Sự kiện hot
9 năm trước

Bóng đá Việt, biết rồi, khổ lắm...

Bóng đá Việt tuần qua lại dậy sóng vì những phát ngôn của một PCT Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Điều đó khiến những vấn đề khác trở nên chìm nghỉm...

Bên lề của Hội nghị Ban chấp hành VFF lần thứ 5, nhiệm kỳ VII, PCT VFF Đoàn Nguyên Đức đã không ngần ngại chĩa mũi dùi thẳng về HLV Toshiya Miura khi nói rằng nhà cầm quân người Nhật là HLV dở nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Dĩ nhiên ông nói rằng phát biểu này với tư cách cá nhân, mà đã là cá nhân thì ai cũng có quyền khen chê.

Nhưng liệu có phải là như thế khi tiếng nói của bầu Đức vốn có sức nặng ngàn cân với bóng đá? Phát ngôn lại ra đúng thời điểm VFF tuyên bố không gia hạn hợp đồng với HLV Takashi của ĐT bóng đá nữ. Rõ ràng, trong tình huống này, thời điểm phát ngôn vô cùng đáng giá. Ngoài chê về chuyên môn, vị PCT VFF còn nói rằng có doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ ba năm  số tiền "khủng" với điều kiện ĐT phải được dẫn dắt bởi một HLV tài năng hơn.


Bóng đá Việt ngổn ngang trăm mối dù đã 16 năm gọi là chuyên nghiệp. (Ảnh minh họa)

Thực hư của việc tài trợ chưa biết đến đâu, nhưng đây quả là một tiền đề hấp dẫn bởi việc tìm kiếm tài trợ cho bóng đá Việt vốn chẳng hề đơn giản. Ngay ở V-League 2015, chính VPF đã phải toát mồ hôi trong việc tìm kiếm tài trợ cho giải đấu. May mắn là Toyota đã đồng ý với bản hợp đồng tài trợ một năm.

HLV Miura và HLV Takashi sang Việt Nam đều thuộc “hàng viện trợ”, nên một phần lương của hai vị được Liên đoàn bóng đá Nhật Bản chi trả. Thế mới có chuyện một thày giáo dạy thể dục dễ dàng ngồi vào ghế HLV trưởng của một ĐT quốc gia. Cũng vì thế mà ông thày ấy đang được đánh giá là chỉ chăm chăm bài tập thể lực và chỉ đạo các học trò sử dụng lối chơi không đẹp. Trận đấu với Thái Lan hay Đài Loan ở vòng loại World Cup 2018 là những ví dụ đầy cay đắng . Còn phương pháp của HLV Takashi áp dụng với ĐT nữ cũng không khả dĩ hơn ngoài những bài nhồi thể lực, để rồi các nữ cầu thủ phải lặng lẽ chống đối, chơi theo cách của mình.

Có đủ mọi lý do để biện minh cho việc lựa chọn hai nhà cầm quân người Nhật Bản. Sự lựa chọn ấy có đúng hay sai, năng lực của người được chọn đến đâu...đã có quá đủ thời gian để kiểm nghiệm. HLV Takashi chính thức không được ký tiếp hợp đồng. Còn HLV Miura cũng chỉ còn thời gian đến tháng 4/2016 và đang cùng ĐT U23 chuẩn bị cho vòng chung kết U23 châu Á 2016. Hiện VFF cũng không nhắc đến việc gia hạn hợp đồng với vị HLV sinh năm 1963 này.

Có thể việc lựa chọn HLV Miura cho bóng đá Việt là một điều sai lầm. Nhưng lỗi cũng không hoàn toàn ở vị HLV người Nhật Bản. Nhìn nhận một cách công bằng, HLV Miura có tâm huyết và mong muốn đưa bóng đá Việt đi xa hơn. Nhưng cách ông làm chưa phù hợp, hoặc năng lực của ông cũng chỉ giới hạn đến thế. Đáng buồn là trong cái mớ bòng bong của bóng đá Việt ấy, chẳng ai chỉ ra giúp ông dù bóng đá có cả hội đồng chuyên môn.

Rõ ràng viêc lựa chọn HLV trưởng cho ĐT quốc gia đã bắt đầu bằng cách không chuyên nghiệp. Nhưng dường như VFF cũng đang để sự việc kết thúc theo cách tương tự. Thế mới có chuyện đường đường một PCT VFF và một doanh nghiệp ra điều kiện tài trợ nếu thay HLV trưởng, cho dù đó là phát biểu không chính thức. Mà đây là điều tối kỵ đối với một nền bóng đá đã có 16 năm được gọi là chuyên nghiệp.  Và thế là lại thêm một câu chuyện hi hữu trong bóng đá Việt.

Mà chuyện hi hữu ở bóng đá Việt thì biết rồi, khổ lắm...nói mãi!

Lan Trần
theo Công lý

Từ khóa: