Gas tăng, điện tăng, sữa tăng, mỹ phẩm tăng… khiến nhiều người tiêu dùng lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười. Liên tục điều chỉnh tiêu dùng, thắt chặt chi tiêu, nhiều người khi tăng giá mới vẫn cố gắng tìm mọi cách đối phó với giá cả mới.
Choáng với mỗi ngày một giá
Đang nấu cơm thấy hết gas, chị Nguyễn Minh Tân (ngõ 624/12 Minh Khai) nhờ chồng gọi hãng gas quen thuộc. Sau khi nhân viên cửa hàng lắp xong bình gas, đọc phiếu thanh toán tiền chị Tân mới giật mình vì giá gas lên 485.000 đồng. Thắc mắc với cửa hàng, chị Tân nhận được câu trả lời, tối 29 giá gas là 450.000 đồng nhưng sang tới 1/3 giá gas tăng thêm vài chục nghìn đồng, là khách hàng quen thuộc nên cửa hàng đã giảm cho nhà chị 5.000 đồng/bình gas.
Chị Tân than: nhà chỉ có bốn người, chỉ nấu cơm ở nhà bữa tối là chủ yếu nhưng cứ hơn 1 tháng nhà tôi lại hết một bình gas. Một tháng tiền xà phòng, nước xả vải, gas, điện, nước tính ra hết hơn 1 triệu đồng. Bắt đầu từ tháng 3, cái gì cũng tăng lên thế này có khi tôi cũng phải tính toán lại chi tiêu. Lương không tăng mà cái gì cũng tăng. Cuối tuần có đổi món chắc là dùng bếp than tổ ong ở ngoài sân cho đỡ tốn gas.
Sốc với giá gas tăng không chỉ có chị Tân. Trong ngày 1/3 nhiều người đã phải kêu trời đất vì giá gas cao quá. Chủ cửa hàng gas Dân Lan (Hồng Châu, thành phố Hưng Yên) cho hay, có hơn chục khách hàng gọi gas rồi lại giãn chưa lấy ngay. Nhiều người kêu khi được báo giá gas gần 500.000 đồng/bình 12kg.
"Dù có thông báo trước cho khách hàng quen thuộc là giá gas tiếp tục tăng từ ngày 1/3 nhưng nhiều người vẫn choáng lắm. Giá gas mà tăng như thế này, tôi sợ bán hàng sẽ chậm đi, người dân sẽ dùng nhiên liệu khác để chế biến đồ ăn", ông Dân, chủ cửa hàng nói.
Choáng nhất là việc tăng giá sữa. Chiều mùng 1/3 sau khi đi làm về, chị Nguyễn Hải Hà (nhân viên một ngân hàng trên đường Trần Hưng Đạo) rẽ ra khu Hàng Buồm để mua sữa cho con. Hai đứa nhỏ, một đứa hơn 1 tuổi, một đứa hơn 3 tuổi uống hết khoảng 6 hộp sữa bột 900g mỗi tháng. Thấy có dòng sữa to 1,8kg, chị Hà nhấc lấy hai hộp, sau khi được tính tiền xong, chị bất ngờ vì PediaSure đã tăng lên hơn 100.000 đồng/hộp, thành hơn 700.000 đồng/hộp.
"Sữa tăng lên như thế này, mỗi tháng tháng tôi sẽ mất thêm chừng 500.000 đồng cho hai con. Số tiền này không lớn lắm nhưng cộng các khoản tiền khác khi giá cả tăng thì cũng cần phải tính toán lại. Hai vợ chồng làm ngân hàng nuôi hai đứa con nhỏ cũng không dư dả gì", chị Hà tâm sự.
Cắt giảm cả ăn uống
Trước thông tin nước xả vải hương thơm, dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt... đều tăng giá lên so với trước, chị Nguyễn Ngọc Giao (nhân viên một công ty tư vấn Luật, đang ở Lạc Trung - Hà Nội) cho hay, nhà mình có 8 người ở. Mỗi tháng tiền điện khoảng hơn một triệu đồng. Mọi người không ăn chung với nhau nhưng dùng chung xà phòng, nước xả vải...
Để tiết kiệm tiền, bọn mình đã thống nhất từ giờ việc giặt quần áo không thường xuyên như trước. Máy giặt sẽ được khởi động 2 ngày/lần và mọi người tập trung quần áo để giặt. Với cách này, vừa tiết kiệm điện, vừa tiết kiệm nước, xà phòng, nước xả vải. Số lượng tiền tiết kiệm không nhiều nhưng mỗi người lại có những khoản chi khác mà cũng đều bị giá cả tăng.
Chồng làm kỹ sư xây dựng, vợ là giáo viên, tổng thu nhập của hai vợ chồng chị Hoàng Thu Hương (phố Khương Trung mới) được khoảng hơn mười triệu đồng. Tiền nhà mất 3 triệu đồng/tháng, số còn lại để chi tiêu cho hai vợ chồng và cậu con nhỏ 3 tuổi. Chị Hương chia sẻ: đợt trước, giá các mặt hàng tăng, vợ chồng mình đã tiết kiệm lắm rồi. Mỗi lần về quê ở Vĩnh Phúc, mình thường mang đủ rau cỏ xuống ăn cả tuần. Bóng điện đã hạn chế thắp, máy giặt chỉ sử dụng khi quần áo nặng và trời mưa.
Đợt này lại tăng nhiều thứ quá mình cố tính cách khác. Có khi sẽ chuyển cho cậu con trai sang uống sữa tươi thay vì sữa bột như trước. Mỗi tháng mình cho cháu uống sữa Friso Gold 1 hộp 1,8kg có giá khoảng 700.000 đồng nhưng giờ có khi mình cho cháu uống sữa tươi mỗi ngày 1 hộp. Như vậy, mỗi tháng tiền sữa của cháu cũng chỉ hết khoảng 300.000 đồng/tháng mà dinh dưỡng chắc cũng không đến nỗi nào.
Nhà Thủy, Kiên (quê Thái Bình, đang thuê nhà ở Ngã Tư Vọng) lại có cách tiết kiệm kiểu riêng. Chồng làm cán bộ ở một trường cao đẳng, vợ ở nhà nên Thủy thường xuyên tính toán tiết kiệm.
"Sáng sớm ngày chủ nhật, hai vợ chồng dậy sớm, ra chợ đầu mối mua rau, thức ăn mang về để ăn tới hết tuần. Mỗi tuần mua sắm vậy cũng giảm được hơn 100.000 đồng/tuần. Khoảng 1 tháng vợ chồng mình đi siêu thị một lần, mua sắm các thứ cần thiết trong cả tháng, mình thường chọn những loại được khuyến mại như xà phòng khuyến mại nước xả, dầu ăn khuyến mại hạt nêm... Trong lúc khó khăn này, phải xoay đủ cách để chi tiêu hợp lý nhất", Thủy tâm sự.
Theo VEF