Thị trường bất động sản 7/3 nổi bật với các thông tin như: Dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai; giá thép biến động; đất Củ Chi đang lên cơn sốt?
Loạt dự án cao tốc dài 1.166 km sẽ được triển khai tại Đồng bằng sông Cửu Long
Hệ thống đường bộ cao tốc vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được quy hoạch có tổng chiều dài khoảng 1.166 km. Trong đó có nhiều dự án cao tốc lớn như Bắc - Nam phía Đông, Châu Đốc - Sóc Trăng, Hồng Ngự - Trà Vinh,...
Hiện khu vực ĐBSCL mới có khoảng 150 km cao tốc đang khai thác, gồm tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, TP HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận.
Quy hoạch nêu rõ, về đường bộ, với hệ thống đường bộ cao tốc trong vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 có tổng chiều dài khoảng 1.166 km, bao gồm ba trục dọc kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng với vùng Đông Nam Bộ và ba trục ngang nhằm tăng cường kết nối với hệ thống cảng biển trong vùng với các cửa khẩu quốc tế.
Cụ thể, các trục dọc gồm tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn TP HCM - Cần Thơ - Cà Mau) dài khoảng 245 km, quy mô 4 - 6 làn xe.
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đoạn Đức Hòa - Rạch Sỏi) dài khoảng 180 km, quy mô 6 làn xe. Tuyến cao tốc TP HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài khoảng 150 km, quy mô 4 làn xe.
Các trục ngang gồm tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài khoảng 191 km, quy mô 6 làn xe. Tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài khoảng 212 km, quy mô 4 làn xe. Tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh dài khoảng 188 km, quy mô 4 làn xe.
Đối với hệ thống quốc lộ, tập trung nâng cấp, cải tạo hệ thống quốc lộ chính yếu, đặc biệt ưu tiên một số tuyến quốc lộ kết nối với các địa phương chưa có đường cao tốc.
Cụ thể gồm các Quốc lộ: N1, 1, 50, 60, 61C, 62, 30, 80, 91, 63, đường Nam sông Hậu, đường Quản Lộ với tổng chiều dài dự kiến khoảng 1.815 km; quy mô theo quy hoạch (cấp IV- II, 2-6 làn xe); duy trì khai thác ổn định các tuyến quốc lộ thứ yếu với tổng chiều dài khoảng 2.351 km (cấp IV- II, 2- 4 làn xe).
Đối với tuyến đường bộ ven biển, do địa phương đầu tư đảm bảo phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự kiến tuyến đi qua các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang với tổng chiều dài khoảng 788 km.
Đối với các tuyến đường liên tỉnh, phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp, thúc đẩy giao lưu thương mại, đầu tư và phát triển giữa các tỉnh trong vùng.
Cụ thể, gồm tuyến Khánh Bình - Chợ Mới (An Giang) - Lấp Vò (Đồng Tháp) dài khoảng 85 km; tuyến An Giang - Kiên Giang - Hậu Giang từ Quốc lộ N1 đến Quốc lộ 61C dài khoảng 130 km; Tuyến Tiền Giang - Long An - kết nối vào Quốc lộ 50 về TP.HCM dài khoảng 30 km; tuyến Sa Đéc (Đồng Tháp) - Ô Môn (Cần Thơ) - Giồng Riềng (Kiên Giang) dài khoảng 77 km.
1,5 tỷ đồng khó mua đất Củ Chi?
Những ngày qua, giới đầu cơ đất ở khu vực huyện Củ Chi (TPHCM) đã đồng loạt cập nhật bảng giá mới. Tùy vào khu vực, vị trí, diện tích, hệ thống hạ tầng, các "đầu nậu" đưa ra những mức tăng khác nhau.
"Tăng cao nhất là khu vực xã Nhuận Đức và Bình Mỹ, tăng giá từng ngày. Em mua sớm đi, tình hình này qua tuần là lại có bảng giá mới, cao hơn giá bây giờ ít nhất cũng vài chục triệu đồng", Nguyễn Tiến - một "cò đất" giới thiệu.
Trong vai một người đi mua đất, phóng viên được Tiến giới thiệu "đầu tư đất ở Củ Chi hiện nay lời nhất TPHCM, lời hơn cả đầu tư ở Thành phố Thủ Đức". So với trước khi có thông tin đề xuất đưa Củ Chi từ huyện lên Thành phố, giá đất tăng 10 - 25%.
Giá thép vừa vượt đỉnh
Sau đợt điều chỉnh mới nhất của giá thép, nhiều doanh nghiệp xây dựng cho biết họ đang phải mua với giá 19.300 - 19.500 đồng/kg cả VAT tùy loại, cao hơn mức đỉnh năm ngoái.
Các doanh nghiệp thép lại vừa tăng giá bán. Cụ thể, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên quyết định tăng giá thép cây, thép cuộn xây dựng 400.000 đồng mỗi tấn.
Công ty CP sản xuất thép Việt Đức cũng thực hiện tăng giá mức 400 đồng/kg (giá chưa bao gồm thuế VAT 10%). Thời gian áp dụng từ 5/3 đến khi công thông báo khác. Theo lý giải từ phía công ty thép Việt Đức, giá thép bán ra tăng do giá phôi thép, giá chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng.
Tương tự, giá bán thép của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - Tisco cũng được thực hiện cập nhật mới từ 5/3.
Sau điều chỉnh, giá thép hiện được nhiều đại lý bán với giá hơn 18.000 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp xây dựng cho biết họ đang phải mua với giá 19.300 - 19.500 đồng/kg cả VAT, tùy loại.
"Mức giá hiện tại đã vượt mốc 18,3 triệu đồng một tấn - mức đỉnh giá hồi tháng 5 năm ngoái. Theo thông tin từ các đại lý, giá thép khả năng còn tăng nữa", giám đốc một doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội lo lắng chia sẻ.
Căn hộ ở tỉnh 40 triệu đồng/m2 vẫn bán chạy vì giá nhà TPHCM quá cao
Theo báo cáo mới đây của Savills Việt Nam, nguồn cung căn hộ sơ cấp tại TPHCM năm 2021 chỉ đạt 11.700 căn, thấp hơn 54% so với 2020 và là mức thấp nhất trong 5 năm qua, dù các chủ đầu tư đã nhanh chóng bán hàng trở lại trong quý IV sau thời gian dài giãn cách xã hội. Ở phân khúc nhà phố và biệt thự, nguồn cung tại TPHCM năm qua cũng giảm đến 65% với chỉ 1.200 sản phẩm, con số thấp kỷ lục từ năm 2016.
Nguồn cung hạn chế, còn nhu cầu từ người mua rất lớn với minh chứng cụ thể tỷ lệ hấp thụ sản phẩm căn hộ lên tới 81%, đã đẩy giá bán bất động sản ở TPHCM tiếp tục tăng. Với dòng sản phẩm căn hộ, Savills thống kê giá bán bình quân các dự án hạng C đã lên tới 56,5 triệu đồng/m2, tăng 27% so với năm ngoái. Còn sản phẩm bất động sản liền thổ với giá bán từ 18 tỷ đồng/căn trở lên ngày càng phổ biến. Riêng trong quý IV/2021, các sản phẩm có giá bán trên 18 tỷ đồng chiếm đến 90% tổng lượng bán ra.
Trong bối cảnh cơn khát nguồn cung vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện tại TPHCM, Bình Dương đang trở thành khu vực có nguồn căn hộ bình dân lý tưởng thay thế nhờ giá bán cạnh tranh hơn cùng tốc độ đô thị hóa cao.
Sức hút của căn hộ chung cư tại khu vực ngoại thành
Nhận thấy sự bất cập về nguồn cung căn hộ tại nội đô, khi quỹ đất không còn nhiều, tiềm năng phát triển thấp, các chủ đầu tư có xu hướng chuyển dịch về ngoại thành bởi dư địa lớn, hạ tầng phát triển.
Trong một hai năm trở lại đây, nguồn cung căn hộ trung cấp tại Hà Nội chủ yếu đến từ các quận huyện thuộc khu vực phía Tây và phía Đông. Cùng với sự dịch chuyển của thị trường bất động sản, người mua nhà có nhiều lựa chọn hơn đối với không gian sống. Thay vì an cư tại trung tâm, trong những không gian chật chội, thiếu tiện ích, khách hàng ưu tiên chọn những căn hộ rộng rãi, đầy đủ tiện nghi ở ngoại thành.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch 5 huyện ngoại thành Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng lên quận vào năm 2025 đã tạo tiền đề cho các huyện này phát triển mạnh mẽ cả về hạ tầng và kinh tế, trở thành trung tâm dân cư mới của thủ đô trong tương lai.
Giao thông hoàn chỉnh, kết nối nhanh chóng, hạ tầng phát triển, đầy đủ tiện ích chăm sóc sức khỏe và giải trí đã giúp khu vực xa trung tâm trở thành miền đất hứa đối với người mua nhà. Một số dự án tại đây có đủ tiện ích, chất lượng trong không gian xanh được quy hoạch hoàn chỉnh, sở hữu mức giá hợp lý với người lao động. Trong đó, những dự án sắp hoàn thiện của chủ đầu tư uy tín thu hút thị trường.
Là dự án tâm huyết của chủ đầu tư Handico 5, Hanhomes Blue Star gây chú ý trên thị trường bất động sản 2022. Sở hữu vị trí trái tim thị trấn Trâu Quỳ, kế cận các khu trung tâm, giáo dục, y tế lớn khu vực, Hanhomes Blue Star được nhiều người mua nhà tìm kiếm.
Tiến Hoàng (tổng hợp)
Theo KTDU