Sự kiện hot
3 năm trước

Bất động sản khu vực này được dự báo ra sao trước làn sóng đại bàng đổ bộ?

Từ cuối năm 2021 đến nay, một số tín hiệu báo động sự khởi đầu cho một thời kỳ mới đã xuất hiện trên thị trường bất động sản miền Trung sau khoảng thời gian trầm lắng. Cùng với đó, cuộc đổ bộ của các đại gia bất động sản dự báo sẽ giúp khu vực này trở nên nóng hơn.

Bất động sản khu vực này được dự báo ra sao trước làn sóng đại bàng đổ bộ? - Ảnh 1.
Đang có cuộc đổ bộ của các đại gia bất động sản vào miền Trung. (Ảnh: TTXVN).

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng một số tỉnh miền Trung từ năm 2020 đến nay rơi vào cảnh "đóng băng" kéo dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021, thị trường đã bắt đầu đón nhận những tín hiệu tích cực. Không chỉ các chủ đầu tư chuẩn bị đón "sóng" mà còn nhờ sức nóng của làn sóng các ông lớn đổ bộ.

Tại Quảng Nam, mới đây, NovaGroup đã gửi văn bản đến UBND tỉnh này đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án khu đô thị biển có quy mô 3.000 ha với tên thương mại là NovaWorld Hội An.

Khu vực làm dự án thuộc xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và xã Bình Dương, (huyện Thăng Bình), dọc theo ven sông Trường Giang và khu vực ven biển.

Hay Capella Group cũng vừa đề xuất nghiên cứu, tài trợ quy hoạch dự án Khu đô thị, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Tây Bà Nà với quy mô hơn 4.333 ha, thuộc xã Ba, xã Tư, huyện Đông Giang.

Một thông tin đáng chú ý khác là Tập đoàn Vingroup cũng vừa có đề nghị tỉnh Quảng Nam cho phép mở rộng quy mô nghiên cứu lập quy hoạch dự án khu đô thị sân bay Chu Lai từ 1.000 ha lên 5.000 ha trên cơ sở mở rộng quy mô về phía Tây.

Trước đó, giữa năm 2021, Tập đoàn Sun Group đã đề xuất nghiên cứu đầu tư Khu đô thị và cảnh quan hai bên đường Điện Biên Phủ TP Tam Kỳ, đoạn từ sông Kỳ Phú đến quảng trường biển Tam Thanh,...

Tại Thừa Thiên - Huế, Tập đoàn Hòa Phát mới đây đã bày tỏ mong muốn được tỉnh này hỗ trợ tìm kiếm một vị trí phù hợp để đầu tư khu đô thị hiện đại, có quy mô, trở thành một khu đô thị đáng sống.

Năm ngoái, Aeon Mall cho biết sẽ đầu tư dự án Trung tâm thương mại tại địa phương này với vốn đầu tư dự kiến khoảng 170 triệu USD.  Hay Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc – Korea Land & Housing Corporation (LH) đề xuất nghiên cứu đầu tư ba dự án quy mô hơn 1.800 ha tại Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô,...

Tại Đà Nẵng, trong năm 2021, Tập đoàn Vingroup đã tái khởi động dự án Khu du lịch Làng Vân với quy mô 35.000 tỷ đồng.

Trước đó, cuối tháng 3/2021, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), cho biết đơn vị dự kiến đầu tư nhiều dự án tại Đà Nẵng với tổng giá trị hơn 8 tỷ USD. Đơn cử như Khu Tổ hợp đô thị thông minh - phi thuế quan sườn đồi tại huyện Hòa Vang, Trung tâm tài chính khu vực tại quận Sơn Trà.

Cùng thời điểm, Sun Group cho biết sẽ xây dựng một Tổ hợp vui chơi giải trí kết hợp với Bà Nà Hill dọc theo tuyến đường Hoàng Văn Thái, huyện Hòa Vang,...

Thị trường đang ấm dần 

Bất động sản khu vực này được dự báo ra sao trước làn sóng đại bàng đổ bộ? - Ảnh 2.

Thị trường bất động sản miền Trung đang đang dần phục hồi. (Ảnh minh họa: Văn Luận).

Thống kê của Batdongsan.com.vn cho biết, trong tháng 2, mức độ quan tâm toàn thị trường Quảng Nam tăng 7%, lượng tin đăng tăng 43% so với tháng liền trước.

Mức quan tâm tăng cao ở tất cả các loại hình bất động sản bán, trong đó nhà mặt phố tăng 900%; biệt thự, liền kề và căn hộ chung cư tăng 200%; kho, nhà xưởng, đất tăng 100%.

Hay tại Đà Nẵng, mức độ quan tâm và lượng tin đăng bất động sản cũng tăng lần lượt 21% và 32% trong tháng 2.

Lượng tin đăng, mức độ quan tâm bất động sản bán, bất động sản cho thuê tăng ở hầu hết các loại hình, ngoại trừ lượng tin đăng bán căn hộ chung cư và bán biệt thự, liền kề có sự sụt giảm. Trong đó, mức độ quan tâm bất động sản tại huyện Hòa Vàng ghi nhận tăng cao nhất với 60%.

Theo báo cáo mới đây của DKRA Vietnam, thị trường bất động sản Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng đang dần phục hồi. Trong đó, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong năm 2022 có thể tăng so với năm 2021, tập trung chủ yếu ở Quảng Nam, trong khi Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng tiếp tục duy trì sự khan hiếm. Mặt bằng giá thứ cấp giữ ổn định trong năm 2022.

Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới toàn thị trường duy trì mức tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm 2021, dao động 1.200 - 1.500 căn.

Các dự án mới tập trung chủ yếu ở TP Đà Nẵng, riêng Quảng Nam có thể tiếp tục thiếu vắng nguồn cung mới. Giá bán và thanh khoản thị trường thứ cấp có thể phục hồi khi các tỉnh, thành từng bước khôi phục kinh tế, hoạt động du lịch mở cửa trở lại.

Nguồn cung mới phân khúc nhà phố/biệt thự duy trì mức ổn định, tương đương năm 2021. Thừa Thiên Huế có thể tiếp tục dẫn đầu nguồn cung mới trong khi TP Đà Nẵng tiếp tục duy trì sự khan hiếm trong năm 2022.

Những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông hỗ trợ gia tăng thanh khoản, giá bán thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp, tuy nhiên vẫn phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh.

Với bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới có thể tăng so với năm 2021. Trong đó, TP Đà Nẵng là thị trường tiếp tục dẫn dắt nguồn cung mới ở hầu hết các loại hình, Thừa Thiên Huế tiếp tục khan hiếm nguồn cung.

Các chuyên gia DKRA Vietnam cho biết, từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, một số tín hiệu báo động sự khởi đầu cho một thời kỳ mới đã xuất hiện trên thị trường bất động sản Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam sau khoảng thời gian yên ắng do tác động của dịch COVID-19. Không chỉ các chủ đầu tư chuẩn bị đón sóng, nhiều nhà đầu tư khắp cả nước cũng đang hướng trở lại khu vực miền Trung.

Trong đó, TP Đà Nẵng được định vị là điểm đến của bất động sản cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng. Đặc biệt, với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, TP Đà Nẵng sẽ tập trung xây dựng, phát triển dựa trên bs trụ cột chính là: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển,…

Không chỉ là trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng còn là điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng sở hữu hệ thống bất động sản nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế.

Với định hướng quy hoạch này, DKRA dự báo thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ tiếp tục thu hút nhiều chủ đầu tư lớn đến triển khai các dự án cao cấp và hạng sang.

Khác với Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế với định hướng đến năm 2025 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa đặc trưng.

Theo đó, Thừa Thiên Huế đã và đang đẩy mạnh đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị, tập trung xây dựng bản đồ phát triển bất động sản để thu hút đầu tư. Đồng thời, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông liên vùng, trong đó ưu tiên thực hiện các dự án kết nối trực tiếp đến Đà Nẵng và Hội An.

Hà Lê
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết

Từ khóa: