Sự kiện hot
3 năm trước

Bất động sản chững lại, sốt đất vẫn xảy ra tại một số nơi?

Ế ẩm, thanh khoản yếu, trầm lắng,… là những gì đang diễn ra trên thị trường bất động sản. Theo Hội môi giới, cơn sốt đất hiện nay cũng chỉ xảy ra cục bộ tại một số địa phương với biên độ giá dần thu hẹp.

Cơn sốt đất nền đã qua vùng đỉnh. (Ảnh: H.L).

Cuối năm 2021, đầu năm 2022, khi hàng rào phong tỏa dần được gỡ bỏ, cũng là lúc sốt đất xảy ra rầm rộ trên quy mô cả nước. Hầu hết các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Phòng, Lâm Đồng, Đồng Nai, Đà Nẵng, Phan Thiết,... đều xảy ra sốt đất ở nhiều mức độ khác nhau.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), nguyên nhân là do dịch COVID-19 đã khiến mọi ngành nghề sản xuất kinh doanh và dịch vụ trên cả nước lâm vào khó khăn khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lao động bỏ việc, lưu chuyển hàng hóa bị đình trệ, sức mua giảm sút.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nguồn tiền rẻ - kết quả của chính sách mở rộng tín dụng, giảm lãi suất thì chứng khoán và bất động sản là hai kênh đầu tư được quan tâm lựa chọn, gần như tách rời hẳn với các hoạt động kinh doanh thực tế.

Lo ngại lạm phát trên phạm vi toàn cầu khi cuộc chiến Nga - Ukraine ngày cảng trở nên căng thẳng cũng thúc đẩy các cá nhân, hộ gia đình mua tài sản bất động sản để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, lợi dụng quy luật tăng giá hiển nhiên của đất đai với vai trò là một yếu tố sản xuất cơ bản, nhiều cá nhân, tổ chức nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, nhà đầu tư tung ra nhiều thông tin không chính xác về quy hoạch, góp phần “thổi giá” đất đai, thu lợi nhuận khổng lồ.

Chưa kể các thủ thuật chào bán đánh vào tâm lý đám đông, hội chứng “FOMO” - sợ bị đứng ngoài cuộc – khiến giá đất nhiều nơi bị đẩy lên mức bất thường.

Giá đất vẫn tăng nhưng chậm lại

Theo Hiệp hội này, về mặt nguyên tắc, khi giá đất bị đẩy lên mức bất thường, vượt qua đóng góp của chính nó vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống người dân, giá đất sẽ lắng xuống và quay đầu giảm sốc.

Tuy nhiên, để tình hình chóng bình ổn trở lại, cũng là giảm thiểu thiệt hại cho những nhà đầu tư non trẻ thiếu kinh nghiệm, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp kiểm soát đất đai và giao dịch đất đai.

Tại một số địa phương (ngoại thành Hà Nội, Bình Phước, Lâm Đồng...), việc phân lô bán nền, nguyên nhân chính của tình trạng sốt đất, đã bị hạn chế và dần loại bỏ.

Đánh thuế giao dịch bất động sản dựa trên giá trị giao dịch cũng đang là dự thảo nhận được nhiều chú ý khi mức giá giao dịch vẫn chưa được xác định một cách nhất quán. Việc đánh thuế sở hữu nhà đất đang được cân nhắc.

Theo các chuyên gia, đất đai là một công cụ sản xuất với mức giá hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường. Để tránh việc giá cả vượt quá giá trị thực tế, gây nên những cơn sốt không đáng có, giảm hiệu suất sử dụng đất, minh bạch thông tin vẫn là điểm mấu chốt.

Các cơ quan chức năng đang không ngừng nỗ lực để minh bạch hóa các thông tin liên quan đến bất động sản, đặc biệt là kế hoạch và tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng.

VARS đánh giá, cơn sốt đất hiện nay chỉ xảy ra cục bộ tại một số địa phương với biên độ giá dần thu hẹp. Đơn vị này dự đoán, đến giữa năm 2023, tình hình sốt đất sẽ cơ bản được kiểm soát.

Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2021, lượng giao dịch đất nền tăng mạnh ở nhiều địa phương trên cả nước. Phía Bắc tập trung tại các khu vực vùng ven TP Hà Nội, tại các địa phương Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang, Thanh Hóa,… Phía Nam tập trung tại các khu vực vùng ven TP HCM, tại các địa phương Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa,… Một số địa phương, có hiện tượng hoạt động phân lô, bán nền, tung tin, đồn thổi, nhiễu loạn thị trường để trục lợi thiếu kiểm soát.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá đất nền vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021. Mức độ tăng giá các phân khúc bất động sản tập trung trong cuối quý I nhưng chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng của quý II khi các hoạt động đầu tư, kinh doanh, dịch vụ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác được phục hồi, bình thường trở lại.

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực cho biết, giá bất động sản đã tăng nóng trong hai năm vừa qua, không riêng gì tại Việt Nam mà tăng trên toàn thế giới. Giá bất động sản toàn cầu tăng trung bình 6 - 7% trong giai đoạn 2020 - 2021.

“Tuy nhiên, năm nay khác. Ở thời điểm này, nếu như bất động sản còn tăng ở một nơi nào đó thì đó chỉ có thể là hiện tượng thổi giá. Năm nay, những yếu tố cơ bản để đẩy giá bất động sản lên như hai năm qua đã không còn nữa. Trừ khi pháp lý đã được điều chỉnh, thông tin quy hoạch được công bố, cơ sở hạ tầng được đầu tư,… Chưa kể Chính phủ và các địa phương cũng đang có động thái, chính sách điều tiết giúp cho thị trường trở về giá trị thật”, vị này nhấn mạnh.

Công Tâm
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

Từ khóa: