Sự kiện hot
12 năm trước

Buôn lậu xăng dầu hoành hành dữ dội

Buôn lậu xăng dầu qua biên giới, mỗi lít xăng đối tượng buôn lậu chỉ được lãi vài nghìn đồng, nhưng mỗi ngày, một người vận chuyển qua biên giới tới hàng trăm lít xăng thì đó quả là một khoản tiền không dễ bỏ qua.

Buôn lậu xăng dầu qua biên giới, mỗi lít xăng đối tượng buôn lậu chỉ được lãi vài nghìn đồng, nhưng mỗi ngày, một người vận chuyển qua biên giới tới hàng trăm lít xăng thì đó quả là một khoản tiền không dễ bỏ qua. 

Có đối tượng, chỉ trong 1 ngày đã thu lời bất chính tới 30 triệu đồng. Không những thế, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, các đối tượng buôn lậu đã thực hiện những “phi vụ làm ăn” lớn, vận chuyển hàng nghìn tấn xăng dầu,  “ăn”chênh lệch tới hàng trăm tỷ đồng. Điều đó khiến cho tội phạm buôn lậu xăng dầu ngày càng hoành hành dữ dội gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra truy bắt.

Buôn lậu nhờ... tạm nhập, tái xuất

Đó là thủ đoạn mới nhất vừa được lực lượng hải quan phát hiện trong một chuyên án kéo dài 2 tháng của Hải đội 2, Tổng cục Hải quan. Tạm nhập tái xuất được quy định trong Quyết định số 1311/1998/QĐ-BTM của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) ngày 31-10-1998 là việc thương nhân Việt Nam mua hàng của một nước để bán cho một nước khác, có làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam. Tạm nhập tái xuất được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: hợp đồng mua hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước xuất khẩu và hợp đồng bán hàng do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước nhập khẩu. Hợp đồng mua hàng có thể ký trước hoặc sau hợp đồng bán hàng.

Lợi dụng quy định này, tàu Giang Châu (quốc tịch Trung Quốc và Campuchia) đã mua xăng dầu từ Việt Nam nhưng không vận chuyển về Trung Quốc mà bán cho các trùm xăng dầu lậu của Việt Nam để hưởng chênh lệch. Thời điểm bị bắt giữ vào tối 28-7, tại vùng biển giáp ranh giữa hai tỉnh Nam Định và Thanh Hóa, tàu Giang Châu chứa 2.000 tấn xăng đang bơm sang ba tàu Hoàng Sơn 09, Hoàng Sơn 02 và Minh Châu 08 (đều thuộc Công ty TNHH Hoàng Sơn, trụ sở tại Thanh Hóa) thì bị bắt quả tang. Lực lượng chức năng tạm giữ bốn tàu và 23 người liên quan, trong đó có 9 người Trung Quốc.

Qua điều tra, cơ quan hải quan cho biết, đơn vị mua hàng là Công ty TNHH Hồng Phát (trụ sở tại Bắc Hải, Quảng Tây, Trung Quốc). Đơn vị bán hàng là Công ty TNHH một thành viên xăng dầu hàng không Việt Nam (trụ sở tại Long Biên, Hà Nội). Đây là lần đầu tiên hoạt động buôn lậu xăng dầu với số lượng lớn dưới hình thức tạm nhập tái xuất được phát hiện tại khu vực miền Trung, nhưng không phải là lần đầu và duy nhất các đối tượng thực hiện hành vi gian lận này mà đã hoạt động từ rất lâu với tần suất hoạt động trung bình là 4 chuyến/tháng. Đường dây này được nhận định chỉ là một trong số các đường dây lợi dụng hình thức kinh doanh tạm nhập tái xuất để gian lận, trốn thuế.

Vượt biên để buôn lậu

Đó là thực trạng đã diễn ra nhiều năm về trước tại các tỉnh biên giới Tây Nam. Chỉ đến khi Việt Nam điều chỉnh giá xăng lên cao thì nạn buôn lậu mới có dấu hiệu giảm xuống. Nhưng thời gian gần đây, các nước lân cận lại tiếp tục điều chỉnh giá xăng cao hơn giá xăng ở Việt Nam thì tình trạng này lại tái diễn. Người dân khi mang xăng bán sang Campuchia, mỗi lít chỉ chênh lệch vài nghìn nhưng mỗi ngày bán hàng trăm lít thì đó là một số tiền không dễ bỏ qua. Thậm chí có những người chỉ trong một ngày đêm đã thu lời bất chính từ tiền chênh lệch lên tới 30 triệu đồng, trong khi phạt hành chính mức cao nhất chỉ có 15 triệu đồng. Đối tượng tham gia xuất lậu xăng dầu chủ yếu là cư dân khu vực biên giới, với thủ đoạn giả người tiêu dùng mua xăng dầu vào can nhựa 5-10 lít, sau đó đổ vào can nhựa loại 30 lít hoặc túi nylon để vận chuyển sang biên giới bằng xe gắn máy, xe đạp thậm chí vác bộ sang bên kia biên giới.

Bên cạnh đó, một số tàu thuyền lợi dụng việc đánh bắt hải sản trên biển, chuyên chở hàng hóa qua biên giới cũng chở xăng dầu để xuất lậu. Một số thương nhân hai bên biên giới còn tổ chức thuê cư dân biên giới vận chuyển xăng dầu qua biên giới với số tiền lãi từ 2.000 đồng - 3.000 đồng/lít. Mỗi ngày một người có thể vận chuyển từ 100 - 200 lít.  Theo số liệu của Bộ Công Thương, số lượng xăng dầu bán ra trong 1 tháng của một cửa hàng khu vực biên giới khoảng 200.000 lít, tăng gấp 2 lần so với những tháng đầu năm do các hoạt động buôn lậu.

Buôn lậu ở phao số 0

Thủ đoạn  này thường được các đối tượng trong nước cấu kết với đối tượng nước ngoài sử dụng vì bơm xăng dầu ở phao số 0 hoặc các tọa độ trên biển rất khó bị cơ quan chức năng phát hiện. Đối tượng Võ Hoàng Dũng (Dũng “Huế” trú tại Kiên Giang) bằng thủ đoạn này đến thời điểm bị bắt, đã tiêu thụ trót lọt gần 25 triệu lít dầu với tổng giá trị hơn 330 tỷ đồng, thu lợi bất chính khoảng 1,3 tỷ đồng. Đó chỉ là số tiền mà cơ quan chức năng điều tra được còn trên thực tế có lẽ con số đó phải gấp nhiều lần.

Thủ đoạn này cũng được cặp vợ chồng Thái - Việt Thaveepol Som Chai (quốc tịch Thái Lan) và Ngô Thị Linh Phương (xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất Kiên Giang) sử dụng, buôn bán trót lọt số xăng dầu với tổng giá trị 80 tỷ đồng. Theo điều tra của cơ quan công an,  năm 2002, Som Chai sang Kiên Giang làm ăn, lấy Phương rồi mở công ty hoạt động ngành nghề kinh doanh lắp đặt hệ thống làm lạnh cho tàu đánh bắt hải sản. Vì nghề nghiệp của mình mà 2 vợ chồng quen biết nhiều chủ phương tiện đánh bắt ngoài khơi. Tháng 5-2010 hai người gặp một người đàn ông ở Campuchia rủ mua dầu ở Thái Lan mang về bán vì giá của hai nước chênh lệch nhau khá cao. Trong nửa năm, vợ chồng Som Chai mua dầu với giá dao động 10.500-11.000 đồng/lít để bán lại cho tàu cá Việt Nam 11.000-12.500 đồng/lít, địa điểm giao dịch diễn ra ngay trên biển để tránh bị phát hiện. Tùy theo từng đợt đánh bắt mà mỗi ngày Som Chai tiêu thụ 5.000 - 40.000 lít dầu. Đến ngày bị bắt tổng số dầu mà vợ chồng Som Chai buôn lậu trị giá khoảng 80 tỷ đồng.

Những biện pháp chặn buôn lậu

Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô, Cục trưởng Cục phòng chống ma túy và tội phạm Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng cho biết tình trạng buôn lậu xăng dầu không chỉ diễn ra ở miền Tây mà còn xảy ra ở khu vực miền Trung, miền Bắc kể cả trên biển với số lượng không nhỏ, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Hơn nữa, tình trạng buôn lậu diễn ra dai dẳng, rất khó ngăn chặn. Lực lượng chức năng đã bắt giữ xử lý nhiều vụ đối tượng buôn lậu xăng dầu nhưng chỉ như bắt cóc bỏ đĩa. Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô thì để  giải quyết một cách có hiệu quả tình trạng buôn lậu xăng đầu thì  không chỉ có các lực lượng chức năng, mà cần có chính quyền huyện, xã vào cuộc.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khi trao đổi với báo giới đã nói rằng thực tế hoạt động chống buôn lậu cho thấy trang thiết bị phục vụ cho công tác này của ngành Hải quan còn quá thô sơ, trong khi đó, các đối tượng buôn lậu thường được trang bị phương tiện hiện đại và hành vi gian lận ngày càng tinh vi. Ông Nguyễn Văn Cẩn kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính có những chính sách phù hợp nhằm bổ sung thêm trang thiết bị cho lực lượng chống buôn lậu, qua đó góp phần chống thất thu ngân sách Nhà nước.

Thực tế cho thấy trong công tác điều hành, chúng ta đã thành lập ban chỉ đạo 127 (Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại) tại các tỉnh, thành phố nhưng công tác phòng chống buôn lậu vẫn chưa đạt hiệu quả cao vì các đối tượng thường sử dụng địa bàn giáp biên để trao đổi mua bán, gây khó khăn cho cơ quan chức năng.

Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng dầu, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, trang bị thêm thiết bị phục vụ công tác điều tra mật phục của cơ quan chức năng, thì việc thực hiện nghiêm túc thông tư 28/2011 của Bộ Công thương về việc buôn bán xăng dầu ở khu vực biên giới cũng hết sức quan trọng. Theo đó, việc bán xăng dầu chỉ được bơm trực tiếp vào bình chứa chính của phương tiện vãng lai nước ngoài, không bán vào các dụng cụ chứa đựng khác, kể cả bình phụ chứa nhiên liệu gắn ở phương tiện và phải lập hóa đơn, ghi rõ biển kiểm soát của phương tiện.

Châu Anh
theo ANTĐ

Từ khóa: