Sự kiện hot
4 năm trước

Cái lo... có lý

Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành thay thế Nghị định 79/2012/NĐ-CP có rất nhiều điểm mới được đánh giá tiến bộ.

Thế nhưng, việc bỏ quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái) khiến nhiều người bày tỏ lo lắng. Đặc biệt, nhiều nghệ sĩ làm nghề thực thụ tỏ ý không đồng tình; còn những nghệ sĩ vốn trước nay là “giọng ca phòng thu” bị mỉa mai rằng “thời” của họ tới rồi…

Về việc bỏ quy định cấm người biểu diễn “hát nhép”, “đàn nhái” trong nghị định mới, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng không đồng nghĩa cho phép hát nhép, đàn nhái và mỗi nghệ sĩ phải có trách nhiệm với chính uy tín của mình, với khán giả.

Vị đại diện trên giải thích, các điều cấm cụ thể trong nghị định cũ không còn phù hợp tình hình thực tế hiện nay và nghị định mới được xây dựng với tinh thần giảm cấm đoán, tăng hậu kiểm, giám sát từ cơ quan quản lý. Nếu có bằng chứng về việc nghệ sĩ hát nhép, đàn nhái, gây tổn hại tinh thần, nhận thức của công chúng sẽ bị xử phạt theo Nghị định 158 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Tuy nhiên, quy định mới kiểu nước đôi “không cấm” cũng “không cho” như trên khiến không ít người ngầm hiểu rằng, người biểu diễn sẽ được vô tư “hát nhép”. Điều này chẳng khác nào phó mặc cho sự tự ý thức của người nghệ sĩ trên sân khấu.

Đành rằng, thực tế trong rất nhiều chương trình nghệ thuật quan trọng, phát trực tiếp trên các kênh truyền hình, ban tổ chức thường bắt buộc phải sử dụng bản ghi âm để thay giọng thật nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất khi lên sóng. Đành rằng, bây giờ người ta đi “xem ca nhạc” nhiều hơn là đi nghe - thưởng thức và thứ “âm nhạc thời trang” đang phủ sóng, chiếm lượt xem nhiều hơn sản phẩm âm nhạc đích thực. Và đành rằng, có khá nhiều ca sĩ hát nhép nhưng vẫn được một bộ phận khán giả yêu thích, có rất nhiều show, có cảm giác chỉ cần đẹp là ai cũng thành ca sĩ!

Thế nhưng, nếu âm nhạc thật sự thay đổi, một sản phẩm chỉ cần “bắt trend” (trào lưu), chỉ cần giai điệu bắt tai mà không cần ca từ đẹp, không cần những biến ảo hòa thanh thì nghệ thuật sẽ ra sao? Một sân khấu không cần ca sĩ thật sự hát hay mà chỉ cần nhảy múa cho vui, mấp máy môi cho tròn khẩu hình; nhạc công chỉ lướt tay y như thật trên cây đàn… thì nghệ thuật biểu diễn sẽ như thế nào, chân giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật sẽ đi về đâu. Như một nhạc sĩ đã nói rằng: Cứ vầy hoài mai kia âm nhạc sẽ là thời của robot, của AI.

Có nghệ sĩ thực thụ nào lại muốn “hát nhép” mỗi khi lên sân khấu không? Với nghệ sĩ có đam mê, tự trọng chắc chắn sẽ không chấp nhận điều này bởi chẳng khác nào lừa dối khán giả, biến mình thành một công cụ biểu diễn vô hồn. Rõ ràng, việc bỏ quy định cấm “hát nhép”, “đàn nhái” đang tạo kẽ hở để những nghệ sĩ kém tài năng, thiếu ý thức và dễ dãi với nghề có cơ hội bước ra sân khấu “diễn” mà không phải chịu sự quản lý nào.

Và nếu cứ phó mặc mọi hành vi biểu diễn cho ý thức của nghệ sĩ, trông đợi vào sự tẩy chay của công chúng thì vai trò quản lý nghệ thuật ở đâu? Xem ra, đây là cái lo... có lý!

Tiểu Tân

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Từ khóa: