lý của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đức Thành và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp II.
Theo Reatimes