Sự kiện hot
11 tháng trước

Bộ Tài chính: Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá

Trong dự thảo mới nhất về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe như: thuốc lá, rượu, bia.

Thuốc lá, rượu bia có thể gây đột quỵ ở người trẻ tuổi | VTV.VN
Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá.

Theo đó, trong dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối, áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đổi đối với mặt hàng thuốc lá.

Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020 của Bộ Y tế, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới đã giảm từ 45,3% (năm 2010) xuống 43,3% (năm 2020) nhưng vẫn ở mức cao và chưa đạt được mục tiêu đề ra là giảm xuống 37% vào năm 2030.

Như vậy, Bộ Tài chính cho rằng việc sử dụng thuốc lá, cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa và lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian vừa qua vẫn chưa đạt mục tiêu giảm sử dụng như đã đề ra.

“Các nước tăng cường áp dụng thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp và gắn theo các điều kiện về định kỳ tăng thuế theo hoặc cao hơn tốc độ lạm phát và mức tăng trưởng để đảm bảo giá thuốc lá tăng cao hơn hoặc bằng với tốc độ gia tăng thu nhập, sức mua của người hút thuốc”, Bộ Tài chính nhìn nhận.

Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết sửa đổi phương pháp tính thuế đối với mặt hàng thuốc lá theo phương pháp hỗn hợp để nhằm tăng tính hiệu quả của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và phù hợp với xu hướng cải cách thuế của thế giới.

Việc áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp cũng hạn chế sự tiếp cận của giới trẻ, đối tượng mới hút thuốc thường tiếp cận thuốc lá bắt đầu từ thuốc lá giá thấp.

Theo đề xuất của nhóm chuyên gia đến từ PwC, giai đoạn đầu, Việt Nam có thể chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp, sau đó tăng dần thành phần tuyệt đối và giảm dần thành phần tương đối. Trong tương lai, khi phù hợp sẽ chuyển sang hệ thống thuế tuyệt đối đơn bậc.

"Việc thực hiện kết hợp mức thuế tuyệt đối ở mức thấp hơn sẽ tránh được sự tăng giá đột biến đối với các sản phẩm thuốc lá hợp pháp, tác động đến người tiêu dùng, dẫn đến việc họ chuyển đổi sang thuốc lá với giá rẻ hơn, bao gồm cả thuốc lá kém chất lượng, độc hại, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc lá lậu", PwC gợi ý.

Uống rượu bia và hút thuốc lá cùng một lúc gây hại đến mức nào? - Tạp chí  Gia Đình Việt Nam

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng nghiên cứu điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe khác như: rượu, bia để định hướng nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng.

Theo ghi nhận, mặc dù mặt hàng bia và rượu đã được tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016-2018, tuy nhiên, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh.

Một nghiên cứu cho thấy Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Cùng với đó, tình hình tiêu thụ rượu bia vẫn nhích tăng qua các năm khi số liệu năm 2019 cho thấy lượng bia tiêu thụ bình quân một người là 47,6 lít, bằng 1,2 lần năm 2015; rượu mạnh và rượu trắng là 3,4 lít, bằng 1,02 lần năm 2015.

Về tác hại do rượu bia đem lại, có nghiên cứu chỉ ra tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gây ra như: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo...

Rượu, bia cũng là 1 trong 3 nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49. Do vậy, việc sử dụng rượu, bia cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa.

Tiến Hoàng
Theo Kinh tế & Đồ uống

Từ khóa: