Sự kiện hot
12 năm trước

Cá tầm nhập lậu và tác hại từ sản xuất đến tiêu dùng

Dù chưa có thống kê chính xác nhưng Bộ NN&PTNT thừa nhận, việc nhập lậu cá tầm thương phẩm qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đang diễn biến rất phức tạp.

Dù chưa có thống kê chính xác nhưng Bộ NN&PTNT thừa nhận, việc nhập lậu cá tầm thương phẩm qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đang diễn biến rất phức tạp.

Đáng lo hơn, cá tầm nhập khẩu vào Việt Nam không qua kiểm dịch, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản và nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.


Thông tin trên dược phản ánh chính thức tại Hội nghị tổng kết hoạt động Hội Phát triển cá nước vừa diễn ra tại Đà Lạt, Lâm Đồng.

Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Trần Văn Hào cam kết thời gian tới đây, Hội sẽ thực hiện các giải pháp cụ thể để đấu tranh với các sản phẩm cá tầm nhập lậu.

Theo ông Hào, Bộ NN&PTNT đã từng có văn bản đề nghị các bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công thương, Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu có biện pháp tăng cường kiểm soát và xử lý việc nhập lậu cá tầm thương phẩm qua cửa khẩu biên giới, nhưng mọi cố gắng dường như chưa thỏa đáng.

Sau 9 năm kể từ ngày được đưa vào nuôi thử nghiệm ở Việt Nam, đến nay, cá tầm đã được nuôi ở cả 3 miền, trong đó nhiều nhất là tại Lâm Đồng. Sản lượng cá tầm dự kiến trong năm 2013 là 900 tấn, trong đó Lâm Đồng 450 tấn, các tỉnh miền núi phía bắc 250 tấn, miền Nam và Tây nguyên (trừ Lâm Đồng) 240 tấn. Cá tầm là cá đặc sản, người nuôi đang có lãi. Nhưng hiện nay, cá tầm Trung Quốc thẩm lậu vào nước ta bằng cả đường bộ lẫn đường thủy, mỗi ngày cả chục tấn đã khiến nhiều người không dám nuôi nữa

Ông Nguyễn Trường Toàn, Giám đốc Công ty Trường Toàn, người đang cung ứng cá tầm Việt Nam và tham gia phân phối cá tầm Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định, gần như 100% cá tầm Trung Quốc ở thị trường Việt Nam đều là nhập lậu.

Thực tế này cảnh báo, người tiêu dùng trong nước đang bị lừa khi nhiều nhà hàng, siêu thị đang bán cá tầm Trung Quốc “đội lốt” cá tầm Việt Nam. Tổng giám đốc Công ty CP cá tầm Việt Nam Lê Anh Đức cũng cho rằng, tình trạng này không chỉ gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi cá tầm trong nước, mà còn gây nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản và nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng do không qua kiểm dịch.

Để ngăn chặn tình trạng này, một trong những việc phải làm ngay là siết chặt khâu kiểm tra, xử lý của các ngành chức năng ở khu vực biên giới và các địa phương phía Bắc giáp với Hà Nội.

Mặc dù, cá tầm nhập lậu vào Việt Nam được trinh sát Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường xác định theo 2 đường chính là khu vực giáp biên Quảng Ninh lạng Sơn và Cao Bằng. Tuy nhiên, so với nầm lợn, lòng trâu bò nhập lậu thì, “bắt” cá lậu khó hơn nhiều. Bởi theo quy định hiện hành, cá thương phẩm (trừ cá giống) vận chuyển trong nước không cần qua kiểm dịch. Để chứng minh cá nhập lậu từ nước ngoài, buộc các chủ hàng thừa nhận hành vi vi phạm.

Xác định rõ đường đi của cá tầm nhập lậu là vậy, thế nhưng các lực lượng chức năng dù vất vả, song các biện pháp ngăn chặn dường như là khó.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, ông Vy Công Tường khẳng định, cho đến nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chưa phát hiện, bắt giữ được bất cứ trường hợp nào nhập cá tầm qua cửa khẩu. Tuy nhiên, qua đường mòn, cá tầm có thể vào sâu trong nội địa.

Còn Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh Phạm Trung Vịnh nói, cá tầm nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu đi qua đường mòn, lối mở. Khi đã vào bên trong, việc xác định cá tầm Trung Quốc và cá tầm Việt Nam là khó khăn. Thực ra lực lượng hải quan mới xác định, ngăn chặn từ ngoài biên giới, còn khi vào bên trong thì chưa bắt được vụ nào.

Cùng với tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu, hải quan Quảng Ninh phối hợp với bộ đội biên phòng rất chú trọng tới các lối mở, đường biên nhằm ngăn chặn kịp thời các hoạt động nhập lậu. Ngành chức năng tỉnh Quảng Ninh chủ động đấu tranh và triệt phá các đối tượng đầu nậu, các địa điểm tập kết, thu gom thủy sản nhập lậu qua biên giới. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng vận động các doanh nghiệp, nhân dân không buôn bán, vận chuyển, sử dụng cá tầm nhập lậu, gian lận thương mại và tham gia tố giác tội phạm...

Theo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công An TP. Hà Nội, có ít nhất 2 lý do khiến loại hàng này chưa thể được chặn đứng một sớm một chiều là do nhu cầu tiêu thụ cá khi nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ, giá bán một số loại cá trong nước lại cao hơn hàng lậu từ 30 - 40%.

Thứ nữa là vì sự buông lỏng trong kiểm tra, xử lý của các ngành chức năng ở khu vực biên giới và các địa phương phía Bắc giáp với Hà Nội. Trong 6 vụ “cất lưới” những ngày qua, lực lượng công an phát hiện chủ một số xe cá sử dụng giấy kiểm dịch quay vòng. Giấy kiểm dịch do Chi Cục thú y tỉnh Ninh Bình cấp, nơi có các trại cá giống, hồ cá thương phẩm. Giấy kiểm dịch cá có hạn dài tới 10 ngày, với lộ trình di chuyển: Ninh Bình - Quảng Ninh - Hà Nội. Nếu không cử trinh sát đeo bám xe hàng từ khu vực biên giới, với bộ giấy kiểm dịch này, trường hợp lực lượng chức năng Hà Nội có chặn xe cũng để lọt vi phạm, bởi những tập giấy tờ, hợp đồng vận chuyển cá hợp lệ.

Đây cũng là lý do vì sao Cá Trung Quốc về Hà Nội không giảm, di chuyển ngày càng tinh vi nhằm đối phó với sự kiểm tra, bắt giữ của lực lượng chức năng.

Tiến sĩ Trần Thị Nắng Thu, Bộ môn nuôi trồng Thủy sản, Đại học Nông nghiệp (Hà Nội) cho biết, cá tầm là giống cá xứ lạnh. Ở nước ta, giống cá này thường được nuôi ở nơi có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp như Đà Lạt, Sapa, Thái Nguyên. Sở dĩ, giá cá tầm trong nước đắt không chỉ bởi điều kiện nuôi khó khăn mà còn do Việt Nam chưa chủ động được về con giống và thức ăn. Tất cả đều phải nhập từ các nước Đông Âu. Việc nuôi cá tầm tuân thủ đúng quy trình nuôi nên chất lượng rất tốt. Bước đầu Việt Nam đã sản xuất được thức ăn nuôi cá nhưng giá thành vẫn còn cao.

Theo bà Thu, hiện không thể biết người Trung Quốc nuôi cá bằng thức ăn gì, trong môi trường thế nào, nhất là các tồn dư kháng sinh, chất kích thích sinh trưởng cấm không được dùng trồng thủy sản... với những tai tiếng về an toàn thực phẩm Trung Quốc hiện nay thì người dân nên cẩn thận với cá tầm nhập lậu.

 Bảo Thái
theo Thanh tra

Từ khóa: