Theo BVSC, toàn bộ lượng tín phiếu lưu hành đã đáo hạn hết nên thị trường mở sẽ không còn được bơm ròng mạnh như thời gian vừa qua. Trên cơ sở đó, lãi suất liên ngân hàng có thể sẽ sớm bật tăng trở lại trong những tuần tới.
Theo số liệu của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tuần trước (8/6 - 12/6), trên thị trường mở đã có 2.000 tỉ đồng tín phiếu đáo hạn và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thực hiện hoạt động phát hành mới. Do đó, 2.000 tỉ đồng đã được bơm ròng trực tiếp vào thị trường vẫn đang dồi dào thanh khoản trong thời gian gần đây.
Như vậy, toàn bộ 147.000 tỉ đồng tín phiếu lưu hành đã đáo hạn hết. Trong tuần tới, nếu NHNN không thực hiện hoạt động phát hành mới thì sẽ thị trường mở sẽ không xuất hiện thêm hoạt động bơm/hút ròng nào nữa.
Cùng với động thái bơm ròng của nhà điều hành, lãi suất liên ngân hàng tuần qua tiếp tục giảm ở các kì hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, lần lượt là 0,07 điểm %, 0,13 điểm % và 0,20 điểm %, đưa lãi suất các kì hạn tiếp tục xuống mức thấp, lần lượt ở mức 0,18%/năm, 0,26%/năm và 0,39%/năm.
Trong tuần tới sẽ không còn lượng tín phiếu lớn nào đáo hạn nữa nên thị trường mở sẽ không còn được bơm ròng mạnh như thời gian vừa qua. Trên cơ sở đó, BVSC cho rằng lãi suất liên ngân hàng có thể sẽ sớm bật tăng trở lại trong những tuần tới.
Trên thị trường ngoại tệ, tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm 23 đồng, xuống mức 23.222 VND/USD. Tỷ giá tại NHTM cũng giảm mạnh 57 đồng, xuống mức 23.203 VND/USD.
Theo BVSC, nguồn cung USD dồi dào giúp tỷ giá USD/VND tiếp tục giảm mạnh.
Trong tháng 5, cán cân xuất nhập khẩu tiếp tục thặng dư hơn 1 tỉ USD, đưa mức thặng dư trong 5 tháng đầu năm lên khoảng 3,5 tỉ USD. Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ có xu hướng mất giá nhanh trong những tuần gần đây có thể gây áp lực lên VND khi khiến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị đắt lên tương đối.
Mặc dù vậy, BVSC cho rằng duy trì tỷ giá ổn định với mức giảm giá vừa phải là một trong những ưu tiên trong điều hành chính sách của Việt Nam cộng thêm với nguồn cung ngoại tệ dồi dào và dự trữ ngoại hối ở mức lớn sẽ tiếp tục giúp VND ổn định trong thời gian tới.
Quốc Thụy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng