Sự kiện hot
13 năm trước

Cân nhắc chốt lời

Các CTCK cho rằng, xu hướng giằng co trong biên độ vẫn là xu hướng chính của thị trường, vì vậy, việc chốt lời giá cao có thể được cân nhắc.

Các CTCK cho rằng, xu hướng giằng co trong biên độ vẫn là xu hướng chính của thị trường, vì vậy, việc chốt lời giá cao có thể được cân nhắc.

Lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 27/4.

Tiếp tục giằng co trong biên độ hẹp

(CTCK BIDV - BSC)

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 2,66 điểm (-0,56%) xuống 470,21 điểm; HNX-Index giảm 0,81 điểm (-1,02%) xuống 78,74 điểm. Khối lượng giao dịch phiên phiên 26/4 hầu như không có sự thay đổi so với phiên 25/4 với 96,3 triệu đơn vị trên HOSE (thỏa thuận 5,7 triệu) và 75 triệu đơn vị trên HNX (thỏa thuận 5,6 triệu). Tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn tăng lên mức 2.500 tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng trên cả 2 sàn với 27,6 tỷ đồng trên HOSE và 18,8 tỷ đồng trên  HNX.

Đà tăng điểm trên cả 2 sàn chỉ có thể duy trì khá ngắn ngủi trong những phút đầu phiên giao dịch. Lực chốt lời mạnh ở mức giá cao khiến 2 chỉ số quay đầu giảm điểm sau đó. Nhìn 1 cách tổng thể, thị trường đang tỏ ra khá thiếu tích cực khi đa số các bluechip trụ cột trên cả 2 sàn đều mất điểm trong khi nhiều mã penny lại lên ngôi. Dù vậy, do đang tiệm cận mức đỉnh cũ, việc suy yếu của các mã dẫn dắt thị trường cũng là dễ hiểu.

Về phía cầu, bên mua vẫn tỏ ra bền bỉ ở vùng giá thấp, vì vậy trong ngắn hạn thị trường khó có thể giảm sâu. Do phiên ngày 27/4 là phiên cuối trước kỳ nghỉ lễ, tâm lý nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ ít có sự dao động mạnh. Điều này có nghĩa cả bên mua và bán ngày 27/4 sẽ giao dịch khá cầm chừng.

Chúng tôi dự báo, khối lượng trong phiên 27/4 sẽ ở mức thấp và thị trường tiếp tục giằng co trong biên độ hẹp.

Cẩn thận với các quyết định mua bán

(CTCK ACB - ACBS)

VN-Index đã không kiếm thêm được điểm nào sau phiên tăng mạnh trước đó. Gap-up hình thành đầu giờ nhanh chóng bị xóa bỏ và VN-Index đóng cửa mất điểm.

Tuy nhiên, mức giảm khá nhỏ để cho thấy dấu hiệu kỹ thuật quan trọng. Trong các phiên tới, VN-Index có thể tiếp tục đi ngang.

Hiện MSN và BVH có thể đã xuyên thủng các mức hỗ trợ. Nếu đúng như vậy, nhiều khả năng các mã này sẽ mất điểm và sẽ cản trở sự phục hồi của VN-Index và VN30-Index.

Ở hướng ngược lại, VIC, DPM, EIB có dấu hiệu tiếp tục tăng, sẽ hỗ trợ cho các chỉ số trong thời gian tới.

Tương tự VN-Index, HNX-Index cũng mất điểm ngày 26/4, trả lại gần hết mức tăng đạt được trong phiên trước đó.

Xu hướng giảm trong phiên khá nhẹ, không cho thấy áp lực bán mạnh. Ngoài ra, bên mua liên tục bắt đáy khiên bên bán cũng chùn bước.

Do đang ở vùng kháng cự 79-82, dao động của HXN-Index có thể sẽ giằng co và khó dự đoán trong các phiên tới, nhà đầu tư nên cẩn thận với các quyết định mua bán.

Ở chiều tăng, nếu vượt 81, HNX-Index sẽ hình thành một breakout mới. Ngược lại, nếu xuyên thủng đáy nhỏ ở 77, đồng nghĩa với cắt xuống dưới đường xu hướng tăng nối 2 đáy ở 69 và 72, HNX-Index nhiều khả năng giảm sâu về vùng hỗ trợ 69-70 trong ngắn hạn. 

Giằng co là xu hướng chủ đạo

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Các thông tin mang tính định hướng chính sách đã không đủ mạnh để hỗ trợ đà tăng điểm của thị trường dài hơn một phiên. Thay vào đó, tâm lý thận trọng tiếp tục lấn lướt, bên mua không sẵn lòng trả giá cao trong khi nguồn cung chờ chốt lời khá lớn khiến hai chỉ số đảo chiều giảm điểm sau thời gian ngắn tăng điểm vào đầu phiên.

VN-Index đóng cửa với số điểm thấp nhất và HN-Index đóng cửa chỉ cao hơn mức này một chút. Thanh khoản biến động nhẹ, trong đó, giao dịch cải thiện trên sàn HOSE vào giảm nhẹ trên sàn HNX. NĐT nước ngoài cũng giao dịch khá tích cực và mua ròng chủ yếu ở các cổ phiếu bluechips, điển hình như HPG, KDC, PVD và STB.

Diễn biến phiên 26/4 càng khẳng định quan điểm trước đó của chúng tôi: xu hướng giằng co sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo cho đến khi có thông tin đủ mạnh giúp thị trường tạo xu thế mới. Với quan điểm này, chúng tôi cho rằng chiến lược mua đuổi giá trong giai đoạn hiện tại sẽ mang lại rủi ro lớn hơn cho NĐT ngắn hạn.

Xu hướng tăng chưa bị đảo chiều

(CTCK Kimg Eng - KEVS)

Hai chỉ số cùng giảm điểm. Áp lực bán được cho là từ các nhà đầu tư thận trọng đóng trạng thái trước kỳ nghỉ lễ dài. Chỉ số HNX-Index tiếp tục yếu hơn tương đối, có mức giảm mạnh hơn so với VN-Index. Khối lượng giao dịch của cả hai sàn vẫn thấp hơn trung bình 10 ngày gần đây, dù đã gia tăng so với những mức thấp vài ngày trước.

Xu hướng tăng giá của hai chỉ số vẫn chưa bị đảo chiều.

Áp lực bán sẽ tiếp tục tăng

(CTCK FPT - FPTS)

Quan sát diễn biến phiên giao dịch 26/4, có thể thấy áp lực bán chốt lời đóng vai trò chủ đạo trong diễn biến đảo chiều giảm điểm của VN-Index.

Tại nhóm các cổ phiếu đã có mức tăng nóng trong giai đoạn trước điều chỉnh như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán…hoạt động chốt lời của nhà đầu tư diễn ra khá mạnh. Ngoài ra, nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng đa số quay đầu giảm điểm.

Tuy nhiên, điểm tích cực trong phiên giao dịch này là sức cầu vẫn duy trì khá tốt tại các mã cổ phiếu thuộc các ngành khoáng sản, cao su… nhóm cố phiếu đang tạo sóng khá tích cực. Dòng tiền đầu cơ đổ vào nhóm cổ phiếu này cùng lực cầu bắt đáy đã góp phần nâng đỡ thị trường, giúp VN-Index tránh được một phiên giảm sâu. Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức khá.

Mặt khác, thị trường đang được hỗ trợ bởi khá nhiều thông tin tích cực liên quan đến lạm phát, lãi suất và động thái cơ cấu lại TTCK từ cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, diễn biến chỉ số CPI cùng việc áp dụng bán chứng khoán T+3 trong thời gian tới sẽ là những thông tin tiếp tục gây ảnh hưởng tích cực đến diễn biến của VN-Index.

Theo quan sát của chúng tôi thì thị trường hiện vẫn trong giai đoạn tích lũy sau xu thế tăng điểm mạnh vừa qua và diễn biến phiên giao dịch hôm nay mang ý nghĩa về mặt kỹ thuật. Nhiều khả năng thị trường sẽ diễn biến giằng co với áp lực bán sẽ tiếp tục tăng để thử thách sức cầu trong phiên giao dịch tiếp theo.

Tạm thời chưa nên tham gia mạnh

(CTCK Dầu khí - PSI)

Như chúng tôi đã nhân định trước đó, phiên giao dịch 26/4 thị trường đã có sự thoái lùi trước ngưỡng kháng cự mạnh 480 điểm với VN-Index và 80 điểm với HNX-Index.

Điểm đáng chú ý trong giao dịch phiên 26/4 chính là sự khác biệt mức giảm giữa chỉ số hai sàn. Một trong những nguyên nhân tạo nên sự khác biệt này là do dòng tiền trên thị trường có sự phân bổ lại của khi báo cáo KQKD quý I đang dần hé lộ mà theo đó, chỉ số VN-index đang nhận được sự hỗ trợ khi giá các cổ phiếu vốn hóa lớn và nhiều bluechips có diễn biến tích cực nhờ vào KQKD khả quan vừa được công bố.

Về mặt kĩ thuật, trạng thái dao động của chỉ số VN-Index có thể con tiếp diễn trong khoảng 440 - 480 điểm, tương ứng trên HNX-Index là khoảng 74 - 80 điểm. Mặc dù vậy, nếu thanh khoản tiếp tục giảm và chỉ số hai sàn giảm thêm khoảng 2% nữa thì một dạng mô hình 2 đỉnh nhỏ sẽ được tạo thành, và khi đó sẽ có nguy cơ xuất hiện một số phiên giảm mạnh.

NĐT tạm thời chưa nên tham gia mạnh vào thị trường trừ khi thanh khoản có sự cải thiện trở lại đáng kể.

Việc chốt lời tại vùng giá cao có thể được cân nhắc

(CTCK Bảo V iệt - BVSC)

Thị trường có phiên điều chỉnh cùng áp lực chốt lời khá mạnh của nhà đầu tư, đặc biệt là tại các mã cổ phiếu bất động sản. Đây cũng là nguyên nhân khiến khối lượng giao dịch trên sàn HOSE có phần gia tăng trong khi lại sụt giảm trên sàn Hà Nội.

Áp lực chốt lời, hay nói cách khác, lượng cung giá cao hiện đang thường trực khá lớn trong nhịp hồi phục này. Đây cũng là lo ngại của chúng tôi do trong các phiên điều chỉnh trước đó, thị trường giảm chưa đủ mạnh, cả về biên độ lẫn thời gian, để rũ bỏ các lượng cổ phiếu yếu.

Mặc dù vậy, điều này chỉ hàm ý những khó khăn của thị trường trong chiều hướng đi lên. Trong chiều hướng giảm điểm, việc tiết chế cung giá thấp vẫn được xem là một điểm tích cực, giúp thị trường giữ được xu hướng tăng chủ đạo.

Về tổng thể, hiện các tín hiệu kỹ thuật vẫn đang bảo lưu quan điểm nắm giữ cho nhà đầu tư. Việc chốt lời tại vùng giá cao có thể được cân nhắc đối với các mã đã tăng nóng khi đạt lợi nhuận kỳ vọng nhưng chỉ nên thực hiện từng bước, tránh bán tỷ trọng cao quá sớm.

Ngược lại, việc mua vào ở thời điểm này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro T+4 và nếu thực hiện, nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu sẵn có trong tài khoản và chỉ giao dịch với một tỷ trọng thấp.

Tiếp tục giao dịch giằng co

(CTCK Sài Gòn - SSI)

VN-Index sau hai phiên tăng điểm lại đảo chiều giảm điểm. Tăng điểm trong phiên vượt mốc kháng cự 475 điểm một lần nữa sau hơn 1 tuần giao dịch, tuy nhiên bên bán lại gia tăng đẩy lui chỉ số giảm nhẹ về trên mốc 470 điểm. Cây nến ngày có dạng Black Candle với bóng nến trên khá dài và rơi xuống thấp hơn mở cửa của ngày trước đó.

Biến động trong phiên cho thấy sự yếu đi của xu hướng phục hồi (High volume downbar after an Upmove indicates weekness) đồng thời MACD tiệm cận đường tín hiệu và giảm trở lại cho dấu hiệu không tích cực.

Chúng tôi cho rằng, phiên giao dịch cuối tuần và đầu tuần tới VN-Index có khả năng giằng co và vận động bù lại khoảng trống Gap được tạo ra bởi phiên ngày 25/4.

Vẫn tiếp tục sideway

(CTCK Woori CBV)

Hai sàn có diễn biến giằng co ở đầu phiên và cũng có lúc cùng bật xanh đồng thời. Tuy nhiên về cuối phiên với áp lực chốt lời diễn ra mạnh mẽ hơn khiến cả 2 sàn chìm dần sang sắc đỏ.

Bất chấp thị trường điều chỉnh, số mã tăng giá vẫn cân bằng với số mã giảm giá. Ngoài ra một số mã đầu cơ đặc biệt thuộc nhóm ngành khoáng sản vẫn tiếp tục dư mua trần với số lượng lớn như BMC, KSA, BGM…. Khối ngoại cũng có giao dịch lình xình trong phiên giao dịch ngày hôm nay.

Về phương diện kỹ thuật, phiên giao dịch ngày 26/4/2012 thị trường suy giảm nhẹ kèm khối lượng gia tăng bên HSX và sụt giảm ở HNX. Sự cơ cấu và tập trung của dòng tiền thể hiện rõ nét trong phiên giao dịch ngày 26/4 khi các nhóm ngành chứng khoán, ngân hàng, bất động sản bị bán khá mạnh, trong khi đó nhóm ngành khai khoáng vẫn tiếp tục nóng.

Như vậy, thị trường vẫn tiếp tục sideway, đồng thời yêu cầu mua của chúng tôi trong báo cáo hôm qua được hủy bỏ.

Theo DTCK

Từ khóa: