Giá nhà Trung Quốc đã giảm 30% chỉ trong một thời gian ngắn. Điều này đã giáng 1 đòn mạnh đối với thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế Trung Quốc nói chung.
Giá nhà Trung Quốc đã giảm 30% chỉ trong một thời gian ngắn. Điều này đã giáng 1 đòn mạnh đối với thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế Trung Quốc nói chung.
Thời điểm tồi tệ nhất của thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ là vào đầu năm 2012.
Vào cuối tháng 10, nhiều chủ đầu tư tại Thượng Hải đã đột ngột giảm giá nhà tại các dự án mới từ 20-40%. Không lâu sau đó, việc giảm giá đã lan sang cả Bắc Kinh, Hàng Châu, Ninh Ba, Nam Kinh và sang các thành phố khác trên cả nước.
Tại Trùng Khánh, Hutchison Whampoa (có trụ sở tại Hồng Kông) đã giảm giá chào bán tới 32% tại dự án Cape Coral của mình. “Cuộc chiến giá đã bắt đầu”, Alan Chiang Sheung-lai, chuyên gia phân tích thuộc hãng tư vấn bất động sản DTZ, nhận xét.
Trong khi đó, một chuyên gia phân tích thuộc công ty nghiên cứu bất động sản tại Thượng Hải Centaline China Property Research, nhận định: “Đợt giảm giá tại Thượng Hải chỉ mới bắt đầu, thời điểm tồi tệ nhất của thị trường bất động sản Trung Quốc là vào đầu năm 2012”. Ông cho rằng thời kỳ thu lợi khổng lồ từ kinh doanh bất động sản sẽ không còn tồn tại trong vòng 10 năm tới.
Số liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào ngày thứ Sáu tuần qua (18.11) cũng cho thấy, trong tháng 10, giá nhà đã giảm (so với cùng kỳ năm trước) tại 33 trong số 70 thành phố của Trung Quốc như Thượng Hải, Ôn Châu, Thâm Quyến và Quảng Châu. Tại Đô Châu (tỉnh Chiết Giang), giá bất động sản giảm mạnh nhất. Và đây là đòn đánh mạnh đối với thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế Trung Quốc nói chung.
Doanh nghiệp phá sản hàng loạt
Nhiều năm trời, thị trường bất động sản bùng nổ là động cơ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, đẩy cao nhu cầu đối với thép, xi măng và chiếm tới khoảng 20% sản lượng của nền kinh tế. Nhưng hiện nay, các chuyên gia phân tích đang dự đoán nền kinh tế sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu giá bất động sản giảm tới 30% trong năm tới khi Chính phủ Trung Quốc thực thi các chính sách thắt chặt tín dụng.
“Có thể giá nhà sẽ giảm khoảng 10-30% trong năm tới. Và nếu xảy ra sự giảm giá mạnh thì đó sẽ là rủi ro lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc và tăng trưởng nền kinh tế sẽ mất đà”, Hao Zhao, chuyên gia kinh tế tại Thượng Hải, thuộc Australia & New Zealand Banking Group (ANZ), lo ngại.
Thậm chí, Cao Jianhai, chuyên gia thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng giá nhà có thể giảm tới 50% trong năm tới nếu Chính phủ tiếp tục các chính sách thắt chặt hiện nay. Các nhà phát triển dự án bất động sản và nhà sản xuất có liên quan đến ngành bất động sản (như vật liệu xây dựng) không phải là các đối tượng duy nhất bị tác động. Đầu tháng 11.2011, Centaline Property Agency, đơn vị kinh doanh bất động sản lớn nhất nước, đã tuyên bố kế hoạch đóng cửa 60 chi nhánh và cắt giảm khoảng 1.000 nhân viên trên khắp cả nước do ế ẩm.
Tại Đô Châu, mức giảm giá nhà quá nhiều cũng đã khiến hàng trăm doanh nghiệp tư nhân bị phá sản và không thể trả hàng trăm triệu USD món nợ đã vay trên thị trường chợ đen. Nếu tính quy mô trên cả nước, con số phá sản sẽ lớn hơn rất nhiều lần khi giá nhà đã giảm mạnh trên khắp Trung Quốc.
Việc giá nhà giảm mạnh cùng với chính sách thắt chặt tín dụng cũng buộc các doanh nghiệp bất động sản phải trở nên sáng tạo hơn để thu hút người mua nhà với những chương trình giảm giá như tặng iPhone, túi xách hàng hiệu, thậm chí xe hơi cao cấp.
Mới đây, người mua đã ồ ạt kéo đến một công ty bất động sản ở Đô Châu, nơi tặng xe BMW cho 150 người mua đầu tiên. Chương trình khuyến mãi này đã thu hút 130 người mua trong 2 tuần qua, công ty này cho biết.
Hệ lụy cho nền kinh tế
Thế nhưng, các chủ đầu tư muốn bán giảm giá bất động sản cũng không dễ, vì họ sẽ hứng cơn thịnh nộ của khách hàng cũ, những người đã mua với giá cao hơn trước đó. Một đám đông khoảng 300 người tại Thượng Hải đã đập vỡ ô kính cửa sổ tại một văn phòng bán hàng của Longfor Property vào ngày 22.10, chỉ 2 ngày sau khi công ty này kết thúc chương trình khuyến mãi đối với một dự án của mình. Đó là điều dễ hiểu vì họ đã mua bất động sản trong những đợt bán hàng trước đó của dự án trên với giá cao hơn tới 30% so với mức giá được giảm trong chương trình khuyến mãi của Longfor Property.
Tiếp đó, vào ngày 23.10, một đám đông khác tại Thượng Hải cũng biểu tình chống lại một doanh nghiệp khác là Greenland Group. Không chỉ thế, cũng có những đoàn biểu tình chống lại chủ đầu tư tại Bắc Kinh và các thành phố khác như Hàng Châu và Nam Kinh.
Lo ngại điều này, tại các thành phố như Hàng Châu và Hợp Phì, các chủ đầu tư cũng đã giới hạn mức giảm giá còn 20% để tránh tình trạng bạo động, nhưng mức giảm này cũng khó duy trì lâu vì nhiều chủ đầu tư đang đối mặt với tình trạng không trả được nợ.
Điều đáng lo ngại là việc vỡ nợ của các doanh nghiệp bất động sản sẽ gây thảm họa lớn cho hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Chuyên gia kinh tế Cheng Xiaonong cho rằng, việc giá nhà giảm 30% trong thời gian ngắn là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng tài chính sắp sửa nổ ra tại Trung Quốc.
“Khi bong bóng giá nhà xì hơi và doanh nghiệp địa ốc bị phá sản, các ngân hàng sẽ phải vật lộn với tỉ lệ vỡ nợ cao ngất ngưởng và nợ xấu tăng mạnh, từ đó dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính trong hệ thống ngân hàng”, ông nói.
Cheng thậm chí cho rằng, trong vòng 1 năm, Trung Quốc sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng châu Âu. “Trên thực tế, một cuộc khủng hoảng tài chính đã bắt đầu hình thành ở Trung Quốc”, ông nhấn mạnh.
Thách thức cho các nhà điều hành Trung Quốc không chỉ là lo ngại một cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng mà còn trong việc điều hành chính sách thắt chặt tín dụng. Hiện tại một số địa phương đã có dấu hiệu vượt rào. Chẳng hạn, Nam Kinh đã bắt đầu nới lỏng các quy định về thế chấp và tỉnh An Huy cũng thế.
Việc thực thi không nhất quán chính sách từ trung ương đến địa phương có thể sẽ là một thảm họa khác cho nền kinh tế Trung Quốc khi chính phủ nước này nỗ lực kiềm chế lạm phát đang ở mức cao ngất ngưởng.
P. T
Theo Landtoday