Sự kiện hot
11 năm trước

Búa, chùy, mặt nạ da người tràn lan trên sạp hàng

Đến các cửa hàng bán đồ chơi ở Hà Nội những ngày này rất dễ nhận thấy những mặt hàng đồ chơi ngoại, đồ chơi bạo lực vẫn lấn át các loại đồ chơi sản xuất trong nước.

Đến các cửa hàng bán đồ chơi ở Hà Nội những ngày này rất dễ nhận thấy những mặt hàng đồ chơi ngoại, đồ chơi bạo lực vẫn lấn át các loại đồ chơi sản xuất trong nước.


Tết Trung thu, đồ chơi ngoại lấn át đồ chơi truyền thống. Ảnh: H.Phương.

Bạo lực bủa vây con trẻ

Những đồ chơi mang tính bạo lực như súng ống, dao kiếm và những hình người kinh dị… được ưu tiên trưng bày bắt mắt ở các cửa hàng đồ chơi. Phố Lương Văn Can, phố Hàng Mã vốn nổi tiếng là nơi bán đồ chơi trẻ em lâu nay nhưng các cửa hàng hầu như chỉ bán đồ chơi ngoại, có xu hướng bạo lực. Ghé vào một cửa hàng trên phố này, chúng tôi được người bán hàng quảng cáo: “Ở đây có đủ các loại đồ chơi cho cả bé trai lẫn gái. Đồ chơi cho bé gái ít hơn. Nếu muốn mua cho bé trai, chị có rất nhiều loại được bày ở phía trong, đủ loại súng ngắn, súng trường, dao, kiếm…”. Những loại đồ chơi bạo lực đó có giá khoảng 100.000 - 150.000 đồng/chiếc.

Một chủ cửa hàng cho biết, sở dĩ các cửa hàng ưu tiên nhập những mặt hàng này về bởi nhiều phụ huynh thường chọn mua cho con em mình đồ chơi Trung Quốc vì mẫu mã bắt mắt, sử dụng pin, đèn nhấp nháy, mặt nạ có hình thù kỳ dị... được rất nhiều trẻ em, đặc biệt là các bé trai ưa thích.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các mặt hàng tiêu thụ nhanh, bán chạy vẫn là các sản phẩm mang tính bạo lực như: búa, chùy, đinh ba, mặt nạ da người... Mặc dù giá của các loại đồ chơi này khá cao, giao động từ 60.000 – 120.000 đồng/chiếc nhưng vẫn được trẻ em và phụ huynh ưa chuộng. Đặc biệt có những loại đồ chơi bạo lực còn có thể gây nguy hiểm đối với con người như súng nhựa, kiếm nhựa, đèn chiếu tia laser... đã được đưa vào danh sách cấm nhưng vẫn được “tuồn” vào bán cho những người có nhu cầu.

Chiều 9/9, Đội Quản lý thị trường số 2 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện và thu giữ gần 500 sản phẩm đồ chơi trẻ em không có tem hợp chuẩn, hợp quy, vô chủ tại điểm tập kết số 80 phố Trần Nhật Duật. Trong đó, có 135 sản phẩm đồ chơi trẻ em bạo lực gồm súng các loại. Ngoài ra, Đội còn thu giữ gần 200 bộ quần áo sơ sinh, 90 chăn bông trẻ em và 1.400 sản phẩm đồ dùng gồm kéo và dao dọc giấy. Toàn bộ số sản phẩm trên đều là hàng hóa nhập lậu, có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Một số đồ chơi được nhiều bé gái lựa chọn là đồ “nữ trang” có xuất xứ từ Trung Quốc, bán với giá 10.000 - 15.000 đồng/chiếc. Đó là loại đồ chơi sử dụng nguyên liệu chứa nhiều độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, đã được các cơ quan chức năng khuyến cáo về mức độ nguy hiểm, song chúng vẫn được bày bán công khai.

Hàng dân gian lép vế

Khác với cảnh tấp nập mua bán tại các sạp hàng đồ chơi ngoại nhập, đồ chơi dân gian truyền thống và các mặt hàng đồ chơi khác được sản xuất trong nước như trống cơm, đèn ông sao, đầu lân… vốn đã quen thuộc với giới trẻ trong dịp Trung thu lại trở nên đìu hiu.

Chị Hoàng Thúy Hạnh ở tập thể K9, phường Bách Khoa lo lắng: “Bọn trẻ bây giờ rất thích những đồ chơi có xu hướng bạo lực như súng ống, siêu nhân… Những đồ đó hầu hết đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Từ lâu đã có thông tin đồ chơi Trung Quốc nhiễm độc, chẳng biết đúng sai tới đâu nhưng nếu mua cho các cháu chơi mình rất lo. Dịp Trung thu năm nay, mình muốn mua cho con mình những đồ chơi truyền thống, để cháu hiểu và yêu những món đồ chơi dân gian truyền thống như trống, đèn ông sao, đầu lân, mặt nạ ông địa… nhưng những mặt hàng đó không phải ở cửa hàng nào cũng có. Phải xuống tận phố Hàng Mã mới có bày bán”.

Trên thực tế, nhiều người bán hàng cho biết, rất ít người có chung suy nghĩ với chị Hạnh. “Hầu hết bây giờ phụ huynh đi mua quà cho con đều đưa con theo cùng và đa số đều chọn những đồ chơi súng ống, gươm đao, chứ không thích ông sao, đèn lồng… Vì nhu cầu thực tế đó mà cửa hàng mình nhập hàng truyền thống rất hạn chế”, chị Lành - chủ cửa hàng ở phố Bạch Mai cho biết.

Ở phố Hàng Mã, các mặt hàng đồ chơi truyền thống được bán ra một cách lẻ tẻ và có phần lép vế so với các mặt hàng đồ chơi khác. Mặc dù giá cho những đồ chơi này là khá rẻ: 20.000 đồng/chiếc trống, 10.000 đồng/đèn ông sao, mặt nạ chú Cuội 25.000 đồng/chiếc, đầu lân 35.000 - 45.000 đồng/chiếc... song vẫn không đủ sức thu hút khách hàng.

Trong khi các mặt hàng truyền thống đứng trước nguy cơ biến mất trước sự thờ ơ của người tiêu dùng thì đồ chơi mang tính bạo lực được nhập lậu ồ ạt và bày bán công khai. Để diễn ra tình trạng này, lỗi không chỉ ở cơ quan chức năng, ở các cửa hàng mà các phụ huynh cũng có trách nhiệm khi chính họ đã tự “làm hại” con em mình.

Hà Phương
theo GĐ&XH

Từ khóa: