Sự kiện hot
2 năm trước

'Bức tranh' xám màu của ngành thép

Nhu cầu suy yếu dẫn đến giá thành phẩm giảm mạnh là những yếu tố khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp thép lao dốc trong quý II/2022.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của CTCP Tập đoàn Hòa Phát. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hoà Phát đã nói rằng: "Quý vị hãy đợi đến quý II, III, hết năm sẽ thấy nó thê thảm thế nào. Triển vọng từ nay đến cuối năm, giá thép có thể tiếp tục giảm".

Dù mới trải qua quý II, song lời cảnh báo của Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát đã bắt đầu được chứng minh qua kết quả thực tế của các doanh nghiệp trong ngành.

Screen Shot 2022-07-27 at 12.58.47 AM

Ngày 26/7, doanh nghiệp của ông Trần Đình Long đã công bố BCTC quý II/2022 với doanh thu 37.714 tỷ đồng, tăng 6,41% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 4.023 tỷ đồng, giảm gần 59%, là kết quả thấp nhất trong 7 quý trở lại đây.

Tương tự, Đầu tư thương mại SMC (SMC) cũng báo cáo lợi nhuận quý II giảm 92% về 42 tỷ đồng. Nguyên nhân là do giá thép có xu hướng giảm nhanh dẫn đến giá vốn cao và ảnh hưởng đến việc dự trữ nguyên liệu phục vụ sản xuất và buộc phải dự phòng. Biên lợi nhuận gộp của SMC giảm mạnh từ vùng 10-11% xuống 3% trong quý II.

Đáng chú ý, với sản lượng tiêu thụ quý II giảm 27,3%, giá hàng hóa biến động liên tục, tỷ lệ tăng giá bán so với giá vốn thấp hơn 7,1%, Thép Vicasa – Vnsteel (VCA) đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm đến 98% xuống còn 502 triệu đồng.

Trong khi đó, cùng khoản lỗ hơn 61 tỷ đồng do "chơi" chứng khoán, tình hình kinh doanh chính của Thép Tiến Lên (TLH) cũng không mấy khả quan vào quý II với doanh thu 306,7 tỷ đồng, giảm gần 51% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế hơn 47 tỷ đồng, giảm 12% so với quý II/2021.

Về phần mình, Thép Thủ Đức – Vnsteel (TDS) báo lỗ gần 2 tỷ đồng quý II trong khi cùng kỳ năm trước lãi kỷ lục 34 tỷ đồng. Nguyên nhân là do sản lượng tiêu thụ giảm 50,4%, doanh thu giảm hơn 45% và kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến khoản lỗ gộp 2,5 tỷ đồng.

Screen Shot 2022-07-26 at 11.54.21 PM

Trên thị trường chứng khoán, phản ánh kỳ vọng và tâm lý của nhà đầu tư, phần lớn các cổ phiếu thép đều quay đầu kể từ giai đoạn tháng 3 đến nay, trong đó TLH giảm đến 58,6%, SMC giảm 51%, HPG giảm 44%... Với việc vốn hóa bị "bay" gần 99.000 tỷ đồng chỉ trong 5 tháng, ông lớn ngành thép HPG đã rớt khỏi top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán.

1a-16588161214351572492692
2a-16588161215001934983804

Nếu như trong quý I/2022, ngành thép vẫn được hưởng lợi từ năm 2021 thì khi bước sang quý II, đặc biệt trong cuối tháng 5 và tháng 6, các doanh nghiệp thép đối diện với rất nhiều khó khăn do giá thép sụt giảm mạnh khiến lợi nhuận lao dốc.

Hiện tại, giá thép trong nước đã giữ được ổn định sau khi loạt doanh nghiệp thép hạ giá sản phẩm với mức giảm lên đến 100.000-250.000 đồng/tấn hôm 22/7. Đợt điều chỉnh đó là lần giảm thứ 10 liên tiếp của mặt hàng thép từ ngày 11/5.

Hiệp hội Thép Việt Nam lý giải giá thép xây dựng có 10 đợt giảm liên tiếp do nhu cầu thép giảm trong quý II. Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép đi xuống cũng là một yếu tố khiến giá mặt hàng này liên tục điều chỉnh giảm trong hai tháng qua. Trên thế giới, trong kỳ, sản lượng thép thô cũng tiếp tục giảm do giá nguyên liệu giảm mạnh.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), sản lượng thép thô thế giới của 64 quốc gia đạt 169,5 triệu tấn trong tháng 5, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sắp tới, thị trường thép trong nước và thế giới dự báo tiếp tục khó khăn bởi cuộc chiến ở Ukraine và lạm phát gia tăng. Ngoài ra, chính sách "Zero-COVID" của Trung Quốc cũng đang đè nặng lên giá nguyên liệu thô đầu vào gồm than, quặng sắt cũng như nhu cầu tiêu thụ kim loại.

Screen Shot 2022-07-27 at 1.29.53 AM

Nhiều công ty chứng khoán hạ dự báo triển vọng của ngành thép trong những tháng cuối năm 2022.  Ảnh: Trọng Hiếu.

Tuy nhiên, SSI Research dự báo rằng, giá thép trong thời gian tới khó có thể giảm với tốc độ mạnh như trong những tháng gần đây khi mà tỷ suất lợi nhuận của các công ty Trung Quốc đã giảm xuống mức tối thiểu. Song, sự phục hồi cũng tương đối hạn chế do nhu cầu yếu cho đến khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.

Trong 6 tháng cuối năm, trước áp lực của lạm phát và kiểm soát tín dụng bất động sản, MASVN hạ 15% dự phóng sản lượng thép so với báo cáo trước đây. Cho cả năm 2022, sản lượng thép toàn ngành dự báo sẽ đạt 27,8 triệu tấn, giảm 10% so với năm ngoái. Riêng sản lượng xuất khẩu đạt 7,6 triệu tấn, tăng 1% so với năm ngoái trong khi sản lượng tiêu thụ nội địa chỉ là 20,1 triệu tấn, giảm 13,6% so với năm 2021.

Song song đó, VCBS cho rằng nhu cầu thép vào năm 2022 dự kiến ​sẽ chỉ tăng 0,5% do môi trường bên ngoài ngày càng tồi tệ và chiến tranh Nga-Ukraine và sẽ tăng 4,5% vào năm 2023. Ở các nền kinh tế phát triển, lạm phát và chiến tranh Nga-Ukraine khiến nhu cầu chỉ tăng 1,1% và 2,4% vào các năm 2022 và 2023.

Thanh Trần
Theo nhadautu.vn

Từ khóa: