Sự kiện hot
4 năm trước

Bất động sản Bình Dương có sốt như người ta vẫn tưởng?

Dự án đã bán từ lâu nhưng không có “hơi người” đang dần bị hoang hoá, lãnh đạo công ty địa ốc bị bắt tạm giam vì bán dự án “ma”, khách hàng mua sản phẩm của dự án liên tục dính tranh chấp, kiện tụng… là những bức tranh “màu tối” đang diễn ra tại thị trường bất động sản Bình Dương.

Trắng tay vì tin lời “mật ngọt”

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản ở Bình Dương trở nên nhộn nhịp hơn lúc nào hết. Hàng loạt dự án khu đô thị, dân cư mọc như nấm sau mưa. Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, do dòng tiền tích luỹ trong dân còn nhiều nên nhiều người có quan niệm đầu tư vào đất là an toàn và sinh lời khiến thị trường trở nên sôi động.

Biết được tâm lý này, rất nhiều công ty bất động sản được hình thành rồi “đua nhau” mở dự án. Thế nhưng, thay vì làm ăn chân chính thì nhiều công ty địa ốc tại đây luôn sử dụng chiêu trò để “giăng bẫy” nhà đầu tư khi bán các dự án khi chưa có pháp lý, đang trong giai đoạn xin phép. Thậm chí, có đơn vị còn lập dự án “ma” khi khu đất thuộc quyền sở hữu của người dân để nhận tiền, khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra thì khách hàng mới “tá hoả” rằng mình bị lừa, khả năng đòi lại tiền mong manh hơn bao giờ hết.

Đơn cử, vào cuối tháng 2/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Thanh Hùng (26 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Bình Dương Cityland) và Hoàng Anh Vui (26 tuổi, Giám đốc pháp lý Công ty Bình Dương Cityland) để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, thông qua việc bán đất nền tại các dự án thuộc huyện Phú Giáo và Bàu Bàng, Công ty Bình Dương City Land đã thu tiền của hàng trăm khách hàng. Đáng nói, các dự án mà công ty này rao bán, nhận tiền từ khách hàng chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Những khu đất công ty rao bán hiện chỉ là bãi đất trống thuộc sở hữu của một người dân.

Đầu năm 2020, sau hơn 2 năm bỏ tiền mua đất nhưng không có đất để giao, hàng trăm khách hàng kéo đến trụ sở công ty Bình Dương City Land ở phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương đòi lại tiền. Cùng với đó, cơ quan chức năng nhận được nhiều đơn tố cáo của người dân.

Sau khi vào cuộc điều tra, đến nay công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 lãnh đạo công ty Bình Dương City Land. Đồng thời, công an thực hiện lệnh khám xét nơi ở và làm việc của các đối tượng.

Nguyễn Thanh Hùng (trái) và Hoàng Anh Vui (phải) bị bắt giữ cuối tháng 2/2020. Ảnh: CACC
Nguyễn Thanh Hùng (bên trái) và Hoàng Anh Vui (thứ hai từ trái sang) bị bắt giữ cuối tháng 2/2020. Ảnh: CACC

Cũng xảy ra tình trạng “cười ra nước mắt” tương tự, mới đây hàng chục khách hàng kéo đến trụ sở Công ty TNHH TM-DV Bất động sản Kim Đại Phát (Công ty Kim Đại Phát) có trụ sở tại TP Dĩ An, Bình Dương đề nghị doanh nghiệp này trả lại tiền.

Họ cho rằng, Công ty Kim Đại Phát vẽ dự án “ma” tại phường Tân Định (Thị xã Bến Cát) để lừa đảo khách hàng, nhận tiền nhưng không có đất để giao. Công ty hứa hẹn nhiều lần, qua nhiều năm nhưng rồi thất hứa không giao đất cũng không trả lại tiền. Những người mua đất trở nên hoang mang và rơi vào tình trạng vỡ nợ vì vay tiền mua đất phải ngồi trả lãi ngân hàng.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương, trên đại bàn phường Tân Định không có dự án nào do Công ty Kim Đại Phát làm chủ đầu tư hay đơn vị phân phối.

Một chuyên gia bất động sản tại TP.HCM cho biết, nắm bắt được thực trạng quỹ đất tại TP.HCM ngày càng teo tóp, nhiều doanh nghiệp địa ốc mọc lên như nấm sau mưa ở Bình Dương rồi thành lập dự án.

“Chính điều này đã khiến thị trường bất động sản ở đây trở nên bát nháo, tình trạng rao bán dự án “ma” xuất hiện ngày càng dày đặc. Các đối tượng dùng nhiều chiêu trò hòng dụ những khách hàng tay mơ, tin vào những lời "mật ngọt chết ruồi". Từ những cái bẫy giăng sẵn này, thời gian qua ở Bình Dương có không ít nhà đầu tư đã rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”. Thay vì xuống tiền tại Bình Dương, nhiều nhà đầu tư đang dần chuyển sang đầu tư các dự án tại thị trường Long An, Đồng Nai”, vị này chia sẻ.

Nhiều dự án không bóng người

Sự trở lại của cơn sốt bất động sản Bình Dương thời gian gần đây đang được cho là một dấu hiệu đáng mừng trước thực trạng đóng băng của bất động sản TP.HCM. Trong khi quỹ đất ở khu vực trung tâm Bình Dương ngày càng teo tóp, không ít doanh nghiệp địa ốc bắt đầu triển khai dự án ra “vùng trũng” như huyện Bầu Bàng, Bắc Tân Uyên, Bến Cát, thành phố mới Bình Dương… song vì các vấn đề như địa lý, không đảm bảo các tiện ích của cuộc sống nên nhiều dự án bán ra vẫn không có người ở.

Điển hình như dự án Ecolakes Mỹ Phước (phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát), dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 226 ha với số vốn hàng trăm triệu USD được xem là một trong những dự án đình đám nhất bấy giờ ở Bình Dương.

Nhiều
Nhiều ngôi biệt thự liền kề tại dự án Ecolakes Mỹ Phước không một bóng người đang dần hoang hoá (Ảnh: TT)

Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, đã hơn 10 năm dự án đi vào hoạt động và hoàn thành cơ bản thế nhưng dự án này vẫn còn thiếu vắng bóng người về ở. Không khó để có thể bắt gặp hình ảnh những ngôi biệt thự liền kề bỏ hoang. Xung quanh cỏ dại mọc um tùm để có thể thấy được sự hoang lạnh ở khu đất từng nổi lên một thời. Nhiều căn hộ đã xuống cấp do không có người vào ở, mặc dù có căn muốn cho thuê thế nhưng cũng rất khó để tìm được người có nhu cầu.

Hay tại trung tâm phường Phú Hoà (TP. Thủ Dầu Một), nơi luôn được coi là một khu vực đầu tư “có sức thu hút lớn” đối với nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư. Thế nhưng không ít các khu đô thị mọc lên rồi lại bỗng chốc biến thành những khu nhà đang dần hoang hoá do không có người ở mặc dù đã được đầu tư khá bài bản.

Nhiều dãy nhà phố tại phường
Nhiều dãy nhà phố tại phường Phú Hoà (sát bên toà nhà hành chính tỉnh Bình Dương) không có người ở. (Ảnh: VĐ)

Không chỉ riêng nhà phố, nhiều dự án đất nền tại huyện Bàu Bàng mặc dù được rót vốn đầu tư kĩ lưỡng từng hệ thống cảnh quan môi trường, cơ sở vật chất hạ tầng đảm bảo. Với mong muốn biến nơi đây trở thành một khu đô thị kiểu mới trong tương lai. Sau một thời gian bắt tay vào triển khai, nhiều dự án đến nay lại để cỏ mọc, không có người ở

Phó Tổng giám đốc một công ty bất động sản tại Bình Dương cho biết, một nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng dự án không có người ở, mặc dù trước đó chủ đầu tư bung hàng ra là liên tục bán hết là do vị trí nằm quá xa trung tâm thành phố, hệ thống giao thông kết nối kém, không đảm bảo các tiện ích của cuộc sống như trường học, siêu thị, bệnh viện…

“Ngoài ra, việc chính quyền địa phương để các chủ đầu tư phát triển quỹ đất mạnh trong thời gian thị trường nóng sốt đã đẩy các dự án phân lô, bán nền lên giá rất cao. Với mức giá cao như vậy, chỉ giới đầu tư mới có thể mua được đất nền, chứ không dành cho người dân có nhu cầu ở thực”, vị này nói.

Văn Đức

Theo DNVN

Từ khóa: