Phiên giao dịch đêm qua (23/11), các thị trường chứng khoán, dầu thô và vàng đồng loạt đổ dốc mạnh sau khi trái phiếu Đức trở nên ế ẩm bất thường. Theo giới phân tích, việc nhà đầu tư thờ ơ với trái phiếu Đức cho thấy, lo lắng nợ công châu Âu lan tới tâm "lục địa già" đã tăng nhanh chóng.
Phiên giao dịch đêm qua (23/11), các thị trường chứng khoán, dầu thô và vàng đồng loạt đổ dốc mạnh sau khi trái phiếu Đức trở nên ế ẩm bất thường. Theo giới phân tích, việc nhà đầu tư thờ ơ với trái phiếu Đức cho thấy, lo lắng nợ công châu Âu lan tới tâm "lục địa già" đã tăng nhanh chóng.
Tình hình nợ công tại châu Âu mỗi lúc một trở nên xấu nghiêm trọng hơn.
Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán Mỹ hôm qua, chỉ số công nghiệp Dow Jones trượt sâu 236,17 điểm, tương ứng 2,05%, xuống 11.257,55 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 26,25 điểm, tương ứng 2,21%, xuống 1.161,79 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 61,20 điểm, tương ứng 2,43%, xuống 2.4660,08 điểm.
Chịu chung số phận với thị trường Mỹ, các sàn chứng khoán châu Âu liên tục giảm điểm trong phiên trước khi chốt ngày trượt sâu. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 67,04 điểm, tương ứng 1,29%, xuống 5.139,78 điểm. DAX của Đức giảm 79,62 điểm, tương ứng 1,44%, xuống 5.457,77 điểm. CAC 40 của Pháp hạ 48,25 điểm, tương ứng 1,68%.
Trên thị trường năng lượng, chốt ngày giao dịch, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 1/2012 trượt mạnh 1,84 USD, tương ứng 1,9%, xuống mức 96,17 USD/thùng trên sàn New York. Thị trường trượt sâu cùng với diễn tiến trên thị trường chứng khoán Mỹ, nhưng sau đó chậm lại khi Mỹ công bố báo cáo trữ lượng hàng tuần.
Tình hình u ám không buông tha thị trường vàng. Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX tại New York giảm 6,50 USD/ounce, tương ứng 0,4%, xuống 1.695,90 USD/ounce. Phạm vi giao dịch của giá vàng trong phiên là từ 1.677,10 - 1.710,80 USD/ounce. Theo chỉ số vàng của Kitco, giá vàng giao ngay giảm 11 USD/ounce.
Tác động mạnh nhất tới thị trường đêm qua là tình trạng ế ẩm của trái phiếu Chính phủ Đức. Kết quả chào bán trái phiếu thấp hơn mong đợi đã khoét sâu những lo lắng về khả năng khủng hoảng nợ tại châu Âu đã lan rộng và chạm tới nền kinh tế được xem là "khỏe" nhất trong khu vực này.
"Điều này nhấn mạnh sự thiếu hụt niềm tin của nhà đầu tư kể cả với nền kinh tế mạnh nhất ở châu Âu, từ đó dẫn tới làn sóng bán đổ bán tháo trái phiếu khu vực đồng tiền chung châu Âu, đồng Euro... và cả thị trường năng lượng như dầu thô", Matt Smith, nhà phân tích dầu của hãng năng lượng Summit đưa ra nhận xét.
Trên thực tế, những cảnh báo về khả năng khủng hoảng nợ công châu Âu đã chui vào tận lõi của "lục địa già" đã được các chuyên gia phân tích kinh tế tài chính quốc tế đưa ra từ vài ngày nay.
Hôm 21/11, khi nhận xét về tình hình kinh tế hiện nay ở châu lục này, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề kinh tế và tiền tệ Olli Rehn, cảnh báo không nên ảo tưởng về triển vọng kinh tế khu vực và khẳng định cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay đang lan tới trung tâm Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Ông khẳng định ủng hộ chủ trương Ủy ban châu Âu áp đặt các chính tế kinh tế khắc khổ và rằng, đó là phương hướng đúng để giúp vực dậy các nền kinh tế đang khó khăn trong khu vực. Lời cảnh báo của ông Rehn được đưa ra đúng thời điểm các tổ chức xếp hạng tín dụng dọa hạ mức tín nhiệm nợ của các nền kinh tế lớn ở châu Âu.
Tại thời điểm đó, ngoài cảnh báo của Ủy viên châu Âu Olli Rehn, thì các nhà phân tích khác cho rằng, tình trạng lãi suất trái phiếu chính phủ ở một số nền kinh tế gặp khó khăn trong khu vực đồng Euro hiện nay như Tây Ban Nha, Italy, Pháp và Bỉ có thể khiến các nhà đầu tư đổ xô sang đầu tư vào thị trường Đức mà họ cho là an toàn hơn.
Tuy nhiên, kết quả chào bán trái phiếu Đức đêm qua đã cho thấy sự ngược lại, nghĩa là giới hạn của các nhà đầu tư không chỉ là Tây Ban Nha, Italy, Pháp hay Bỉ, mà còn bao gồm cả nền kinh tế lớn nhất châu lục là Đức. Theo đó, nhìn chung, trái phiếu khu vực châu Âu đã trở nên kém hấp dẫn do độ rủi ro đã bao trùm cả châu lục.
Kathleen Brooks, quan chức Forex.com, nhận xét: “Khủng hoảng nợ công tại châu Âu đang trải qua những ngày hết sức kịch tính. Nếu ngay cả Đức không bán được trái phiếu, khu vực đồng Euro sẽ ra sao? Chúng ta đều biết điều tồi tệ gì đang diễn ra tại Italy, Tây Ban Nha và giờ cả Pháp. Đức cũng là nạn nhân, điều mà chẳng ai ngờ tới”.
Trong một bối cảnh như vậy, sự đồng thuận về một giải pháp lâu dài chữa trị căn bệnh nợ công là rất cần thiết. Song, đây cũng lại là một thực tế khó thành ở châu Âu, khi mà hai nền kinh tế lớn nhất nhì là Pháp và Đức vẫn bất đồng.
Phát biểu tại một hội nghị ở Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhất quyết phản đối ý tưởng phát hành trái phiếu chung của toàn châu Âu (Eurobond) và cho phép Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hành động như là người cho vay cuối cùng đối với cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng tiền chung khu vực - Eurozone.
Bà Merkel nhấn mạnh, hiện chưa tới lúc tranh cãi về Eurobond. Theo bà, nếu phải tranh luận về Eurobond thì thời điểm thích hợp có lẽ là khi kết thúc cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone, chứ không phải vào thời điểm này, khi mà cuộc khủng hoảng đang diễn tiến theo chiều hướng xấu hơn.
Hôm qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra một dự thảo về cái gọi là trái phiếu ổn định với kỳ vọng có thể kéo lãi suất vay mượn của các nước đang chật vật với khó khăn xuống khá nhanh.
Tuy nhiên, ý tưởng đó đã vấp phải sự phản đối của Đức bởi lo ngại là nền kinh tế lớn nhất Eurozone và có chi phí vay mượn thấp nhất Berlin sẽ phải "cưu mang" các nước khác. Chủ đề eurobond có thể sẽ bao trùm các cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Merkel với Tổng thống Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Italy Mario Monti tại Strasbourg trong ngày 24/11.
Trước khi diễn ra hội đàm Thủ tướng Pháp Francois Fillon thừa nhận khó thuyết phục Đức về sự cần thiết thay đổi cách thức hoạt động của ECB. Đức kiên quyết gắn vào sự độc lập của ECB và lo ngại việc ECB mua trái phiếu trên quy mô lớn của các nền kinh tế lâm nguy sẽ thổi bùng lạm phát.
Berlin vẫn bị ám ảnh bởi những gì diễn ra trong thập niên 20 của thế kỷ trước khi Ngân hàng Trung ương Đức in tiền không giới hạn, dẫn tới siêu lạm phát và suy thoái kinh tế. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức nhấn mạnh rằng, ECB không được phép thực hiện vai trò đó, thậm chí tổ chức này bị cấm tài trợ cho ngân sách các nước thành viên.
Theo Thủ tướng Merkel, thay vì Eurobond, Liên minh châu Âu nên tập trung vào việc thay đổi các hiệp ước, cho phép kiểm soát chặt chẽ hơn ngân sách và cần đẩy nhanh tốc độ thực hiện. Bà nói: "Tình hình bất thường đòi hỏi chúng ta phải hành động nhanh bất thường," đồng thời giữ vững quan điểm "nếu đồng Euro sụp đổ, châu Âu sẽ tan rã".
Trong khi đó, Pháp lại muốn thúc đẩy vai trò lớn hơn của ECB, theo đó đề xuất ECB được phép bơm tiền cho Quỹ bình ổn tài chính châu Âu ở mức không hạn chế. Thủ tướng Pháp Francois Fillon khẳng định châu Âu vẫn phải đối mặt với những khó khăn lớn, vì vậy việc tạo ra một "công cụ bảo vệ" cho đồng tiền chung thông qua vai trò của ECB là cần thiết.
Xung quanh vấn đề tranh cãi này, nhật báo La Croix (Pháp) bình luận, ECB nên mua lại tất cả trái phiếu của những nước thuộc diện “yếu ớt” để hạn chế lãi suất cho vay tăng vọt. Ngoài ra, Đức nên có thái độ đoàn kết hơn đối với các nước châu Âu đang lâm nguy. Cụ thể là nền kinh tế số một châu Âu này nên ủng hộ việc ECB mua lại nợ của các nước lâm nguy.
Hồng Ngọc
Theo VnEconomy