Từ tháng 7/2020 đến tháng 3/2021, qua hệ thống kỹ thuật, các nhà mạng đã phát hiện và ngăn chặn 29.497.735 cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.
Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông) vừa công bố số liệu mới nhất về ngăn chặn cuộc gọi rác, quấy rối người tiêu dùng. Theo đó, kể từ tháng 7/2020-3/2021, các nhà mạng đã chặn 128.970 cuộc gọi có dấu hiệu nghi vấn là cuộc gọi rác.
Bên cạnh đó, bằng cách sử dụng hệ thống kỹ thuật, nhà mạng đã phát hiện và ngăn chặn gần 29,5 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Riêng trong 3 tháng đầu năm, số cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo bị chặn là hơn 8,5 triệu cuộc.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, 5 nhà mạng bao gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và I-Telecom đã triển khai các giải pháp truyền thông và kỹ thuật để ngăn chặn cuộc gọi giả mạo số điện thoại, cuộc gọi rác quấy rối người tiêu dùng. Trong thời gian tới, Cục Viễn thông tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp quản lý, xử lý vi phạm về SIM rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
Ngoài ra, Cục Viễn thông cũng phối hợp với các nhà mạng triển khai các giải pháp kỹ thuật ngăn chặn cuộc gọi giả mạo số điện thoại, ngăn chặn tình trạng mua bán SIM kích hoạt sẵn...
Vào tháng 7/2020, Cục Viễn thông đã ra văn bản gửi các nhà mạng yêu cầu thực hiện nghiêm việc ngăn chặn cuộc gọi rác. Trong văn bản này, Cục đã thống nhất với các nhà mạng về cách hiểu thế nào là cuộc gọi rác, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm của nhà mạng đối với việc ngăn chặn hành vi phát tán cuộc gọi rác, bảo vệ người tiêu dùng. Trong trường hợp không thực hiện ngăn chặn cuộc gọi rác, nhà mạng có thể bị xem xét xử lý theo quy định.
Cơ quan chức năng lưu ý người dùng cũng có thể và cần chủ động tham gia đóng góp nhằm giải quyết dứt điểm vấn nạn cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Cụ thể, sau mỗi cuộc gọi từ số thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác, nhà mạng sẽ gửi đi câu hỏi dưới dạng tin nhắn USSD để thu thập ý kiến người dùng. Lúc này, người dùng cần phối hợp trả lời tin nhắn để phản ánh cụ thể về nguồn phát sinh cuộc gọi rác.
Liên quan tới vấn đề trên, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 91 về chống tin nhắn rác (TNR), thư điện tử rác (TĐTR), cuộc gọi rác (CGR) quy định về chống TNR, TĐTR, CGR và quy định về quảng cáo bằng tin nhắn, thư điện tử và gọi điện thoại; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và bổ sung quy định xử lý vi phạm hành chính về TNR, TĐTR, CGR. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-2020.
Theo đó, Nghị định 91 quy định 8 biện pháp phòng chống, ngăn chặn TNR, TĐTR, CGR và Cục An toàn thông tin (ATTT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan được giao điều phối ngăn chặn, xử lý TNR, TĐTR, CGR.
Nghị định quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tổ chức thiết lập mạng viễn thông dùng riêng, phải hướng dẫn người dùng về cách thức chống TNR, CGR... Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thư điện tử có trách nhiệm hướng dẫn người dùng về cách thức chống TĐTR. Ngoài ra, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải có biện pháp chặn, lọc, cập nhật danh sách các nguồn phát tán TĐTR và có giải pháp để tránh mất mát và ngăn chặn nhầm thư điện tử của người dùng...
Nghị định 91 cũng quy định danh sách không quảng cáo là tập hợp số điện thoại mà người có quyền sử dụng số điện thoại đó đã đăng ký không chấp nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo nào. Cùng với đó, Cục ATTT tổ chức, xây dựng, định kỳ cập nhật và công khai trên cổng/trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông danh sách đen địa chỉ IP/tên miền phát tán TĐTR.
Ngoài ra, Nghị định 91 cũng quy định mức phạt tiền thấp nhất từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý rõ ràng hay từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo; gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo.
Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thực hiện quá 1 cuộc gọi quảng cáo tới 1 số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng; gọi điện thoại quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 17 giờ mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng... Phạt tiền từ 60-80 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo không đúng quy định; gửi bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo nào đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo. Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi gửi tin nhắn, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo.
Đặc biệt, Nghị định 91 cũng quy định phạt tiền từ 140-170 triệu đồng đối với các hành vi: Không thực hiện các biện pháp ngăn chặn tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo đến danh sách không quảng cáo; không ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử được dùng để phát tán TNR, TĐTR, CGR theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không xây dựng, vận hành hệ thống kỹ thuật để phòng chống, ngăn chặn TNR, TĐTR, CGR...
Hồng Anh
Theo KTĐU