Sự kiện hot
6 năm trước

Bất động sản TP. HCM: Chỉ số giảm mạnh ở nhiều phân khúc

Trong quý I/2019, nguồn cung sơ cấp đạt hơn 12.000 căn hộ, giảm 34% theo quý và 57% theo năm.

Sáng nay (02/04), công ty Savills Việt Nam đã tổ chức công bố báo cáo nghiên cứu thị trường địa ốc TP. HCM quý I/2019.

Theo đó, ngoài việc chủ đầu tư còn ít căn trong rổ hàng, thủ tục pháp lý bị trì hoãn cũng như chủ đầu từ thay đổi kế hoạch mở bán cũng khiến nguồn cung mới giới hạn. Thị trường chứng kiến mức mở bán mới thấp, chỉ hơn 4.500 căn hộ, giảm 38% theo quý và giảm 27% so với cùng kỳ năm 2018.

bat dong san tp hcm chi so giam manh o nhieu phan khuc

Căn hộ hạng C chiếm đa số nguồn cung mới với 85% thị phần, chủ yếu tập trung tại các quận ngoại thành như Quận 8 và 9

Tổng lượng giao dịch đạt trên 6.400 căn hộ, giảm 42% theo quý và 52% so với cùng kỳ năm. Lượng giao dịch trong quý thấp do kỳ nghỉ lễ của cả nước kéo dài trong tháng 1 và tháng 2. Tỷ lệ hấp thụ trong quý I những năm gần đây thường thấp hơn 50%.

Cũng theo báo cáo của Savills, các dự án mới chiếm 46% tổng lượng giao dịch, trong khi đó, các khu vực ngoại thành như Quận 8, Tân Phú và Bình Tân tác động lớn nhất tới tổng lượng giao dịch trong quý. Các căn từ 1-2 phòng ngủ tiếp tục thu hút người mua do phù hợp với nhu cầu để ở cũng như đầu tư.

Với nguồn cung sơ cấp hạn hẹp, giá căn hộ tại trị trường thứ cấp đang trở nên sôi động. Theo chính quyền địa phương, quá trình thẩm định pháp lý dự kiến sẽ bình thường trở lại trong năm 2019. Các danh mục có quy hoạch tổng thể và pháp lý rõ ràng đang thu hút nhiều nhà đầu tư và tăng dần giá trị.

Tuy nhiên, đổi lại sự sụt giảm của thị trường thì sự quan tâm của người nước ngoài về thị trường căn hộ ngày càng rõ hơn ở các dự án cao cấp. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai gần với giá căn hộ cao hơn ở tất cả các hạng. Trong khi đó, các dự án căn hộ hạng C sẽ tiếp tục chiếm ưu thế và dẫn dắt thị trường người mua trong nước.

Tổng quát, thị trường bất động sản TP. HCM đang ghi nhận diễn biến trái chiều của 2 phân khúc đất nền và căn hộ. Trong khi đất nền vùng ven vẫn âm thầm hút giới đầu tư thì căn hộ lại chững lại, không có nhiều dự án mới được cung cấp ra thị trường.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tổng quan thị trường căn hộ thời điểm này cho thấy sức mua chững lại so với giai đoạn trước. Người mua có xu hướng dịch chuyển sang phân khúc đất nền.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea, 3 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp bất động sản lo ngại trước tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, không được cơ quan nhà nước xem xét, giải quyết kịp thời, làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ bất động sản. Theo đó, doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản; môi trường kinh doanh bị suy giảm tính minh bạch, khó đoán định. Những yếu tố trên có thể làm tăng tính rủi ro cho doanh nghiệp do có nhiều dự án bị xem xét xử lý lại (hồi tố).

bat dong san tp hcm chi so giam manh o nhieu phan khuc
Trong quý I vừa qua, tỷ lệ hấp thụ đạt 53%, tăng 5 phần trăm so với năm 2018.

heo ông Châu, nguyên nhân khách quan do hệ thống pháp luật vẫn chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, chồng chéo, dẫn đến cơ chế "xin-cho", tiêu cực. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan do công tác thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, có biểu hiện thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám nêu chính kiến giải quyết; vẫn nhũng nhiễu, "hành" doanh nghiệp.

"Điều này sẽ làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở sẽ bị sụt giảm mạnh, mà theo quan hệ cung-cầu sẽ kéo theo việc tăng giá bất động sản; nhà nước cũng thất thu ngân sách, doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản", ông Châu cho biết.

Cũng theo HoREA, quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh. Số lượng dự án bị giảm dẫn đến số lượng nhà ở đưa ra thị trường cũng bị sụt giảm mạnh. Điều này bất lợi cả cho người mua nhà và thị trường bất động sản, làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

"Nguồn thu ngân sách thành phố đối với tiền sử dụng đất năm 2018 giảm 22,5%; hai tháng đầu năm 2019 giảm đến 76% so với cùng kỳ năm trước. Tổng nợ thuế trong 2 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn thành phố lên đến 10.110 tỷ đồng, tăng 13,5% so với thời điểm 31/12/2018; trong đó, các khoản nợ liên quan tới đất là 1.370 tỷ đồng, chiếm 14%, và đã có đến 76 doanh nghiệp xây dựng bất động sản nợ thuế tổng số tiền sử dụng đất gần 800 tỷ đồng. Số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp của các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm mạnh do các chủ đầu tư thiếu nguồn dự án mới", HoREA cho hay.

Còn theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, từ đầu năm đến nay số lượng cấp phép các dự án nhà ở thuộc thẩm quyền Sở Xây dựng giảm 63%; các dự án được chủ đầu tư thực hiện các thủ tục để được công nhận chủ đầu tư giảm mạnh; các dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai cũng giảm mạnh…

Đức Hậu
Theo Thời báo Chứng khoán 

Từ khóa: