Sự kiện hot
3 năm trước

BIDV phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu cho một tổ chức tín dụng

Loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp và là nợ thứ cấp của BIDV, thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, Mã: BID) vừa công bố kết quả phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 8 năm được phát hành vào ngày 12/8 vừa qua.

Lãi trái phiếu được trả định kỳ hàng năm, lãi suất tính bằng lãi tham chiếu cộng 0,9%/năm. Trong đó, lãi tham chiếu bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng trung bình của Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV. Theo đó, lãi suất được áp dụng cho kỳ thanh toán đầu tiên là 6,45%/năm.

Loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp và là nợ thứ cấp của BIDV, thỏa mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2.

Mục đích của đợt phát hành trái phiếu nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của BIDV, tạo thêm kênh hút vốn trung dài hạn để đấp ứng như cầu khách hàng và đảm bảo nguồn vốn bền vững cho ngân hàng. Kết quả công bố, một tổ chức tín dụng trong nước đã mua lại toàn bộ số trái phiếu trên. Bên đứng ra tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán, tổ chức đăng ký, lưu ký và phát hành là CTCP Chứng khoán VNDirect.

Trong quý 2/2021, BIDV ghi nhận Dư nợ cho vay khách hàng lên tới 1,3 triệu tỷ đồng (tăng 6,2%), chi phí trả lãi giảm 20% khiến biên lãi thuần của ngân hàng được cải thiện.

Thu nhập lãi thuần của ngân hàng có tốc độ tăng tới 83%, đạt 12.697 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.765 tỷ đồng, tăng 45,5%. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 405 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ. Riêng kinh doanh chứng khoán lỗ 41 tỷ đồng trong khi cùng kỳ  lãi hơn 1.000 tỷ.  

Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận thuần của BIDV đạt 23.527 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ dịch vụ đạt 3.199 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Các hoạt động kinh doanh khác kém khả quan.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của BIDV là 1,64 triệu tỷ đồng, tăng 8,6%, chủ yếu nhờ tăng trưởng cho vay khách hàng và tăng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác. Nợ xấu là 21.139 tỷ đồng, giảm 230 tỷ đồng so với cuối năm 2020 và chiếm tỷ lệ 1,63%.

Lan Anh
Theo KTDU

Từ khóa: