Bộ Tài chính đã chính thức công bố đề xuất tăng mức thuế TTĐB đối với dòng xe bán tải lên bằng 60% thuế suất dành cho xe con cùng dung tích xi lanh, và sẽ lên tới mức cao nhất là 54%.
Theo thông tin từ Vụ chính sách thuế bộ Tài Chính, thời điểm năm 2012, Việt Nam nhập khẩu 3.211 xe bán tải, nhưng đến năm 2016 số xe nhập khẩu tăng lên đến 28.233 chiếc, đa phần từ Thái Lan.
Tại cuộc họp hồi đầu năm về tình hình nhập khẩu ôtô, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Tài chính xem lại các mức thuế/phí đối với dòng xe bán tải, từ đó quản lý chặt chẽ trị giá tính thuế xe nhập khẩu nhằm chống gian lận thương mại. Và quyết định này đã gây xáo trộn không nhỏ đối với thị trường xe bán tải, khi các cơ quan quản lí chính thức xem xét lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), lệ phí trước bạ đối với xe ôtô bán tải (pick-up) đề xuất điều chỉnh.
Và trong cuộc họp chiều qua, Bộ Tài chính đã chính thức công bố đề xuất mới liên quan đến thuế suất của dòng xe bán tải. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng mức Thuế Tiêu thụ Đặc biệt với xe vừa chở người vừa chở hàng (xe bán tải) bằng 60% mức thuế của xe con cùng dung tích xi-lanh.
Hiện tại, thuế TTĐB với xe bán tải có loại có dung tích xi-lanh từ 2.500cc trở xuống là 15%, loại dung tích xi lanh trên 2500cc đến 3.000cc là 20%, loại có xi-lanh trên 3.000cc là 25%. Trong khi đó, mức thuế TTĐB dành cho xe dưới 9 chỗ kể từ 1/1/2018 tới đây, tương ứng sẽ là từ 50% - 90%.
Và với đề xuất của Bộ Tài chính, nếu được phê duyệt, các dòng xe bán tải sẽ có mức thuế thay đổi như sau:
Trước đó, Bộ Công thương đã có văn bản đề xuất việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xe vừa chở người vừa chở hàng có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1,5 tấn và có 5 chỗ ngồi trở xuống như ô tô con dưới 9 chỗ ngồi. Tuy nhiên điều này không nhận được sự đồng thuận từ Bộ Tài chính; bộ này cho rằng, các nước trong khu vực áp dụng thuế TTĐB với ôtô vừa chở người vừa chở hàng ở mức thấp hơn so với ôtô chở người dưới 9 chỗ.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, đây mới chỉ là đề xuất bước đầu mang tính định hướng chính sách. Đề xuất này sau đó sẽ tiếp tục lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân trước khi hoàn thiện, sau đó gửi Bộ Tư pháp thẩm định để trình Chính phủ. Sau đó, nếu được thông quan, Chính phủ sẽ trình Quốc hội để phê chuẩn thì lúc đó mới có thời gian áp dụng cụ thể.
Như Phúc
Theo Dân Trí