Sau nhiều lần nhắn tin, gọi điện cho người tình nhưng đầu giây bên kia vẫn không thấy hồi âm, nén cơn tức giận, Dung gọi một lần nữa thì nhận được câu trả lời cộc lốc: “Đang nhậu không về được”. Không chần chừ gì nữa, Dung mang dao đi “hỏi chuyện” người tình cho ra nhẽ.
Sau nhiều lần nhắn tin, gọi điện cho người tình nhưng đầu giây bên kia vẫn không thấy hồi âm, nén cơn tức giận, Dung gọi một lần nữa thì nhận được câu trả lời cộc lốc: “Đang nhậu không về được”. Không chần chừ gì nữa, Dung mang dao đi “hỏi chuyện” người tình cho ra nhẽ.
Bị cáo Dung tại phiên tòa.
Với hành động bồng bột, thiếu suy nghĩ như vậy, Nguyễn Thị Ngọc Dung (25 tuổi, quê An Giang) phải nhận mức án 17 năm tù về tội "Giết người”
Yêu nhầm "bợm nhậu"
Là người con gái xinh đẹp, ăn nói nhẹ nhàng có duyên, khi bước sang tuổi thiếu nữ, có rất nhiều trai làng "trồng cây si", nhưng gia cảnh của Dung lại không cho phép. Học hết lớp 6, Dung ở nhà phụ giúp cha mẹ nuôi các em. Cũng từ đó, Dung trở thành tâm điểm dõi theo của nhiều người hơn.
Năm 2007, Dung lập gia đình với một người cùng làng. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Do “trẻ người non dạ” nên nhiều khi Dung cũng không được lòng mẹ chồng và những anh chị em trong gia đình chồng.
Đến năm 2008, Dung sinh con đầu lòng, những tưởng có con rồi thì cuộc sống gia đình sẽ vui vẻ, hạnh phúc hơn. Chồng Dung sẽ chịu khó làm ăn còn mẹ chồng cũng vui khi được chăm sóc cháu nội. Nhưng có lẽ “hồng nhan bạc phận”, hạnh phúc trăm năm của Dung chỉ dừng lại ở một con hẻm ngắn.
Từ ngày có con, cuộc sống gia đình có hàng trăm khoản phí phải chi nhưng người chồng mà Dung hết mực yêu thương chỉ ham chơi, không chịu làm ăn như Dung mơ ước, đã thế, chồng Dung lại hay đánh đập, chửi bới vợ con. Hằng đêm Dung ôm con khóc một mình và mong sao chồng còn một chút tình cảm với vợ hay một chút tình mẫu tử mà nghĩ lại.
Nhưng càng hy vọng lại càng thêm thất vọng , Dung bị đẩy vào ngõ cụt. Bỏ lại sau lưng những lời dèm pha , Dung lặng lẽ đưa con về nhà bố mẹ mình.
Ở miền quê sông nước, kiếm được một công việc làm ổn định để có tiền nuôi con là rất khó, nên dù con còn nhỏ Dung cũng đành để bé cho ông bà ngoại, còn mình lên Bình Dương làm công nhân để lấy tiền gửi về nuôi con. Thời gian đầu, Dung vừa buồn vừa nhớ con nhưng đành tự động viên, “mọi chuyện rồi cũng qua, mình sẽ bù đắp cho con bằng những cuộc điện thoại thân mật và những đồng tiền mình tự kiếm được”.
Cuộc sống xa gia đình, xa con đặc biệt là vừa trải qua những cú sốc về tình cảm, hơn ai hết Dung cần những lời động viên từ những người bạn biết yêu thương chia sẻ. Đúng lúc đó, anh Nguyễn Hoàng Khái, hơn Dung 4 tuổi, cũng là người từ quê lên Bình Dương làm công nhân đã luôn ở bên Dung để cô làm nơi nương tựa.
Ban đầu, tình yêu giữa Dung và người tình cũng đẹp và lãng mạn như bao mối tình khác. Những lời đường mật, những kỷ niệm ngọt ngào và những tưởng cả hai không thể nào sống thiếu nhau. Dung từng nghĩ, đây chính là người đàn ông bấy lâu mình chờ đợi. Và có lẽ, cuộc sống của Dung cũng sẽ trôi qua một cách bình thường như bao người khác nếu như, Dung gặp đúng người đàn ông yêu cô thực sự.
Song, từ ngày Dung và người tình chuyển về sống chung thì anh Khái lại thường xuyên nhậu nhẹt, không chịu làm ăn và Dung không tránh được những cái đấm, cái tát của người tình.
Người bỏ mạng, kẻ ngồi tù
Nhiều lần Dung nhẹ nhàng khuyên người tình, “mình là người cùng cảnh ngộ, phải xa quê, lập nghiệp nơi xứ người thì hãy cùng nhau vượt qua những khó khăn lúc đầu”. Nhưng những lời Dung nói chỉ “bằng thừa”.
Anh Khái ngày càng nhậu nhẹt bê tha hơn và "xung đột" ngày càng trở nên trầm trọng. Đỉnh điểm là ngày 20/9/2011, sau khi đi làm về anh Khái lại tiếp tục đi nhậu mà không cho Dung biết. Dung ở nhà nhiều lần nhắn tin, gọi điện nhưng vẫn chỉ nhận được sự im lặng. Vừa buồn, vừa giận nhưng Dung nghĩ chắc người tình đang có chuyện gì nên mới không trả lời điện thoại.
Dung gọi một lần nữa thì đầu giây bên kia anh Khái trả lời: “Đang nhậu không về được”. Không thể nhẫn nhịn thêm được nữa, Dung mang dao đi “hỏi chuyện” người tình cho ra nhẽ". Vừa đến nơi thấy anh Khái đang nhậu với mấy người bạn, Dung phăm phăm đi vào kéo áo anh Khái và nói: “Mày ra đây tao nói chuyện”. Anh Khái đứng dậy tát vào mặt Dung thì được mọi người can ngăn. Bị ngã, Dung đứng dậy cầm dao đâm anh Khái khiến anh tử vong trên đường cấp cứu.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Dung cúi mặt tránh cái nhìn tò mò của những người dự khán. Khi chủ tọa hỏi, tại sao bị cáo lại giết người. Dung lý nhí trả lời, do bị cáo quá tức giận và không kiềm chế được bản thân nên mới hành động như vậy. Bị cáo biết lỗi của mình rồi. Nhưng những gì mà bị cáo gây ra cho người bị hại thì đâu chỉ có một lời xin lỗi là hết?. Lúc đó, Dung chỉ biết cúi mặt im lặng. Mặc dù, luật sư bào chữa đã đưa ra một số tình tiết để giảm nhẹ, thế nhưng những tình tiết ấy không thể làm thay đổi được tội trạng của Dung.
Người có tội phải nhận tội và phải chịu toàn bộ những gì mà mình gây ra. Mức án mà tòa sơ thẩm tuyên là đã xem xét tất cả những tình tiết giảm nhẹ cho Dung.
Sau khi nghe Tòa tuyên án, một lần nữa Dung ngoái xuống khán phòng như muốn tìm sự cảm thông từ những người thân của mình. Nhưng đáp lại niềm mong mỏi ấy, Dung chỉ nhận được sự vắng lặng... Có lẽ, ngoài mức án trên, hình phạt mà cô còn phải gánh chịu là những ngày tháng phải đối mặt với sự cô đơn và nỗi nhớ con trong trại giam.
Ngọc Hân
Theo PLVN