Tình trạng rút vốn tại các nền kinh tế mới nổi gia tăng sau khi Fed nhiều lần nâng lãi suất và triển vọng tăng trưởng một số nền kinh tế lớn xấu đi.
Làn sóng thoái vốn còn lan đến một số nền kinh tế mới nổi lớn, có thế mạnh về xuất khẩu hàng hóa.
Các điều kiện tài chính toàn cầu sẽ không sớm thay đổi theo chiều hướng có lợi cho các nền kinh tế mới nổi.
Nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các thị trường mới nổi tháng thứ năm liên tiếp, dài nhất trong lịch sử, qua đó cho thấy quan ngại suy thoái và các đợt tăng lãi suất trên quy mô toàn cầu đang ảnh hưởng tới các quốc gia đang phát triển.
Trong tháng 7, dòng vốn bị rút ra thị trường trái phiếu và cổ phiếu tại các nền kinh tế mới nổi chạm ngưỡng 10,5 tỷ USD, theo dữ liệu thống kê bởi Viện Tài chính Quốc tế (IIF). Tổng cộng, trong năm tháng qua, dòng vốn chảy khỏi các nền kinh tế này vượt 38 tỷ USD.
Hiện tượng trên làm gia tăng rủi ro nổ ra một cuộc khủng hoảng tài chính tại nhiều nền kinh tế đang phát triển. Trong ba tháng qua, Sri Lanka mất khả năng thanh toán nhiều khoản nợ nước ngoài, trong khi đó, Bangladesh và Pakistan đều phải cầu cứu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Và con số này được dự báo sẽ chưa dừng lại.
Nhiều quốc gia đang phát triển thuộc nhóm thu nhập trung bình và thấp đang phải đối diện với tình trạng đồng nội tệ mất giá và chi phí tài chính tăng cao, bắt nguồn từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất và quan ngại suy thoái gia tăng tại một số nền kinh tế lớn. Trong tuần vừa qua, Mỹ công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm quý thứ hai liên tiếp, đồng nghĩa với một cuộc suy thoái kỹ thuật.
“Các nền kinh tế mới nổi đang trải qua một năm đầy biến động”, theo Karthik Sankaran, Chiến lược gia cấp cao tại Corpay.
Nhà đầu tư cũng rút khoảng 30 tỷ USD từ các quỹ đầu tư trái phiếu ngoại tệ tại các thị trường mới nổi trong năm nay. Các quỹ đầu tư này dùng tiền đầu tư vào trái phiếu được phát hành trên thị trường vốn tại các nền kinh tế phát triển, theo dữ liệu của JPMorgan.
Trái phiếu ngoại tệ tại ít nhất 20 thị trường cận biên và mới nổi đang được giao dịch với mức lợi suất cao hơn 10 điểm phần trăm so với trái phiếu chính phủ Mỹ, theo dữ liệu của JPMorgan. Sự chênh lệch lớn như vậy thường được coi là chỉ dấu về một giai đoạn khó khăn tài chính và nguy hiểm hơn là một vụ vỡ nợ.
Tâm lý nhà đầu tư đảo chiều so với giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022 khi họ kỳ vọng các nền kinh tế mới nổi sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Tính đến cuối tháng 4, đồng tiền nội tệ và các loại hình tài sản tại một số nền kinh tế mới nổi có thế mạnh về xuất khẩu hàng hóa như Brazil và Colombia vẫn tương đối ổn định trước tình trạng giá dầu và nhiều nguyên liệu thô tăng cao sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Tuy nhiên, quan ngại trước lạm phát, suy thoái toàn cầu, bên cạnh đó là các đợt tăng lãi suất tại Mỹ và sự chững lại của kinh tế Trung Quốc đã khiến nhà đầu tư rời khỏi các thị trường này.
Jonathan Fortun Vargas, Chuyên gia kinh tế tại IIF, nhận định tình trạng rút vốn đang ngày một lan rộng trong nhóm các nền kinh tế mới nổi. Trước đây, dòng chảy vốn ra khỏi quốc gia này thường cân bằng với dòng vốn chảy vào một quốc gia khác khác.
“Lần này, tâm lý tiêu cực được trải đều”, ông nói.
Các chuyên gia phân tích đồng thời cảnh báo rằng các điều kiện tài chính toàn cầu sẽ không sớm thay đổi theo chiều hướng có lợi cho các nền kinh tế mới nổi.
“Tâm thế của Fed ở thời điểm hiện tại khác rất nhiều so với các chu kỳ tăng lãi suất trước”, theo Adam Wolfe, nhà kinh tế thị trường mới nổi tại Absolute Strategy Research. “Họ sẵn sàng đẩy nền kinh tế vào suy thoái và gây ra sự xáo trộn lớn trên các thị trường tài chính nhằm kéo giảm lạm phát”.
Không nhiều dấu hiệu hồi phục của kinh tế Trung Quốc, thị trường mới nổi lớn nhất thế giới, ông cảnh báo. Điều này hạn chế khả năng thu hút vốn của một số quốc gia đang phát triển có quan hệ thương mại mật thiết đối với nền kinh tế số hai thế giới.
“Hệ thống tài chính của Trung Quốc đang gặp khó trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại từ năm 2021, hạn chế khả năng tái cấp vốn của lĩnh vực ngân hàng Trung Quốc cho các nền kinh tế mới nổi khác”, Wolfe chia sẻ.
Một báo cáo gần đây làm tăng quan ngại liên quan tới đà phục hồi nền kinh tế số hai thế giới. Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) lĩnh vực sản xuất, giảm từ 50,2 điểm trong tháng 6 xuống 49 điểm trong tháng 7, đồng nghĩa với việc hoạt động sản xuất, một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế Trung Quốc, đang giảm.
Trong khi đó, việc Sri Lanka mất khả năng thanh toán nợ nước ngoài khiến cho nhà đầu tư liên tục đặt ra câu hỏi: đâu sẽ là “nạn nhân” tiếp theo cần tham gia quá trình tái cấu trúc?
Ví dụ, lợi suất giữa trái phiếu chính phủ Mỹ với trái phiếu ngoại tệ của chính phủ Ghana gấp gần hai lần trong năm nay do nhà đầu tư lo ngại quốc gia này mất khả năng thanh toán hoặc phải tái cấu trúc các khoản nợ của mình. Chi phí nợ tăng cao đã “vắt kiệt” dự trữ ngoại hối của Ghana, từ 9,7 tỷ USD vào cuối năm 2021 xuống 7,7 tỷ USD trong tháng 6 vừa qua, tương đương 1 tỷ USD mỗi quý.
Nếu trên tình trạng này tiếp diễn, “chỉ trong vòng bốn quý nữa, dự trữ ngoại hối của quốc gia này sẽ rơi xuống ngưỡng báo động”, theo Kevin Daly, Giám đốc đầu tư tại Abrdn. Chính phủ Ghana gần như chắc chắn không thể hoàn thành các mục tiêu tài khóa trong năm nay, do đó, dự trữ ngoại hối của quốc gia này sẽ tiếp tục giảm, ông bổ sung.
Chi phí tài chính của các nền kinh tế mới nổi lớn như Brazil, Mexico, Ấn Độ và Nam Phi cũng tăng lên trong năm nay, nhưng với tốc độ thấp hơn. Nhiều nền kinh tế lớn tỏ ra chủ động trong cuộc chiến lạm phát, áp dụng một loạt các chính sách nhằm bảo vệ nền kinh tế khỏi các cú sốc từ bên ngoài.
Nền kinh tế mới nổi lớn khiến giới chuyên gia lo lắng nhất hiện nay là Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này cam kết chi trả các khoản trượt giá đồng nội tệ cho người gửi tiền để họ tiếp tục giữ lại đồng lira, làm gia tăng gánh nặng tài khóa. Giải pháp kể trên chỉ phát huy tác dụng một khi Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai, điều rất hiếm xảy ra, Wolfe chia sẻ.
Tuy nhiên, một số nền kinh tế mới nổi lớn khác cũng đang phải đối diện với áp lực tương tự. Sự phụ thuộc vào nguồn vốn đi vay đồng nghĩa các chính phủ sẽ buộc phải “hãm phanh” nhu cầu nội địa nhằm kiểm soát các khoản nợ, nhưng đổi lại là rủi ro suy thoái.
Fortun Vargas cho biết các nền kinh tế rất khó để thoát khỏi xu hướng thoái vốn này. “Điều bất ngờ là tâm lý nhà đầu tư thay đổi quá nhanh”, ông nói. “Các quốc gia mạnh về xuất khẩu hàng hóa vẫn là điểm đến lý tưởng của nhiều nhà đầu tư trong một thời gian ngắn trước. Nhưng mọi chuyện giờ đã khác”.
Trọng Đại
Theo ndh.vn