Sự kiện hot
4 năm trước

Bất động sản ‘đứng hình’ vì Covid-19

Rất ít giao dịch thành công, doanh nghiệp phải dừng kế hoạch bán hàng, giãn tiến độ dự án… thị trường bất động sản đang “đứng hình” vì Covid-19.

Dừng kế hoạch bán hàng vì dịch

Sau thành công tại dự án D’. Le Roi Soleil Xuân Diệu, Hà Nội với việc bán hết hàng chỉ trong thời gian ngắn, cuối năm 2019, Tập đoàn Tân Hoàng Minh bắt đầu mở bán dự án D’. Le Roi Soleil Lạc Long Quân - một trong những khu tổ hợp bất động sản được Tân Hoàng Minh thiết kế, xây dựng với phong cách châu Âu. Tuy nhiên, bước sang đầu năm 2020, tiền độ bán hàng bắt đầu có dấu hiệu chậm lại.

Chị Đoàn Thu Trang, phụ trách bán hàng tại dự án D’. Le Roi Soleil Lạc Long Quân cho biết, Tân Hoàng Minh dự tính sau Tết Nguyên đán 2020 sẽ đẩy mạnh các biện pháp bán hàng, nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát thì tất cả các kế hoạch bán hàng đều phải dừng lại.

“Từ thời điểm sau Tết Nguyên đán cho tới nay, hầu như chưa có được bất cứ một giao dịch nào thành công”, chị Thu Trang chia sẻ.

Không chỉ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh - thị trường bất động sản sôi động bậc nhất cả nước - cũng chung số phấn.

Ông Nguyễn Văn Trung cho biết tháng 7/2019, Công ty Kim Hưng của ông trúng thầu lô đất nền ở khu vực Cát Lái, quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Do khu đất này thuộc vị trí đắc địa, ngay tại thời điểm đó có thể chia lô bán lẻ cũng đã được một khoản lãi lớn, nhưng vì nhận định thị trường sẽ khởi sắc nên Công ty “găm” lại chờ sốt giá mới bung hàng. Kết quả là cho đến nay hầu như không có bất cứ khách hàng nào quan tâm.

“Đúng là người tính không bằng trời tính”, ông Trung than thở.

Bức tranh toàn cảnh thị trường đã được Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) “vẽ lại” với gam màu xám là chủ đạo. Theo VARS, trong quý I/2020, toàn thị trường có gần 18.700 sản phẩm được chào bán, với hơn 8.350 căn hộ chung cư và hơn 10.300 nhà ở thấp tầng. Tuy nhiên, giao dịch thành công chỉ có hơn 2.750 sản phẩm, tỷ lệ hấp thu là 14,8%, bằng 19,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Tâm lý “chờ qua dịch”

Như thường lệ, khi thị trường khó có sóng để thu hút dòng vốn đầu tư, các chủ dự án chỉ còn trông chờ vào người mua ở thực. Nhưng, bối cảnh kinh tế bất định hiện nay và tâm lý đang đè nặng trước những quy định hạn chế trong xã hội cũng khiến người có nhu cầu về nhà ở phải “nghĩ chậm” lại.

Vợ chồng anh Đinh Tiến Long và chị Tô Khánh Linh - một gia đình trẻ đang có ý định mua nhà - cho biết: Vào thời điểm cuối năm 2019, được sự hỗ trợ của cả gia đình hai bên nội ngoại, anh chị đã định mua căn hộ tại một dự án ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội, những vì thời điểm đó quá gần Tết và cũng chưa thống nhất được với chủ đầu tư về gói nội thất nên anh chị chưa chốt hợp đồng. Nhưng sau Tết, cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh và kỳ vọng là giá nhà sẽ còn giảm, anh chị tạm hoãn việc mua nhà.

Trên các diễn đàn về bất động sản, lời khuyên thường trực hiện nay là nên tạm dừng mua nhà, chờ thời cơ vì có thể có một đợt giảm giá sâu của bất động sản trong thời gian tới.

Phía nhà đầu tư, trong tình cảnh này họ buộc phải “nằm” chờ thời, cố gắng giải quyết hàng tồn. Còn với các nhà đầu tư thứ cấp, họ cũng không dại gì ôm hàng vào trong thời điểm này.

Theo VARS, một loạt dự án ở Hà Nội, TP. Hồ Chí minh từ cuối năm ngoái đã gấp rút hoàn thiện pháp lý, đẩy mạnh triển khai để chuẩn bị bung hàng vào đầu năm 2020, những nay do dịch Covid-19 đành phải tạm hoãn lại, nhất là sau khi có Chỉ thị cách ly xã hội khiến hoạt động xây dựng bị đình trệ.

Cả chủ đầu tư, nhà đầu tư và người mua đều đang có tâm lý “chờ qua dịch”. Mỗi người trong số họ đều đưa ra những dự đoán về tương lai của thị trường bất động sản, theo những chiều hướng, kịch bản mà họ mong muốn. Nhưng, chưa ai biết chắc được tình trạng “đứng hình” của bất động sản sẽ còn kéo dài đến bao giờ và điều gì đang chờ đón ở phía trước.

Hoài Phi
Theo Thời báo Ngân hàng

Từ khóa: