Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý đã cấm tư nhân bán xăng theo kiểu tự phát. Thế nhưng theo ghi nhận của phóng viên Lao Động thì việc cấm này mới dừng lại ở chủ trương. Chính vì thế mà tình trạng bán xăng kiểu "can nhôm, chai nhựa" vẫn tràn lan trên mọi tuyến đường, vỉa hè.
Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý đã cấm tư nhân bán xăng theo kiểu tự phát. Thế nhưng theo ghi nhận của phóng viên Lao Động thì việc cấm này mới dừng lại ở chủ trương. Chính vì thế mà tình trạng bán xăng kiểu "can nhôm, chai nhựa" vẫn tràn lan trên mọi tuyến đường, vỉa hè.
Theo ghi nhận của PV Lao Động ngày 29.2, việc bán xăng dầu kiểu "can nhôm, chai nhựa" vẫn đang diễn ra tràn lan trên nhiều tuyến phố, vỉa hè. Nhiều cá nhân tự bày bán xăng theo hình thức này với giá cao hơn tại các cây xăng. Điều đáng nói là sự việc này diễn ra công khai ở hầu hết các tuyến phố như Kim Liên, đường Láng, Trung Kính, Cầu Giấy..., thế nhưng tuyệt nhiên không có đơn vị nào thực hiện xử lý.
Xăng được bán công khai trên các đường phố Hà Nội.
Tại một cuộc hội thảo mới đây về nguyên nhân các vụ cháy ôtô, xe máy do Sở KHCN Hà Nội tổ chức, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự Hoàng Mạnh Hùng cho biết, bản thân ông và các đồng nghiệp đã điều tra rất nhiều vụ cháy và có thể khẳng định rằng nghi vấn chính của việc cháy xe bắt nguồn từ xăng. Cụ thể là chỉ cần pha một liều lượng nhỏ acetone vào xăng thì chỉ số octan tăng lên rất cao. Acetone là chất dung môi mạnh nên làm hỏng nhanh các chi tiết bằng nhựa và caosu trong động cơ như gioăng, phớt... làm độ kín khít các chi tiết của động cơ bị giảm. Còn nếu xăng bị pha methanol thì chất này có tính axít yếu tác dụng với ôxít nhôm. Theo quá trình phản ứng, tác dụng này sẽ sinh ra khí hydro và khí hydro nhẹ tự giải phóng ra ngoài qua các khe hở chất dẻo. Khi xe dừng, nồng độ hydro trong không khí từ 4 đến 76%, nằm trong mức nồng độ gây tự cháy của hydro rất cao.
Theo một người bán xăng ở đường Trung Kính (Cầu Giấy), thì hình thức bán xăng tự phát kiểu này chủ yếu đáp ứng cho những xe hết xăng giữa đường mà không gần cây xăng. Dù cho rằng không biết cách pha chế phụ gia vào xăng, song người này cho rằng khả năng đong thiếu và bán đắt hơn xăng tại cây từ 5.000 - 10.000đ/lít là... đương nhiên. Và thực tế cho thấy, những người kinh doanh xăng vỉa hè sẽ mua xăng 92 về nhưng bán một giá chung là từ 30.000đ/lít trở lên.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, kinh doanh xăng dầu vỉa hè là trái phép cần phải dẹp bỏ. Ông Hùng khuyến cáo NTD khi mua xăng kiểu này đã và đang tiếp tay cho dịch vụ trái phép và họ rất có thể chấp nhận mọi rủi ro khi mua xăng tại đây. Cũng theo ông Hùng, thời gian gần đây liên tục có những vụ cháy xe, nhưng Hội Bảo vệ NTD chưa nhận được bất kỳ thông tin khiếu nại nào về các vụ xe cháy.
Đặng Tiến
Theo Lao dong